Bởi lẽ đây không những là một kì thi quan trọng mà các bạn còn hay gặp nhiều rắc rối, sai sót trong lúc viết hồ sơ dự thi ĐH.
Mình phù hợp với ngành nghề nào?
Đấy là câu hỏi bạn phải tự đặt ra với chính bản thân. Nếu không biết bản thân mình thích, phù hợp với ngành nghề nào thì bạn không thể học và làm việc tốt được.
Minh Trang (19 tuổi) chia sẻ: "Việc xác định bản thân mình phù hợp với công việc nào là rất cần thiết. Đấy là khâu định hướng giúp bạn bước đầu trong việc chọn lựa sao cho đúng đắn. Một người nếu không có hướng đi, mục tiêu rõ ràng thì không thể có kết quả tốt".
Làm thế nào để quyết định “chắc nịch”?
Có thể bạn đang phân vân giữa nhiều ngành và nhiều trường; giữa thi khối B hay khối D. Nhưng hãy suy nghĩ thật kĩ và có quyết định rõ ràng. Bạn nên nhớ, giữa "thích" và "hợp" là 2 chuyện khác nhau hoàn toàn. Có thể bạn thích một việc làm nào đấy nhưng bản thân bạn không hề hợp với nó.
Như trường hợp của Duyên (20 tuổi, Quảng Ngãi), cô nàng thích học bên khối Kĩ thuật, thích được làm những việc phía trong hậu trường. Nhưng cô bạn đã nhận ra đấy chỉ là thấy người khác làm và thích thôi, chứ bản thân trước giờ chưa làm việc với máy móc bao giờ. Cuối cùng cô nàng đã thi khối A vào một trường Kinh tế mà theo cô đấy là trường mình nên học.
Để có quyết định đúng về việc chọn lựa trường, ngành học, bạn hãy bàn luận tham khảo ý kiến của bố mẹ, thầy cô. Thêm vào đó là hãy tham gia các buổi tư vấn mùa thi do các trường ĐH về tổ chức, kết hợp thêm ý kiến tư vấn của các anh chị khóa trước để hiểu rõ hơn về trường (chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất, sinh hoạt kí túc xá, mức học phí...) mình có ý định chọn theo học.
Không do dự
Rất nhiều bạn đến ngày nộp hồ sơ dự thi nhưng vẫn còn do dự nhiều điều, thậm chí nhiều bạn vì còn do dự mãi đến hạn nộp còn chưa điền thông tin vào hồ sơ. Đấy là do dự giữa thi Bác sĩ hay Kinh tế; giữa Giáo viên hay Kiến trúc sư; giữa ĐH Kinh tế hay ĐH Ngân hàng...
Nguyên tắc cho bạn khi làm hồ sơ dự thi: không do dự khi đã quyết định chắc chắn; không nghe theo ý kiến tác động của người khác; không học theo phong trào; không chọn ngành, trường mà bạn còn cảm thấy lấn cấn. Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng bạn cần gì? Bạn phù hợp với môi trường học tập, làm việc nào? Sức học và điều kiện kinh tế gia đình có cho phép không?
Chú ý khi viết hồ sơ
Hưng (20 tuổi, Quảng Ngãi) kể: "Lúc dự thi ĐH, tớ đã mua tổng 8 bộ hồ sơ cho 2 khối thi chỉ vì lúc làm hồ sơ điền thông tin bị sai. Vừa tốn tiền vừa rất mất công nữa".
Chắc chắn trong lúc làm hồ sơ, không ai là không gặp trường hợp như Hưng. Vì thế hãy chú ý, cẩn thận từng chi tiết nhỏ khi điền thông tin. Những chi tiết như mã ngành, mã trường, mã huyện, tỉnh, cụm thi... rất quan trọng nhưng dễ bị nhầm lẫn. Cẩn thận là tất nhiên nhưng cũng nên "thủ" thêm 1 hoặc 2 bộ hồ sơ để phòng sai sót.
Lê Đức Thuận
(Theo TTVN)