Năm nay, cuộc thi có 82 đề tài của 160 học sinh được lựa chọn tham dự. Các đề tài thuộc 14 lĩnh vực: Hệ thống nhúng, Hóa học, Hóa sinh, Khoa học động vật, Khoa học thực vật, Khoa học vật liệu, Khoa học xã hội và hành vi, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cơ khí, Năng lượng Hóa học, Năng lượng vật lý, Vật lý và thiên văn học, Vi sinh, Y sinh và khoa học sức khỏe. Đây là những đề tài xuất sắc nhất được các phòng GD&ĐT, các cụm trường THPT tuyển chọn và sau đó được Sở GD&ĐT Hà Nội chấm sơ loại. Một số trường có nhiều đề tài nghiên cứu được thi cấp Thành phố là THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (11 đề tài), THPT Chu Văn An (13 đề tài), THPT chuyên Nguyễn Huệ (7 đề tài)…
Nhiều đề tài xã hội gần gũi và có nhiều ý nghĩa trong đời sống đã được các em học sinh nghiên cứu như: Chế tạo thiết bị cảnh báo cháy rừng, lũ quét (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam); Đuổi muỗi trong nhà bằng một số thảo dược (Trường THCS Lương Mỹ); hệ thống thiết bị thông minh trong nhà vệ sinh (Trường THPT Kim Liên)
Nhiều đề tài gắn liền với nông nghiệp cũng được các em quan tâm: Nuôi các rô phi đơn tính ở ao đất (Trường THCS Phương Tú - Ứng Hòa); Sản xuất cám viên cho vịt từ ốc bươu vàng (Trường THCS An Mỹ); Máy gieo hạt đa năng (Trường THCS Yên Sơn)…
Đáng chú ý, các em đã đem đến cuộc thi nhiều đề tài phong phú về môi trường và năng lượng như: Ô nhiễm nước và chất lượng nguồn nước (Trường THCS Ái Mộ); Thử nghiệm trồng cỏ Vetiver làm sạch sông, hồ nội đô Hà Nội (Trường THPT Việt Đức); Nghiên cứu mô hình chuyển hóa rác thải sinh hoạt gia đình thành phân bón hữu cơ (Trường THPT Chu Văn An); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Plasma áp suất khí quyển vào xử lý Methylene blue trong nước thải thuốc nhuộm (Trường THPT Hà Nội - Amsterdam)…
Điều ấn tượng của cuộc thi năm nay là số lượng đề tài của học sinh THCS đã tăng gần gấp hai lần so với năm trước với 32 đề tài tham dự. Nhiều trường ở các huyện còn khó khăn trong điều kiện học tập, nghiên cứu cũng có đề tài tham dự. Với sự tham gia tích cực, chủ động của học sinh trên địa bàn, Hà Nội là đơn vị có thành tích cao trong những lần dự thi quốc tế.
PGS.TS Đặng Văn Nghĩa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đại diện Ban giám khảo cuộc thi cho biết: Qua mỗi năm, học sinh làm nghiên cứu khoa học ngày càng tự tin hơn, biết tìm hiểu vấn đề, nghiên cứu, sáng tạo và có nhiều dự án độc đáo, phong phú, có ý nghĩa ứng dụng trong cuộc sống. “Có thể sẽ có những đề tài đạt giải cao và những đề tài không đạt giải nhưng điều quan trọng là các em sẽ luôn là những con người biết tìm tòi, sáng tạo không ngừng” – ông nhấn mạnh về ý nghĩa của cuộc thi.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ và nguyên PGĐ Đoàn Hoài Vĩnh trao thưởng cho các học sinh đoạt giải Nhất toàn cuộc
Phó Vụ trưởng Vụ GDTrH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành trao giấy khen cho học sinh đoạt giải Nhất lĩnh vực nghiên cứu
Theo đánh giá của Ban tổ chức, công trình nghiên cứu dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học của Hà Nội Hasef lần thứ 5 đã bám sát vào các vấn đề thời sự của cuộc sống, nhiều đề tài có ý nghĩa thiết thực, thể hiện ý thức trách nhiệm của các em với cộng đồng. Nhiều em có kỹ năng trình bày, báo cáo khoa học, tự tin khi giới thiệu và trả lời chất vấn của các nhà khoa học. Đây là điều rất cần thiết cho các em trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.
Các đề tài nghiên cứu được chấm theo thang điểm 100, gồm các tiêu chí: Vấn đề nghiên cứu, kế hoạch và phương pháp nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu (xây dựng và thử nghiệm), tính sáng tạo, giới thiệu đề tài và trả lời phỏng vấn.
Kết quả, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trao giải Nhất toàn cuộc cho 3 đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình và sáng tạo kháng thể độc tố Fumonisin từ lòng đỏ trứng gà” của học sinh trường THPT Chu Văn An, “Nghiên cứu thu hồi hợp chất polymer ngoại bào (EPS) từ thiết bị xử lý hiếu khí có bổ sung vi sinh vật sinh EPS” của HS trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; “Nghiên cứu hiệu quả chống viêm, giảm đau của thủy châm huyệt túc tam lý bằng nọc ong trên chuột cống trắng” của HS trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.
Cuộc thi còn có 6 giải Nhì, 9 giải Ba toàn cuộc. 18 đề tài đoạt giải toàn cuộc sẽ được lựa chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia. Ngoài ra, đánh giá theo lĩnh vực nghiên cứu, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tặng Giấy khen cho 7 giải Nhất, 11 giải Nhì, 18 giải Ba và 15 giải Khuyến khích cho các đề tài xuất sắc.
PGĐ Chử Xuân Dũng trao thưởng cho các học sinh đoạt giải Nhì lĩnh vực nghiên cứu
Cũng tại lễ tổng kết trao giải, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã phát động cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp Thành phố năm học 2016 – 2017. Phó giám đốc Sở nhấn mạnh: “Để cuộc thi lần thứ 6 thực sự là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn Thành phố, các trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phát động cuộc thi tới đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh, cần làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trở thành hoạt động thường xuyên và chủ động trong các nhà trường phổ thông. Các trường cũng cần tiếp tục bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để thầy và trò được học tập và nghiên cứu; tăng cường xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào giảng dạy và học tập; xây dựng kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cho học sinh, phát hiện và nuôi dưỡng những đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh, tạo điều kiện hỗ trợ để các em được tham gia, phát triển, hoàn thiện ý tưởng của mình. Đối với học sinh, các em cần xây dựng phong cách của người làm khoa học, khiêm tốn, ham học hỏi, có quyết tâm và ý chí vượt qua khó khăn trong công tác nghiên cứu”.
Tổng hợp