Nhắc đến những ngôi trường nổi tiếng ở Hà Nội, một trong những cái tên mà người ta thường nghĩ đến đầu tiên, đó chính là "Hà Nội – Amsterdam" – thường được gọi tắt là Trường Ams. Các thế hệ học sinh Trường Ams không thể không tự hào khi mà trên khắp các đấu trường tri thức trong nước và cả quốc tế, "học sinh trường Ams có thể không cao, nhưng học sinh trường khác vẫn phải ngước nhìn". Tự hào và kiêu hãnh Lịch sử thành lập của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam không dài như nhiều trường khác ở thủ đô của Việt Nam nhưng nó mang ý nghĩa đặc biệt và danh tiếng của Trường đã vươn xa tới nhiều nước trên thế giới. Ngay từ những ngày còn chiến tranh ác liệt của Việt Nam (năm 1972), nhân dân thủ đô Amsterdam (Hà Lan) đã đồng lòng ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ với nỗi đau của nhân dân Hà Nội, cùng chung tay xây dựng lại Thủ đô và đất nước sau chiến tranh. Ngài Thị trưởng lúc đó, tiến sĩ I.Samkalden đã có sáng kiến vận động nhân dân Thủ đô Amsterdam quyên góp, giúp đỡ Hà Nội xây dựng một ngôi trường to đẹp, đàng hoàng với ước vọng rằng những học sinh của trường sẽ khôi phục lại đất nước sau ngày chiến thắng và phục vụ đất nước tốt hơn. Ngày 5-9-1985, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam chính thức khai giảng năm học đầu tiên. Kể từ đó, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam trở thành cái nôi đào tạo các thế hệ học sinh giỏi Thủ đô và cung cấp nguồn nhân tài cho đất nước. Nhiều cựu học sinh của trường nay đã trưởng thành và có nhiều cống hiến cho đất nước trên các lĩnh vực khác nhau. Cựu học sinh chuyên toán Phan Phương Đạt từng đoạt Huy chương Bạc Toán quốc tế tại Australia năm 1988 nay là Phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm FPT, cựu học sinh chuyên Toán Lê Hoài Nam hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Tái Bảo hiểm quốc gia Việt Nam, cựu học sinh chuyên Nga Nguyễn Thu Thủy đã khởi xướng và tổng đạo diễn thành công dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, công trình đã lập Kỷ lục Guinness Thế giới. "Trường Ams" từng bước trở thành một "thương hiệu" lớn đối với các bậc cha mẹ học sinh và là niềm mơ ước của bất kỳ học sinh phổ thông nào ở Hà Nội.
Bà Lê Thị Oanh, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khẳng định "Các thế hệ cha mẹ học sinh thủ đô luôn tin tưởng vào chất lượng đào tạo của Trường. Họ đã tin tưởng trao trọn niềm tin cho nhà trường trong việc phát hiện và bồi dưỡng những tài năng của Hà Nội. Các thế hệ học sinh của trường đã, đang và sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế tri thức, đóng góp nhiều trong công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước". Giá trị lịch sử luôn được trân trọng Năm 2005, do không còn phù hợp về cơ sở vật chất của trường, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định dành quỹ đất 10.000m2 ở Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính để xây cơ sở mới cho Trường. Đến năm 2008, công trình Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam được chính thức khởi công với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng (25 triệu USD) và đã được phê chuẩn là một trong những công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam mới có cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc gia và hiện vẫn được coi là trường THPT hiện đại nhất Việt Nam. Năm 2010, khi thầy trò Trường Ams chuẩn bị dọn về trường mới thì câu chuyện giữ hay đổi tên của trường được đưa ra bàn thảo nhiều trên các phương tiện truyền thông bởi nguồn kinh phí xây dựng trường mới hoàn toàn là kinh phí của nhân dân thủ đô Hà Nội. Thương hiệu "Trường Ams", những nỗ lực, tình cảm của các thế hệ thầy-trò dành cho cái tên "Hà Nội – Amsterdam" gắn liền với sự giúp đỡ về cả tinh thần và vật chất của nhân dân thủ đô Amsterdam xưa kia dường như đang bị cân nhắc. Thật may mắn, tinh hoa của văn hóa dân tộc đã đưa yếu tố lịch sử và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt được trân trọng và gìn giữ. Trên địa điểm mới, với ngôi trường mới, rộng rãi và hiện đại, cái tên Hà Nội - Amsterdam tiếp tục là minh chứng cho tình cảm tốt đẹp trường tồn của nhân dân hai Thủ đô nói riêng và hai dân tộc nói chung. Ngôi trường cùng với các hoạt động của thầy và trò đã trở thành chiếc cầu hữu nghị giữa nhân dân và Chính phủ hai nước. Tháng 3 năm 2011, Thái tử kế vị Hà Lan Willem Alexander (nay đã trở thành Vua của Vương quốc Hà Lan) và công nương Maxima đã có chuyến thăm Việt Nam đã dành một lượng thời gian lớn để gặp gỡ và trò chuyện thân mật với đông đảo các thầy cô giáo, các em học sinh và cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sau chuyến thăm này, được sự ủng hộ nhiệt tình của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, những cơ hội hợp tác giao lưu của Trường Hà Nội – Amsterdam với các trường Trung học và Đại học của Hà Lan đã được mở ra. Sự quan tâm sâu sắc của Ngài Đại sứ Joop Scheffers và Đại sứ quán Hà Lan đã thúc đẩy tiến trình này trở nên nhanh, mạnh và sâu hơn. Triển vọng học tập và giao lưu Tháng 10 năm 2011, Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội tặng cho trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam món quà đầy tình nghĩa khi tài trợ cho những học sinh xuất sắc nhất của trường tới thăm Thủ đô Amsterdam và làm việc với Trường Phổ thông liên cấp Barlaeus Gymnasium. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai trường, Ông Marten Elkerbout, Hiệu trưởng và ông Peter Lammers, Trưởng Khoa Kinh tế Trường Barlaeus đã đến thăm trường Hà nội – Amsterdam và chủ động đề xuất – kế hoạch chuyến giao lưu của học sinh trường Barlaeus tới Hà Nội. Nhân dịp kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hà Lan (4/1973-2013) và để "đáp lễ" chuyến thăm của thầy trò Trường Hà Nội – Amsterdam đến trường mình, cuối tháng 3 năm 2013 này, đoàn thầy trò Trường Barlaeus do ông Peter Lammers làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Trường Hà Nội – Amsterdam. Chia sẻ về những ấn tượng của mình đối với Trường Ams, ông Lammers cho biết: "Tôi thực sự ấn tượng với thành tích học tập của học sinh Trường Ams. Các bạn học sinh ở đây rất giỏi và chất lượng đào tạo của Trường Ams không hề thua kém bất cứ ngôi trường hiện đại nào ở Hà Lan. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai trường nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh giao lưu và học hỏi nhiều hơn". Chắc chắn rằng với danh tiếng của nhiều Trường Đại học tại Hà Lan, sẽ có nhiều học sinh Trường Ams nói riêng và cả nước nói chung đến đất nước của Hoa Tuylíp tươi đẹp học tập và cũng sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ Hà Lan đến tìm hiểu và trải nghiệm tại Việt Nam trong đó có Trường chuyên Hà Nội-Amsterdam. Bởi trường học chính là chiếc cầu kết nối thế hệ trẻ và tôn vinh tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Khánh My |