Được điểm cao đôi khi cũng phải học cách ứng xử khéo

By toan | 29 Tháng Mười, 2014

Đi học được điểm cao là niềm mong ước của tất cả các bạn học sinh. Tuy nhiên trên lớp cũng có những tình huống đòi hỏi các bạn phải biết ứng xử một cách khéo léo, tránh gây bất hòa và khiến mọi người có cảm giác thiếu thiện cảm với mình. Bởi được lòng người này thì mếch lòng người kia.

Chẳng hạn, trong giờ kiểm tra Toán, bạn ôn trúng tủ dạng câu hỏi cô đưa ra, nên 4 câu trong đề bạn giải quyết một cách “ngon ơ”. Điều hiển nhiên là bạn được điểm cao. Nhưng các bạn xung quanh và thậm chí là "mặt bằng chung" của lớp điểm lại thấp hoặc chỉ đạt trung bình thì bạn phải ứng xử ra sao? Khoe khoang điểm số của mình hay cười hớn hở trong khi mọi người đang ỉu xìu vì điểm thấp?

Để vừa được mọi người yêu quý, cảm thấy nể phục vì thành tích học tập lại không bị coi là kênh kiệu, khoe khoang, bạn cần phải có cách ứng xử phù hợp.

Không khoe khoang điểm số

Nếu cả lớp cùng được điểm cao thì bạn có thể trao đổi điểm số với các bạn xung quanh, xem ai được điểm cao hơn, ai sai ở đâu để sửa. Nhưng nếu chỉ một số ít người được điểm cao, trong đó có bạn thì điều này hoàn toàn là không nên.

Hô to: “Tao được 9. Vui quá. Chúng mày được mấy thế. Biết ngay là làm đúng mà” – nếu bạn không muốn nhận được những ánh mắt khó chịu từ một số bạn trong lớp thì tốt hơn hết hãy yên lặng và đừng tỏ vẻ quá khích với điểm số mình đạt được.

Không lên mặt dạy đời

Việc bạn được điểm cao có thể là do sức học của bạn rất tốt hoặc thần may mắn điểm trúng bạn. Những người xung quanh bạn bị điểm thấp không có nghĩa là họ học dốt, đôi khi chỉ là do sơ suất, bất cẩn. Do đó, khi cô trả điểm và nhận bài kiểm tra, bạn không nên quay ngang quay dọc ngó bài của các bạn khác và không cần đợi họ hỏi tại sao chỗ này sai, chỗ kia thiếu chỗ nào mà lại không được điểm tuyệt đối, bạn đã thao thao bất tuyệt phải làm thế này, thế kia. Điều này dễ khiến nhiều bạn có cảm giác khó chịu vì nghĩ rằng bạn đang thể hiện. Thay vào đó, hãy thật điềm tĩnh và khi có bạn nào đó hỏi hãy giải đáp thắc mắc và giải thích giúp họ cách làm bài.

Không thao thao bất tuyệt “Mình thật may mắn”

Khi bị điểm kém, mọi người thường có xu hướng tiêu cực, buồn, bực, khó chịu và cho rằng mình kém may mắn. Do đó, nếu bạn được điểm cao mà lại luôn miệng nói “Mình thật may mắn, hôm qua trúng tủ, đúng là ở ăn ở có phúc đức” sẽ khiến không ít bạn thấy bực mình. Chưa kể, với những bạn được coi là “mọt sách” mà lại luôn mồm nói do mình may mắn sẽ càng khiến ngọn lửa khó chịu trong mắt một số bạn ở lớp dâng cao hơn.


Khiêm tốn, thật thà, giúp đỡ bạn bè

Một lần được điểm cao, hai lần, ba lần hay thậm chí là nhiều lần thì bạn cũng cần phải tỏ ra khiêm tốn, thái độ kênh kiệu, tự tin thái quá sẽ khiến bạn mất điểm thân thiện trong mắt mọi người.

Thà là khi bạn bè trong lớp hỏi bạn được mấy điểm thì bạn nên trả lời thật, đừng vì thấy cả lớp điểm thấp mà cũng hạ điểm của mình xuống vài bậc. Điều này tạm thời có thể khiến các “chiến hữu” vui vẻ trong giây lát vì có kẻ đồng cảnh ngộ với mình. Nhưng cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, khi bị phát hiện điểm số thật, bạn sẽ phải đối mặt với sự nghi ngờ và thiếu niềm tin từ bạn bè.

Khi bạn được điểm cao do sức học của mình, ắt sẽ có nhiều bạn thấy ngưỡng mộ và muốn bạn giúp đỡ giảng bài cho. Đừng từ chối cơ hội này, cũng đừng nghĩ rằng như vậy bạn ấy sẽ giỏi hơn mình. Một vài phút bỏ ra giảng bài giúp các bạn sẽ giúp bạn thu lại rất nhiều: tình bạn, sự ngưỡng mộ, cảm phục và quan trọng nhất là bạn được nhiều người trong lớp yêu quý.
(Theo Trithuctre)

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan