Hà Nội – Amsterdam trong mình là 7 năm...
Mình vẫn nhớ, lần đầu tiên biết đến Ams là hôm được dự lễ tuyên dương học sinh giỏi thủ đô. Trong hàng dài các anh chị lên nhận bằng khen hôm ấy, những cái tên, dài ngắn khác nhau, nhưng đều chung một điểm: “học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam”
Hôm ấy, sau khi về nhà, mình đã dõng dạc tuyên bố với mẹ: “Mẹ ơi, con sẽ thi trường Hà Nội – Amsterdam!”
Mình vẫn nhớ, việc đầu tiên mình làm sau khi đỗ, là tập viết tên trường cho đúng!
“Hà Nội – Amsterdam”, cái tên rất dài và khó nhớ, nhưng một khi đã nhớ, thì sẽ chẳng bao giờ quên được!
Chập chững bước chân vào lớp 6 mặt mình vênh ngược lên trời vì cái giải Nhất thành phố môn Toán - Văn, tự nghĩ chắc mình kiểu gì cũng phải giỏi nhất lớp!
Đi học được 3 tuần, mình tự hỏi “ Sao bọn lớp mình ăn gì mà giỏi thế không biết!”
Lớp 6, lớp 7 mình học bán trú ở trường. Sáng 7 rưỡi học nhưng phải dậy từ 6 giờ kém để ăn sáng và bắt xe bus đến trường cách nhà gần 18 cây số.
Lớp 7, Ams thường có chương trình giao lưu của các lớp khối chuyên cấp 3. Lớp mình đứa nào cũng thích vì sẽ được nghỉ những hai tiết đầu buổi sáng, thậm chí là cả buổi chiều của thứ hai. Hồi đấy mình toàn chê các anh chị hát chán, lớn rồi mới hiểu làm một chương trình giao lưu dài 90 phút như vậy là nỗ lực và công sức của rất nhiều người, lại càng thêm phục, thêm ngưỡng mộ các anh chị Amser!
Còn 6 tuần nữa là kết thúc HK1, mình nhận bài Toán một tiết với con 4 to đùng, tự nhẩm tính điểm phẩy là 7,4 xong òa khóc….. vì không được học sinh giỏi ( chứ chả phải vì thấy mình học dốt quá ). Về nhà mình kể chuyện cho bố, bố không mắng, chỉ động viên con gái cố gắng. Thế là lao vào học hùng hục như trâu, tối nào cũng 1 giờ sáng mới đi ngủ. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy ngày xưa mình giỏi thật, kéo phẩy toán từ 7,4 lên 8,6.
Lớp 8, mình vào Toán 1- 8, 9C, lớp của những siêu nhân cấp 2 Ams, toàn các bạn giỏi. Bài kiểm tra Toán đầu tiên mình bị 6/20, cun cút về bịa cho mẹ hàng đống lí do đế đỡ bị mắng, rồi cun cút tự biết mình kém, phải chăm. Chăm mãi rồi cũng chả bằng các bạn, nhiều khi tủi thân nhưng vẫn kệ, tự nhủ, mình mà ra trường ngoài chắc cũng phải tốp 5!
Lớp 9, mình chẳng hề phân vân khi chọn trường cấp 3!
Ams!!
Chọn Ams, nghĩa là phải cố gắng hơn bây giờ gấp 2, gấp 3 lần, rồi còn phải cố gắng trong kì thi chọn đội tuyển, kì thi Thành phố. Thế là lại lao đầu vào học, toàn 12 giờ, 1 giờ sáng mới đi ngủ. Cảm giác hồi đấy, vẫn nghĩ nếu như mình trượt Ams chắc sẽ bị tự kỉ mất…
Cuối cùng thì mình cũng đỗ Ams lần thứ hai. Hồi đấy cực kì căm thù thầy nào chấm bài thi chuyên cho mình 5,75, giờ nghĩ lại phải cảm ơn thầy, vì đã để mình thiếu ít điểm và được gặp tập thể T2, những người bạn vô cùng đáng yêu mà có lẽ suốt đời mình không thể nào quên được.
Ngày hội anh tài 2008, lần đầu tiên mình được tham gia với vai trò là một thành viên chính thức của khối chuyên Toán. Tự hào và vui lắm! Được tham gia cùng các anh chị, được chạy lăng xăng khắp nơi dù mình chỉ là dạng tay chân, được gặp gỡ nhiều anh chị, được cùng nhau làm, cùng nhau chơi.
Lớp 11, tự nhủ không thể chểnh mảng như hồi lớp 10 được, thế là chăm, nhưng cũng chỉ là chăm hơn lớp 10 thôi chứ chẳng thể nào chăm bằng các siêu nhân của lớp mình. Đến cuối năm, khi trường tổ chức Ngày hội anh tài 2010 thì mình xin làm một chân trong khối chuyên Toán. Vất vả và mệt mỏi nhưng sau tất cả, khi chương trình đã diễn ra thành công và khi khối mình đang đếm tiền ở góc tối tối nào đấy, những gì còn lại trong mình chỉ là niềm vui, và niềm vui thôi.
Vẫn nhớ vé nhà ma của khối Toán bán 5.000đ 1 vé, đến giữa giữa chương trình thì vọt lên 30.000đ, in không đủ nên bọn mình phải xoay vòng vé, nhiều khi đưa cái vé nát tươm cho người ta mà đòi 30.000đ kể cũng…. áy náy.
Vẫn nhớ lúc khu trại đột nhiên mất điện, các trại khối khác kêu trời, mỗi trại mình vỗ tay.
Vẫn nhớ mình ngồi bán nước ở ngoài mà thấy bên trong hú hét rầm trời cứ tưởng đáng sợ lắm, đến lúc mình thò mặt ra phía sau thì một phi đội hét thuê của khối đang ngồi chồm hỗm ở đấy, thế là mình nhảy vào hét cùng cho vui.
Vẫn nhớ kết thúc chương trình, thành viên khối Toán ở lại tự sướng với nhau. Cứ hô to:
- Trại khối nào lãi nhất?
- Khối Toán!!!!!!!
- Trại khối nào đông người xem nhất?
- Khối Toán!!!!!
Khen chán rồi, lại quay ra:
- Trại khối nào năm nào cũng đi thi mà chưa năm nào được giải?
- Khối Toán!!!!
……
Lúc đấy cảm giác mình được đứng đấy hò hét ở Ams, ở trại khối Toán, dù chân đã mỏi nhừ, đầu óc quay cuồng và bụng òng ọc ( vì từ tối chỉ toàn uống coca) sao mà hạnh phúc thế!
Về sau cho mẹ xem ảnh người người xếp hàng dài trước cửa nhà ma, mẹ mình tặc lưỡi, bảo toàn mấy đứa vớ vẩn như con mà cũng làm được thế này cơ à. Mình gân cổ lên cãi nhưng tuyệt nhiên không nói câu mình nghĩ trong đầu: “Toàn các bạn siêu nhân thì thế này là bình thường, có mỗi con kém thôi!”
Lớp 12, mình và các bạn quay cuồng trong bài vở, đứa thì đi du học, đứa thì thi đại học. Ai cũng biết bản thân mình phải cố gắng thật thật nhiều. Ai cũng cầu mong cho cái thời gian này qua mau, thật mau lên để thoát khỏi áp lực bài vở, để được tung tăng là một sinh viên. Nhưng rồi, ai cũng mong nó trôi qua chầm chậm thôi, để được bên nhau thêm một chút nữa, để được là học sinh cấp 3 một chút nữa, và để được là Amser thêm một chút nữa….
Made in 12, lâu lắm rồi mình chưa được khóc thỏa thuê như thế! Rời xa thầy cô, rồi xa bè bạn, mà lớn hơn cả là rời xa mái trường Hà Nội – Amsterdam đã gắn bó với mình suốt bảy năm làm mình hẫng hụt, cảm giác như mình đã đánh mất một thứ gì đó mãi mãi không bao giờ trở lại.
Nhưng, một lần nữa, mình lại cảm thấy mình thật hạnh phúc, khi được đứng ở Ams, bên cạnh bạn bè - những Amser, được khóc, được ôm nhau thật chặt, được nắm tay, được nói “ Tao yêu chúng mày!” . Nước mắt rơi, buồn nhưng có lẽ cảm giác hạnh phúc nhiều hơn.
Dịp 20/11 vừa rồi, mình và tập thể T2 08-11 họp lớp. Chúng mình quyết định sẽ về Ams, thăm trường, thăm thầy cô. Không chỉ lớp mình mà còn cả các lớp khác, Lý 1, Lý 2, Toán 1, Nga, Pháp…… Có lớp chỉ có vài bạn, vì rất nhiều, rất nhiều Amser 08-11 đang học tập ở nước ngoài không có điều kiện trở về. Trên facebook, những Amser du học với status nhớ Ams, nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, nhớ ngày này một năm trước….
Ngày này một năm trước mình thế nào nhỉ? Buổi mít tinh, lúc văn nghệ thì mình chăm chú xem, đến phần diễn văn thì lén lút lôi báo ra đọc, rồi gần cuối thì cả lớp túm tụm bàn kế hoạch đi thăm thầy chủ nhiệm. Tối hôm ấy lớp mình rồng rắn kéo nhau đến nhà thầy, chen chúc trong phòng khách nhà thầy, ngồi chém gió mãi rồi rủ nhau ra Ams cũ ăn bò nướng.
1 năm trước, mình vẫn là 1 Amser…
Cô Huyền dạy văn của bọn mình, hồi nào đi học giờ ra chơi ngồi nói chuyện, cô còn than thở vẫn chưa có người yêu, vậy mà bây giờ đã trở thành cô dâu rồi. Mới hôm nào T2 còn được nghỉ thầy Cường mấy buổi Lý vì thầy đi tuần trăng mật tít bên Thái Lan, giờ thầy đã lên chức bố được một tháng mười ngày rồi. Còn thầy Việt chủ nhiệm của T2 08-11, từ giờ chắc thầy sẽ chẳng còn chủ nhiệm lớp T2 nào nữa vì thầy đã chính thức trở thành Hiệu phó rồi. Lớp mình về thăm được thầy tiếp trong văn phòng mới của thầy, thấy thầy cười rất tươi.
1 năm thôi đã có nhiều thứ thay đổi rồi. Mình đã trở thành một cựu Amser, không còn được hàng ngày bắt 2 tuyến xe bus đi học ở Ams nữa rồi. Nhưng hình như, vẫn có nhiều thứ chẳng bao giờ thay đổi. Nụ cười của các thầy, các cô, tinh thần Amser, và tình yêu của mình dành cho Hà Nội – Ams sẽ chẳng bao giờ thay đổi.
7 năm, quãng thời gian không dài nhưng đối với một con bé 18 tuổi như mình dường như nó đã chiếm một khoảng lớn, lớn, rất lớn trong trái tim!
7 năm, mình được viết nhãn vở là “ Hà Nội – Ams”, được mang trên mình chiếc phù hiệu hình cánh buồm màu xanh dương “ nổi và không lẫn đi đâu được”, được tự hào trả lời cho câu hỏi “ Cậu học trường nào?’ là “ Tớ học Ams!”, được trưởng thành, được dạy dỗ bởi những người thầy, người cô tận tụy, hết lòng vì học sinh.
7 năm, mình nhận ra Ams đặc biệt như thế nào….
Ams có Ngày hội anh tài, có Made in 12, có Ams’Got Talent, có Prom…
Ams được nghỉ hè những ba tháng mà chả bắt học sinh đi học thêm, học hè.
Ams cũ có rất nhiều cây, rất nhiều những góc nhỏ xinh xinh. Ams cũ có nhiều quán quà vặt và đồ lưu niệm, thỉnh thoảng bùng học thì không lo không có chỗ để đi lượn.
Ams mới rất to và nhiều cầu thang. Ams mới có sân trường rộng, những hành lang hút gió mà mình và đám bạn mùa đông đi qua lúc nào cũng ôm nhau xuýt xoa vì lạnh. Ams mới có căng tin hệt như một quán cà phê, nhưng chỉ mỗi các thầy cô được mua cà phê.
Ams, ở Ams, bạn sẽ được là chính mình, không cần giả tạo, không cần che giấu, được thỏa sức thể hiện bản thân.
Ams, chỉ ở Ams mình mới có được những người bạn tài năng, dễ thương, và đáng yêu như vậy.
Ams, chỉ ở Ams, mình mới bắt gặp một đôi anh chị về trường chụp ảnh cưới. Góc sân bóng rổ cạnh căng tin trong ảnh cưới của anh chị hẳn sẽ phải đẹp lắm!
Ams, chỉ ở Ams mới có cảnh ra hành lang gặp giải Quốc gia, mà vào nhà xe thì gặp học bổng quốc tế, chả đứa nào nhìn nhau bằng ánh mắt khâm phục hay ngưỡng mộ, tặc lưỡi nghĩ ở Ams là chuyện thường! ( Nói thế nhưng trong lòng vẫn khâm phục và ngưỡng mộ bọn nó lắm, tự hỏi bao giờ mình mới được như thế!)
Ams, chỉ ở Ams, mình mới có cảm giác đó thật sự là ngôi nhà thứ hai, cảm giác ấm áp khi được đứng ở Ams, câu nói “Tớ yêu Ams, I love Ams” thốt ra tự nhiên như hơi thở.
Ams, chỉ ở Ams có mà thôi…
Tương lai phía trước của chúng ta không ai có thể dự đoán, những việc làm của chúng ta trong quá khứ cũng không ai có thể thay đổi. Có lẽ vì vậy mà trong từ điển của chúng ta có từ “ Hối hận”. Mình không thể đoán trước tương lai, cũng không thể thay đổi quá khứ, nhưng mình chắc chắn mình sẽ không dùng từ “ hối hận” với 7 năm là một Amser! Ngày hôm qua, hôm nay, ngày mai, mình vẫn sẽ nói, mình không bao giờ hối hận khi lựa chọn trở thành một Amser, trở thành một học sinh của mái trường Hà Nội – Amsterdam!
Phạm Thanh Thảo ( T2 08-11)