Olympic Quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn (International Olympiad on Astronomy and Astrophysics, viết tắt: IOAA) là một kỳ thi thiên văn học thường niên dành cho học sinh trung học. Cuộc thi gồm 4 phần chính: phần lý thuyết, phần quan sát, phần xử lí số liệu và phần thi nhóm được trình bày trên giấy. Năm nay, kỳ thi được tổ chức tại Bhubaneswar, Ấn Độ từ ngày 9-19/12/2016 với tổng cộng 42 đội từ các nước khác nhau đến tranh tài.
5 nam sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chuẩn bị tham gia kì thi IOAA
Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam được vinh dự tham gia IOAA với cả 5 thành viên đều đến từ lớp 11 Lý 1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam: Nguyễn Tiến Nhân, Trần Đức Huy, Trần Quang Thành, Lê Hồng Long, Đỗ Lê Duy. Nhóm phóng viên Ams Wide Web đã có cơ hội trò chuyện và phỏng vấn cả đội trong quá trình ôn luyện chuẩn bị cho cuộc thi.
PV: Trước hết, thay mặt cho nhóm phóng viên Ams Wide Web, em xin cảm ơn các thành viên trong đội đã nhận lời phỏng vấn. Kì thi đang tới rất gần rồi, cảm xúc của mọi người như thế nào?
Lần đầu tiên đại diện cho Việt Nam tham gia một cuộc thi quốc tế lớn như vậy, chắc chắn ai cũng hồi hộp, lo lắng rồi. Song cùng với đó bọn mình cũng vô cùng hào hứng chờ đợi những điều sắp tới, cố gắng giữ tinh thần thoải mái nhất để dự thi.
Vật lý thiên văn là một bộ môn khoa học đặc biệt và còn khá mới mẻ với nhiều bạn học sinh Việt Nam. Vậy ở môn học này có gì thú vị và lôi cuốn mọi người tham gia tìm tòi, nghiên cứu ?
Bản năng của loài người là thích tìm tòi, học hỏi, luôn muốn khám phá những điều mới lạ. Thiên văn học và vật lý thiên văn mang chúng ta tới với những bí mật sâu thẳm của vũ trụ bao la – những điều thú vị mà tất cả chúng mình mong muốn được hiểu sâu hơn, nhiều hơn về nó. Môn học này giúp ta hiểu biết thêm về những thiên thể trong không gian hay các hiện tượng kỳ thú như mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực,... hay nói cách khác, nó cho ta thấy được những vẻ đẹp rộng mở mà sâu thẳm của vũ trụ.
Các thành viên đều hào hứng khi được tham gia cuộc thi
PV: Tham gia một cuộc thi đặc biệt như vậy, ắt hẳn các thầy cô giáo lãnh đội và tất cả các thành viên đã có sự chuẩn bị rất kĩ càng, cẩn thận, chu toàn. Những kiến thức hay kĩ năng được trau dồi, rèn luyện đó là gì?
Để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, đội tuyển đã và đang nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề cơ bản của thiên văn học và vật lý thiên văn. Không chỉ có vậy, các kĩ năng vô cùng quan trọng như quan sát, xử lí số liệu hay tính toán,.. cũng được trau dồi và củng cố cùng những chuyên gia trong lĩnh vực. Với sự chuẩn bị như vậy, bọn mình hy vọng sẽ đạt được những thành công bước đầu trong lần đầu tiên Việt Nam tham dự kỳ thi này.
Không có con đường nào đến đỉnh vinh quang là bằng phẳng, vậy trong suốt quá trình chuẩn bị cho kì thi, từng cá nhân nói riêng và cả đội đã gặp phải những khó khăn như thế nào ? Liệu những khó khăn đó có phải chỉ là trở ngại hay còn là cơ hội để mọi người cố gắng hơn và lại gần nhau hơn ?
Đúng vậy. Không có con đường nào là bằng phẳng nhưng con đường ngắn nhất để vượt qua khó khăn là đi xuyên qua nó. Bọn mình biết đến kì thi này mới chỉ 2 tháng trước. Do điều kiện của chương trình học nên bọn mình cũng chưa biết nhiều về môn học này. Sau khi vượt qua vòng trường để đi thi, cả đội thấy lượng kiến thức cần phải trau dồi thêm là rất nhiều. Ban đầu mọi người cũng thấy khó khăn, một phần vì thời gian gấp rút và thiếu kinh phí, một phần cũng vì đây là môn học mới với học sinh Việt Nam và không có nhiều giáo viên nghiên cứu chuyên sâu về mảng này.
May mắn thay, đội được chỉ dẫn bởi các giáo viên rất tâm huyết, nhiệt tình. Các thầy cũng dành thời gian nghiên cứu và học cùng đội. Ngoài giờ học ở trên lớp, bọn mình cũng thường xuyên trao đổi và tự làm một số đề thi. Cùng nhau làm nhiều việc nên dần dần mọi người cũng trở nên thân thiết, gắn bó hơn. Năm nay là năm đầu nên còn nhiều khó khăn nhưng bọn mình sẽ cố gắng hết sức để khắc phục chúng.
Đội tuyển Vật lý Thiên văn cùng thầy giáo
PV: Đại diện cho học sinh Việt Nam tham dự kì thi Vật lý thiên văn Quốc tế, đoàn có đặt ra mục tiêu gì cho lần dự thi này?
Vì đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự kỳ thi này cho nên là cả đoàn ai cũng cố gắng hết sức để đạt giải cao nhất. Có thắng lợi mở đầu thì sau này mới có động lực để thi tiếp, mà có thể môn thiên văn sẽ về Việt Nam luôn ý chứ. Vậy nên mục tiêu đặt ra là giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế và có giải, còn giải gì thì chắc cũng còn tùy vào may mắn và nỗ lực từng người cũng như cả đội rồi.
Cả đội cùng nhau ôn luyện để đạt được kết quả tốt nhất
PV: Hỏi xa hơn một chút, sau cuộc thi, mọi người có ý định tiếp tục theo đuổi ngành Vật lý thiên văn hay không?
Cũng chưa có gì chắc chắn được về điều này. Nếu như có được học bổng đi Mỹ, Nhật, Anh, ... hay có cơ hội làm ở nước ngoài thì bọn mình sẽ xem xét việc theo đuổi ngành Vật lý Thiên văn, bởi vì đây đều là những nước có kỹ thuật hàng không vũ trụ phát triển và cơ sở hạ tầng tốt. Còn nếu làm việc trong nước thì chắc là khó mà theo đuổi ngành này vì nó chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam cũng như không có đủ thiết bị nghiên cứu. Chỉ mong trong tương lai ngành Thiên văn học và Vật lý Thiên văn sẽ được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt là qua cuộc thi lần này.
Cảm ơn mọi người vì những câu trả lời vô cùng chân thành, nhiệt tình trong buổi phỏng vấn hôm nay. Thay mặt cho Ams Wide Web, em xin chúc cả đoàn tham gia kì thi Thiên văn học và Vật lý thiên văn Quốc tế lần này có thật nhiều trải nghiệm thú vị, đạt được kết quả cao để vinh danh Việt Nam cũng như trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam!
PV: Kim Chi – Văn 1619