Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Đổi mới quản lý

By toan | 22 Tháng Mười, 2014

Đề án thể hiện sự đổi mới về quản lý

Học sinh trung học ngày càng hứng thú với nghiên cứu khoa họcThứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phân tích: Trong xu thế phát huy dân chủ, việc quản lý hiện nay đang đổi mới theo hướng giao quyền và giám sát. Theo đó, cấp dưới được phân quyền, phân cấp trong công tác quản lý, các cơ sở được tự chủ. 

Ngành Giáo dục đang cố gắng phân định công tác quản lý Nhà nước với công tác quản trị nhà trường; trong quản lý Nhà nước thì phân định quản lý Nhà nước theo nghĩa hẹp với quản lý Nhà nước về chuyên môn. Với quản lý Nhà nước theo nghĩa hẹp, quy định những gì được phép làm và không được làm khác. Còn quản lý Nhà nước về chuyên môn và quản trị nhà trường thì tạo điều kiện cho các cơ sở được phát huy trí tuệ, được sáng tạo và tự do học thuật. Khi kiểm tra đánh giá chỉ xem các trường có đi đúng hành lang pháp luật, chứ không phải có làm đúng theo chỉ đạo của cấp trên hay không. Quản lý như vậy thể hiện sự dân chủ, phát huy được tính năng động, sáng tạo của người làm, của cơ sở. 

Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT” thể hiện đúng tinh thần này. Theo nghĩa rộng, toàn bộ đề án chính là sự đổi mới về quản lý - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ. 

Được biết, theo tinh thần trên, trong quản lý chuyên môn, các trường sẽ có chương trình riêng  phù hợp với chương trình chung của Bộ GD&ĐT. 

Hay như việc quản lý chất lượng, Đề án coi trọng cả quản lý đầu ra, quản lý đầu vào và quản lý quá trình. Cách quản lý như vậy là ứng dụng những tiến bộ của khoa học quản lý để đảm bảo chất lượng. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, phải tác động chính vào yếu tố con người mới có thể đổi mới quản lý.

Chỉ ra nguyên nhân quá tải để giảm tải

Những phân tích thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân quá tải trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển được phóng viên báo chí hết sức chú ý. Theo Thứ trưởng, việc thiết kế chương trình giáo dục hiện nay quá tải không phải vì quá nhiều kiến thức hay kiến thức quá cao. Quá tải là do sách giáo khoa nhiều kiến thức hàn lâm. Sách được viết chỉ có 1 bộ, trình bày muốn đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, logic nên một số kiến thức hàn lâm cho dù không cần thiết vẫn đưa vào. Đây chính là một trong những yếu tố gây quá tải chương trình. 

Cùng đó, chương trình hiện nay đang cắt khúc giữa lớp trên với lớp dưới, giữa cấp học cao với cấp học thấp, giữa các bộ môn với nhau, không có tính liên thông. Theo đó, một số kiến thức bị thừa, học sinh phải học đi học lại thành quá tải

Quá tải cũng do mục tiêu quy định nặng về học toàn diện, không chú ý đến phân hóa để học sinh cần định hướng nghề nghiệp nào thì học kiến thức đó. Chính bởi ai cũng đều học kiến thức giống nhau nên việc học thành nặng nề, không thực tế. 

Nguyên nhân quá tải còn do mục tiêu coi trọng trang bị kiến thức, chưa thực sự coi trọng phương pháp học. Hiện nay còn hiện tượng chỉ mong trong thời gian ngắn, đọc chép, nhồi nhét được nhiều kiến thức. Trong khi nếu dạy phương pháp học thì học sinh sẽ hứng thú hơn, không bị quá tải, vì được khám phá ra điều mới mẻ với bản thân, biết cách học, kiến thức dù ít nhưng đủ để có năng lực học tập suốt đời.

Ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố gây quá tải khác như cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên năng lực hạn chế… khiến chương trình bị quá tải.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Nhận thấy những điều này, chương trình mới sẽ tăng tính thực tiễn, giảm bớt tính hàn lâm, đảm bảo kiến thức theo định hướng nghề nghiệp, dạy phương pháp học… với mục tiêu cuối cùng là năng lực của người học và hệ quả là giảm tải chương trình… 

Thiết kế nhiều chương trình, nhiều nội dung, học sinh học tự chọn

Đề án có đề cập đến việc dạy học tích hợp, dạy học phân hóa… Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, phương pháp dạy học tích hợp đầu tiên giúp cho đỡ bị quá tải trong chương trình. Khi tích hợp, số môn học ít đi, nội dung được xem xét thấu đáo, khỏi bị chồng lấn giữa các môn. 

Khi dạy học tích hợp, có thể thấy rõ giáo viên và học sinh phải vận dụng kiến thức một cách tổng hợp. Theo đó, năng lực vận dụng kiến thức, áp dụng vào thực tế cao hơn – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phấn khởi chia sẻ. 

Còn khi dạy học phân hóa, ở cấp THPT số môn học bắt buộc ít đi nhưng có nhiều môn hoặc chủ đề cho học sinh tự chọn. Sẽ thiết kế nhiều nội dung ở mức độ cao thấp khác nhau nhưng học sinh được học tự chọn. Thiết kế chương trình theo hướng phân hóa sẽ đáp ứng nhu cầu phát huy năng lực riêng của từng học sinh.

Theo ông, cần hướng tới việc học sinh làm được gì sau khi học. Trong thực tế, quan niệm về kiểm tra đánh giá còn hạn hẹp, chỉ coi trọng kết quả cuối cùng là học được gì. Trong khi đó, cách kiểm tra đánh giá theo quan điểm mới là trong quá trình dạy học, giáo viên phải biết phát hiện những nhân tố nổi bật của học sinh để bồi dưỡng, phát huy; nhìn ra những yếu kém của học sinh để có hướng dẫn kịp thời, điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học để giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập. Đây là hướng đi coi trọng, tăng cường đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá kết quả giáo dục.

Được biết, Bộ GD&ĐT đang triển khai cách đánh giá mới, đó là đánh giá trên diện rộng. Cách đánh giá này không dựa chỉ vào kết quả, không nhằm vào từng đối tượng học sinh cụ thể, mà nhằm vào diện rộng. Nhưng tổng hợp lại có kết quả chung là học sinh làm được gì, phân tích điều tra được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả giáo dục như yếu tố giáo viên, yếu tố cơ sở vật chất, chương trình, SGK; có cả những yếu tố của quá trình thực hiện như công tác quản lý của nhà trường, quản lý giáo viên… Khi tìm ra được mối tương quan giữa các tác động đó sẽ thay đổi chính sách, hướng tới kết quả tốt hơn.
Gắn mục tiêu, nội dung, mong muốn với điều kiện thực tiễn

Hiện song song với Đề án Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, Đề án Đổi mới chương trình SGK đang được xúc tiến chuẩn bị. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Trên thực tế, với những việc chắc chắn là đúng, Bộ GD&ĐT đã, đang tiến hành. Như triển khai Mô hình trường học mới ở cấp tiểu học (VNEN); nghiên cứu khoa học của học sinh trung học; giao quyền chủ động về chương trình cho các nhà trường; một số nội dung trong kiểm tra đánh giá như: Đánh giá trên diện rộng, tham gia chương trình đánh giá quốc tế…

Những thông tin trên chưa được công bố chính thức, bởi theo vị lãnh đạo ngành Giáo dục, thực hiện cần một quá trình, phổ biến đại trà nhưng chưa cần áp dụng đại trà cho các nơi. Trong thực tế, có nơi thực hiện được ngay, nhưng cũng có địa phương chưa thực hiện được, hoặc thực hiện với mức độ nhiều – ít khác nhau. 

Đáng chú ý, trong đổi mới chương trình SGK, hiện môn ngoại ngữ đã xây dựng chương trình mới, xây dựng SGK mới, đang triển khai ở những nơi có đủ điều kiện.

Đây cũng chính là cách làm của thời gian tới. Gắn mục tiêu, nội dung, mong muốn của với điều kiện thực hiện – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

(Theo GDTD)

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan