Theo đó, về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được tổ chức giống như năm 2020, những sửa đổi, bổ sung chỉ làm rõ hơn những quy định mang tính kỹ thuật của kỳ thi năm trước.
Giao cho địa phương, giữ ổn định
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được Bộ GD-ĐT khẳng định giữ ổn định như năm 2020. Kỳ thi sẽ được tổ chức nhẹ nhàng, giao cho địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Kỳ thi sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020 nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học theo chuẩn đầu ra của chương trình, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực của học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa.
Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập, bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tự chọn từ 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với học sinh THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với học sinh giáo dục thường xuyên).
Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Về hình thức thi, chỉ duy nhất môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Tăng cường kiểm soát
Tuy mục tiêu là nhẹ nhàng, nhưng tại dự thảo quy chế thi một số điểm điều chỉnh nhằm mục đích tăng cường giám sát, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan và tin cậy của kết quả thi.
Theo đó, ở khâu coi thi, dự thảo quy chế năm nay duy trì và cụ thể hóa hơn quy định "trộn" thí sinh đã học xong chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở nhưng năm trước (thí sinh tự do), thí sinh tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi và thí sinh giáo dục thường xuyên với thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay học hệ giáo dục THPT.
Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ quyết định việc sắp xếp thí sinh vào phòng thi tại các điểm thi sao cho ở mỗi điểm thi có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 học chương trình giáo dục THPT trên tổng số thí sinh. Những trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Bộ GD-ĐT. Quy định này nhằm ngăn chặn nguy cơ gian lận thi cử có tổ chức ở nhóm đối tượng thí sinh tự do, hoặc thí sinh hệ trung cấp, hệ giáo dục thường xuyên.
Chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận với 30.000 bài trở lên
Về chấm thi, dự thảo sửa đổi như sau: trưởng môn chấm thi tổ chức quán triệt quy chế thi, thảo luận đáp án, hướng dẫn cho toàn bộ tổ trưởng chấm thi, cán bộ chấm thi và chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận (đối với những hội đồng thi có từ 30.000 thí sinh trở lên, trưởng môn chấm thi có thể triển khai theo từng tổ chấm thi hoặc nhóm tổ chấm thi). Sau đó tổ chức chấm thi theo quy trình chấm 2 vòng độc lập tại 2 phòng chấm thi riêng biệt.
Cán bộ chấm thi lần thứ 2 ghi điểm chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh (điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bên trái bài thi ngay cạnh ý được chấm) và vào phiếu chấm.
Theo dự thảo, điểm thi được bảo lưu như sau: thí sinh dự thi đủ các bài thi, môn thi quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điểm bài thi hoặc điểm các môn thành phần của bài thi tổ hợp chỉ được bảo lưu theo quy định trên nếu các môn thi thành phần của bài thi đó đều đạt trên 1 điểm.
Thí sinh bị đình chỉ thi khi nào?
Dự thảo quy định đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép theo quy định tại điều 14 quy chế này vào phòng thi, phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ.
Cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo trưởng điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu trưởng điểm thi không nhất trí thì báo cáo trưởng ban coi thi quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi, phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận hoặc khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm.
“Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó”, dự thảo quy định rõ.
Quy định về cộng điểm khuyến khích
Quy định về cộng điểm khuyến khích được sửa đổi, bổ sung như sau: đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn vật lý, hoá học, sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT.
Đối với giải cá nhân: đoạt giải nhất, nhì, ba quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc huy chương vàng được cộng 2,0 điểm; giải khuyến khích quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh hoặc huy chương bạc được cộng 1,5 điểm; giải ba cấp tỉnh hoặc huy chương đồng được cộng 1,0 điểm.
Đối với giải đồng đội: chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia; số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội theo quy định cụ thể của ban tổ chức từng giải; mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân quy định tại điểm này. Những người học đoạt nhiều giải khác nhau trong nhiều cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.
Ngoài ra, dự thảo cũng dự kiến điều chỉnh, bổ sung những quy định mang tính kỹ thuật, làm rõ hơn trách nhiệm trong khâu ra đề thi các môn thi tự luận và trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.