Phóng viên (PV): Em chào chị ạ. Đầu tiên chị có thể cho Amsers biết vài dòng về mình được không ạ?
Phương Thảo: Chào em. Chị là Nguyễn Phương Thảo. Trước đây chị đã học tại lớp A10 chuyên Toán của trường THCS Giảng Võ, và sau đó chị học lớp Lý 1 khoá 0710 tại Ams. Vài ngày nữa khi quay lại Mỹ chị sẽ trở thành học sinh năm thứ hai của đại học Yale.
PV: Chị có thể kể một kỉ niệm đáng nhớ của chị với trường Hà Nội - Amsterdam không?
Phương Thảo: Một kỉ niệm khá ảnh hưởng tới chị là kỉ niệm với môn Lịch sử của thầy Huy ở trường. Từ khi được học thầy, chị trở nên rất thích Lịch sử. Chị luôn ngồi bàn đầu, nghe chăm chú và nhớ lời thầy, ghi bài đến tận 4,5 trang vở. Chị còn học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy nên không phải học bài ở nhà mà vẫn rất nhớ các số liệu, ngày tháng. Một phần cũng vì thầy rất nhiệt tình nên chị chưa bao giờ yêu môn Sử đến như thế. Tuy nhiên, đợt thi tốt nghiệp năm đó có môn Sử. Trong đề lại có đúng một câu chị chưa kip ôn lai trong đợt ôn thi, may mà trong thời gian học Sử thầy Huy, chị đã nhớ từ trong giờ học, nên lúc ấy làm khá tốt bài thi và được 9 điểm môn Sử.
PV: Chị đã có kế hoạch học tập như thế nào ở những năm trung học phổ thông ạ?
Phương Thảo: Từ đầu chị đã luôn muốn apply để hết năm lớp 12 có thể đi du học. Cũng giống với nhiều bạn khác thôi, năm lớp 11 chị dành thời gian để học và thi các kì thi, đến hè năm lớp 12 thì bắt đầu chọn trường và viết essay. Đến tháng 12 của năm học lớp 12 thì chị apply xong, chỉ ngồi đợi thôi. Chị khá quyết tâm nên không ôn thi đại học, dồn hết thời gian vào việc chuẩn bị hồ sơ. Về học tiếng Anh thì chị cũng đi học lớp SAT của cô Hoa và lớp TOEFL của cô Giang và thầy Nghiêm, sau đó tự ôn tại nhà.
PV: Chị luyện nghe và luyện nói như thế nào ạ?
Phương Thảo: Về nói thì chị luyện tập với một số bạn ở lớp và với em chị bằng tiếng Anh. Ngoài ra thì chị có một nhóm bạn cùng ôn thi với nhau, khi nào có điều kiện đều nói chuyện bằng tiếng Anh để luyện tập khả năng nói của mình.
Về nghe thì chị xem TV nhiều, đặc biệt là kênh CNN, phim trên HBO, phóng sự trên kênh Discovery, National Geographic. Bên cạnh đó chị còn nghe audio book và podcast. Podcast là những mẩu tin ghi vào các file mp3 nhỏ, khoảng 15 phút thôi, về nhiều vấn đề như thể thao, tài chính, nghệ thuật. Chị cũng thích xem các lecture trên Academic Earth và Yale Open Courses, học cả khoá học online của họ như ngồi ở lớp thật. Chi thường lấy podcast ở các trang như cnn.com hay podcast.com.
PV: Được 12 trường nhận, tại sao chị chọn Yale ạ?
Phương Thảo: Chị chọn Yale vì từ lâu đó đã là ngôi trường mơ ước của chị. Chị biết Yale qua trang Academic Earth, rồi sau đó chị tìm nghe các lecture của các giáo sư tại Yale. Đầu tiên chị nghe một khoá học về tâm lý, chị học theo thầy, ghi bài và nhớ bài như lớp học thật. Sau đó chị dần dần học các khoá học khác.
Chị phát hiện ra Yale Open Courses như một kho kiến thức khổng lồ, có rất nhiều video ghi lại talkshow của các doanh nhân rất thú vị.
Một điều nữa hấp dẫn chị là kiến trúc của ngôi trường.
Chị chưa quyết định ngành học nhưng rất thích kinh tế và hội hoạ. Kinh tế là một ngành học rất phổ biến và dễ tìm công việc sau này mà lại cần thiết cho cuộc sống. Còn hội hoạ là một sở thích khá lớn của chị.
PV: Năm đầu tiên học tập ở Yale của chị như thế nào ạ?
Phương Thảo: Học bận rộn và có lúc căng thẳng, nhưng chị thấy rất hài lòng về năm đầu học tập ở Yale. Chị thích tất cả các lớp học mà chị đã chọn. Không chỉ học kiến thức từ thầy mà thực sự chị cũng học được rất nhiều từ bạn bè nữa. Học không phải chỉ trong lớp học. Có thể chỉ đơn giản là những cuộc nói chuyện và bàn luận trong bữa ăn, hay trên đường đi học về, chị học được từ bạn bè những kiến thức và ý kiến của họ về nhiều lĩnh vực khác nhau, điều làm chị rất thích. Chị cũng hài lòng vì đã thử sức với một môn học hoàn toàn mới là hội họa, phát hiện ra một sở thích mới của mình là hội họa, và vẫn theo đuổi nó đến bây giờ.
PV: Còn cuộc sống du học thì như thế nào ạ?
Phương Thảo: Đi lại thì chủ yếu chị đi bộ, dần dần chị đã quen với việc này. Về ăn uống, ở đây cũng có nhiều quán ăn Việt Nam và Trung Quốc nên chị không thấy khó khăn gì. Trong trường còn có 13 nhà ăn cho sinh viên bậc đại học và chị có rất nhiều sự lựa chọn. Cộng đồng người Việt Nam không đông nhưng mọi người đều giúp đỡ nhau, có khi tự nấu ăn với nhau hay các gia đình Việt Nam mời chị tới ăn cơm . VISA trường chị (vietnamese student association) cũng hay tổ chức những event nấu và bán đồ ăn Việt Nam. Tại trường chị có một thầy giáo dạy tiếng Việt và thầy cùng với VISA đã trở thành cầu nối cho chị và nhiều người bạn khác với cộng đồng người Việt trong và ngoài trường.
PV: Qua một năm, chị thấy mình của thời điểm này khác gì so với mình của một năm trước?
Phương Thảo: Năm ngoái, giờ này, chị đang rất hồi hộp và chuẩn bị rất nhiều vì không biết môi trường mới sẽ như thế nào, đặc biệt là chị chưa bao giờ ra nước ngoài và sống một mình. Sau một năm chị đã có nhiều kinh nghiệm hơn rất nhiều. Đi một ngày đàng học một sàng khôn mà.
PV: Chị có muốn nói gì với các Amsers không ạ?
Phương Thảo: Càng ngày các em càng trở nên năng động và giỏi tiếng Anh. Amsers có ngày càng nhiều các câu lạc bộ nên các em có điều kiện tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá thú vị. Các em rất giỏi và có tiềm năng, có cơ hội, vì thế chị chỉ muốn chúc các em may mắn. Chị tin các em sẽ còn đạt được nhiều thành công hơn chị nữa.
PV: Em cám ơn chị về những chia sẻ này ạ. Chúc năm thứ hai của chị tại Yale cũng sẽ là một năm học đáng nhớ và đạt được nhiều thành công!
PV: Nguyễn Siêu