Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo "Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục", với đề xuất hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Cụ thể, giáo dục mầm non giữ nguyên như hiện nay, gồm nhà trẻ (nhận trẻ từ 7 tháng tuổi) và mẫu giáo, phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Giáo dục phổ thông vẫn duy trì hệ 12 năm, trong đó bậc tiểu học và trung học cơ sở là giáo dục bắt buộc (9 năm), còn trung học phổ thông là giáo dục nâng cao, phân hóa - định hướng nghề nghiệp (3 năm).
"Theo chương trình đổi mới, hệ THPT sẽ chỉ có 3 môn học bắt buộc và 3 môn tự chọn, thay vì 13 môn học bắt buộc như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và sở trường của học sinh, giúp các em học tập tốt hơn", ông Hiển nói.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về số năm học của giáo dục phổ thông là 11 hoặc 12 năm. Luồng ý kiến 11 năm cho rằng, từ sau cải cách giáo dục lần thứ nhất 1950 - 1956, đã có thời kỳ giáo dục phổ thông là 11 năm, thậm chí 10 năm. Nếu chuyển giáo dục phổ thông hiện nay sang phương án 11 năm sẽ giảm bớt chi phí kinh tế, đồng thời tạo cơ hội để học sinh sớm đi vào cuộc sống lao động hoặc tiếp tục học lên.
Theo đề án đổi mới, học sinh lớp 11, 12 chỉ phải học 3 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn.
Theo ban soạn thảo, khảo sát 206 quốc gia thì có tới 36 nước giáo dục phổ thông 11 năm (Malaysia, Nga…). Học sinh Việt Nam hiện cũng phát triển rất nhanh về các mặt sinh học, tâm lý, xã hội nên có thể tốt nghiệp THPT ở tuổi 17.
Tuy nhiên, trong 4 mô hình (9, 10, 11 và 12 năm) của giáo dục phổ thông Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay thì mô hình 12 năm tồn tại lâu nhất, trong nhiều giai đoạn và ngày càng ổn định (32 năm).
Hiện có 127 nước quy định độ tuổi nhập học bậc tiểu học là 6 tuổi; 163 nước có hệ thống giáo dục phổ thông từ 12-14 năm, trong đó giáo dục phổ thông 12 năm là phổ biến (117 nước), nhiều nước trong số này ở châu Á như Lào, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhiều nước phát triển như Anh, Italia, Na uy…có hệ thống giáo dục phổ thông 13 năm.
"Như vậy, trên thế giới độ tuổi nhập học tiểu học 6 tuổi, thời gian THPT 12 năm và tốt nghiệp THPT khi 18 tuổi là phổ biến nhất", Thứ trưởng Hiển nói.
Trong 21 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, số giờ dạy học trung bình là 8.984 giờ, cao nhất là 12.893 giờ (Hoa Kỳ) và thấp nhất là 6.128 giờ (Hy Lạp). Mặc dù mô hình giáo dục phổ thông của Việt Nam 12 năm như phần lớn các nước trong khối OECD, nhưng do chỉ dạy học 1 buổi/ ngày nên tổng số giờ học của Việt Nam chỉ là 7.924 giờ, ít hơn 16/ 21 quốc gia OECD.
Vì vậy, nếu Việt Nam áp dụng phương án 11 năm và tổ chức dạy học chủ yếu 1 buổi/ ngày như hiện nay thì tổng số giờ học phổ thông sẽ giảm xuống mức rất thấp, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục. Nếu tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày thì sẽ phải bổ sung rất nhiều điều kiện như tăng số lượng phòng học và các phương tiện dạy học… Thực tế ở nước ta hiện nay chỉ có một số ít cơ sở giá dục phổ thông có điều kiện dạy học 2 buổi/ ngày.
Mặt khác, nếu áp dụng phương án 11 năm, học sinh ra trường ở độ tuổi 17 chưa trưởng thành thực sự về mặt tâm lý và nhân cách xã hội để thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của một công dân. Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực học sinh là xu thế quốc tế đã và đang được nhiều nước áp dụng. Định hướng này đòi hỏi phải gia tăng thời lượng cho việc tổ chức các hoạt động học tập, đặc biệt là hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức. Vì vậy, giáo dục phổ thông vẫn nên duy trì 12 năm.
Phương pháp giảng dạy cũng được ban soạn thảo đề xuất thay đổi theo hướng tích hợp và phân hóa. Bậc tiểu học tăng cường tích hợp trong nội bộ môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề lớn như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Lớp 4 và lớp 5 thực hiện điều chỉnh thành 2 môn Khoa học và Công nghệ (chủ yếu dựa trên cơ sở môn học này ở các lớp 4, 5 của chương trình hiện hành; Tìm hiểu xã hội (chủ yếu dựa trên cơ sở môn Lịch sử và Địa lý các lớp 4, 5 của chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề xã hội).
Trung học cơ sở tăng cường tích hợp trong nội bộ như bậc tiểu học và xây dựng thêm hai môn học mới. Đó là Khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện hành) và môn Khoa học xã hội (trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội). Hai môn này được xây dựng đảm bảo tính logic, nội dung các phân môn được sắp xếp hỗ trợ nhau và tránh trùng lặp, có những chủ đề liên kết giữa các phân môn.
Về việc dạy phân hóa sẽ thực hiện theo nguyên tắc phân hóa sâu dần và mạnh ở cuối cấp THPT. Tiểu học và THCS, ngoài những môn học bắt buộc, học sinh sẽ được chọn thêm chủ đề, hoạt động khác phù hợp năng lực, sở thích. Sau THCS, học sinh sẽ phân luồng vào các trường THPT hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp. THPT tổ chức dạy phân hóa theo hướng tự chọn.
Ở lớp 10, giáo viên sẽ bước đầu định hướng nghề cho học sinh. Các em sẽ học 7 - 10 môn bắt buộc, còn lại là các môn và hoạt động giáo dục tự chọn nhằm giúp học sinh có nhận thức thấu đáo hơn các lĩnh vực kiến thức khác nhau, làm cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp sau này.
Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Học sinh học ít môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ) và 3 môn tự chọn (như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Khoa học về máy tính, Kinh doanh, Ngoại ngữ 2, Nghệ thuật, Hướng nghiệp...).
"Sự đổi mới này không gây ra xáo trộn về số lượng và cơ cấu giáo viên, không nhất thiết phải đào tạo lại mà chỉ cần bồi dưỡng một số chuyên đề dạy học tích hợp. Giáo dục THPT được thay đổi khá căn bản như bỏ hình thức phân ban, chuyển sang dạy học tự chọn. Các trường có thể chủ động lựa chọn ngành nghề ở địa phương, chủ động cùng doanh nghiệp liên kết dạy nghề cho học sinh", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.
(Theo Giaoduc)