Sản phẩm “Thùng rác thông minh ở trường học” – IRAS (Intelligent Rubbish Can At School) do học sinh Ngô Gia Bảo lớp 11 Toán 1 và Đỗ Gia Khánh lớp 11 Tin trường Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) phát triển cùng với sự hướng dẫn của thầy Phan Quốc Nguyên – giảng viên trường Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Giải thưởng, giấy chứng nhận và huy chương được ban tổ chức gửi về Việt Nam.
Thùng rác tự động có chức năng tự động phân loại rác thải và có hút bụi. Ngoài ra, thùng rác này còn có khả năng tự động mở nắp thùng, có tính năng khử trùng, khử mùi hôi, tự động dọn dẹp rác trong thùng.
Bên cạnh đó, thùng rác có đèn báo lượng pin, đèn cảm biến và đèn diệt côn trùng, tính năng khử trùng. Thùng rác còn có khả năng đo nhiệt độ, đo độ ẩm không khí.
ICAN là cuộc thi Sáng chế và Sáng tạo Quốc tế danh tiếng được tổ chức hàng năm bắt đầu từ năm 2016, bởi tổ chức TISIAS có trụ sở ở Canada.
Cuộc thi diễn ra với mục tiêu hỗ trợ sinh viên, nhà phát minh, nhà đổi mới, doanh nhân và nhà nghiên cứu trên toàn cầu để thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo và các dự án đổi mới, đưa ra các cơ hội kinh doanh khả thi, hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp.
Mặc dù do tình hình dịch Covid, sự kiện được tổ chức online, cuộc thi thứ 5 của iCAN không những không bị ảnh hưởng mà còn phát triển hơn do sự quan tâm đông đảo từ những người tham gia.
Cuộc thi năm nay thu hút 600 sáng chế đến từ 60 quốc gia. Người tham dự bao gồm nhiều nhà sáng chế là các giáo sư, tiến sỹ của các trường đại học danh tiếng, nhiều CEO của các công ty công nghệ. Nó cho thấy mức độ cạnh tranh rất lớn giữa các sản phẩm dự thi.
Ý tưởng bắt nguồn từ những điều gần gũi
Gia Khánh và Gia Bảo có cùng ý tưởng về “thùng rác thông minh” từ năm 2018 từ những sự việc gần gũi xung quanh mình. Hai bạn chia sẻ “Bọn em thấy rằng với người dân Việt Nam hiện nay, việc phân loại rác thải chưa thực sự phổ biến. Chỉ có một số ít bộ phận gia đình hay các công ty có thùng rác phân loại rác thải.
Mọi người hay có thói quen chỉ vứt rác trong một thùng rác chung - rất bất tiện để phân loại. Bên cạnh đó, các cô lao công đi gom rác phải lấy tay để nhặn rác phân ra từng loại, em thấy các cô ấy rất vất vả và dễ bị nhiểm khuẩn. Vì vậy bọn em quyết tâm thực hiện ý tưởng này”.
Ban đầu Khánh và Bảo tự mày mò tìm hiểu, mua những thiết bị điện tử và bộ cảm biến dòng điện Arduino cùng với kiến thức lập trình để thử nghiệm.
Hai bạn trẻ biết đến cuộc thi iCAN do tìm hiểu từ các anh, chị đã thi và tìm hiểu qua trang Web của Ban tổ chức. Sau khi tìm hiểu rõ cuộc thi hai bạn thấy sáng kiến của mình phù hợp nên đã tìm đến thầy Phan Quốc Nguyên để hướng dẫn cho nhóm.
Khó khăn và mong muốn của những nhà sáng chế trẻ
Đây là lần đầu tiên hai bạn trẻ tham gia một cuộc thi tầm cỡ quốc tế cùng nhiều đối thủ nặng ký. Dịch covid cũng là một khó khăn cho hai bạn vì không được tham gia cuộc thi trực tiếp và gặp được các chuyên gia để tham khảo ý kiến.
Gia Bảo chia sẻ “Vì đây là sáng chế về sản phẩm nên chúng em gặp khó khăn nhất là hình vẽ mô phỏng sản phẩm. Hình vẽ phải làm sao để diễn tả hết được những tính năng và sự đặc biệt với một sản phẩm “thùng rác thông minh”.
Em đã phải vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần với 13 cặp thứ tự mô tả. Chúng em cũng phải tra cứu rất nhiều sáng chế cùng loại trên thế giới để tránh trùng lặp và tìm hiểu sự khác biệt sáng chế của mình với các sáng chế trên”.
Bản vẽ mô tả vắn tắt sản phẩm của Khánh và Bảo.
Dự thi online nên hai bạn phải chuẩn bị kỹ về bản mô tả thông tin của sáng chế và bải thuyết trình bằng Tiếng Anh.
Sau tất cả những khó khăn cùng với sự hướng dẫn tận tình của thầy Phan Quốc Nguyên, hai bạn trẻ đã tự tin gửi bài thi sang Canada và trải qua chung kết vào tháng 8 vừa qua. Không phụ lại công sức và thời gian, sáng chế của hai em đã đạt giải đặc biệt ở hạng mục CANAIAN SPECIAL AWRDS.
Với giá bán của sản phẩm dự tính là 30 đô la (khoảng 700.000 đồng), sản phẩm phù hợp để hướng đến mục tiêu ưu tiên sử dụng ở các trường học và nơi công cộng.
Sáng chế của Gia Khánh và Gia Bảo đang trong quá trình đăng ký sáng chế. Hai nhà sáng chế trẻ chia sẻ “Chúng em hy vọng trong tương lai sản phẩm của bọn em sẽ được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước, đến gần hơn với từng gia đình. Mong rằng sản phẩm sẽ giúp phân loại rác thải để có thể tái chế rác thải một cách hợp lý và bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp hơn.”
Theo báo Giáo dục và Thời đại