Đổi mới thi - kiểm tra đánh giá theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thực chất
Đây là nhiệm vụ và giải pháp trong Đề án, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống đánh giá kết quả giáo dục một cách khoa học, hiệu quả, góp phần tạo ra một nền giáo dục thực chất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Trong chương trình mới, đổi mới thi – công nhận tốt nghiệp THPT sẽ thay đổi theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả hơn, phản ánh đúng hơn chất lượng giáo dục theo mục tiêu mới và có thể sử dụng kết quả đó vào việc tuyển sinh của các trường đại học.
Theo đề án, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở GD nghề nghiệp và GD ĐH. Còn phương thức tuyển sinh ĐH đổi mới theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Điều này phù hợp với quy định của Luật GD ĐH, tự chủ trong vấn đề tuyển sinh là quyền của các cơ sở đào tạo.
Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục sẽ phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn. Hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”; đánh giá được sự tiến bộ về phẩm chất và năng lực của người học.
Các nhà trường sẽ phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, của xã hội.
Giảm gánh nặng học hành
Trong nội dung Đề án, so với chương trình, sách giáo khoa hiện hành, định hướng xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 có những điểm mới về: Cách tiếp cận xây dựng chương trình phát triển năng lực người học; Đổi mới toàn bộ các thành tố của quá trình giáo dục; Chương trình đảm bảo tính hệ thống và nhất quán; Chương trình bảo đảm nền tảng cơ bản, tích hợp cao và phân hóa sâu; Cập nhật và hội nhập với xu thế quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông…
Trong đó, nội dung đáng chú ý là việc giảm gánh nặng học hành cho học sinh. Theo thành viên Ban soạn thảo Đề án, chương trình hiện hành yêu cầu học sinh cùng một thời điểm trong 1 học kỳ học quá nhiều môn học và các hoạt động. Chương trình sau 2015 chủ trương giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không học cùng một lúc quá 8 môn học. Cụ thể: Cấp tiểu học hiện có 11 môn học + 3 hoạt động, sau 2015 dự kiến có 3 - 6 môn học + 4 hoạt động; THCS hiện có 13 môn học và 4 hoạt động, sau 2015 dự kiến có 8 môn học + 4 hoạt động; THPT hiện có 13 môn học + 5 hoạt động, sau 2015 dự kiến có 3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11 và 12).
Chương trình hiện hành nghiêng nhiều về kiến thức hàn lâm, coi trọng tính hệ thống của khoa học chuyên ngành; môn học ở nhà trường như là thu nhỏ của môn học/giáo trình đại học…
Chương trình sau 2015 chủ trương chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh biết giải quyết các vấn đề và tình huống trong cuộc sống thường nhật.
Hình dung các môn học trong giáo dục phổ thông sau năm 2015
Đề án đề xuất phương án tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam sau 2015. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, phương pháp dạy học tích hợp đầu tiên giúp cho đỡ bị quá tải trong chương trình. Khi tích hợp, số môn học ít đi, nội dung được xem xét thấu đáo, khỏi bị chồng lấn giữa các môn. Khi dạy học tích hợp, có thể thấy rõ giáo viên và học sinh phải vận dụng kiến thức một cách tổng hợp.Theo đó, năng lực vận dụng kiến thức, áp dụng vào thực tế cao hơn.
Còn khi dạy học phân hóa, ở cấp THPT số môn học bắt buộc ít đi, nhưng có nhiều môn hoặc chủ đề cho học sinh tự chọn. Sẽ thiết kế nhiều nội dung ở mức độ cao thấp khác nhau, nhưng học sinh được học tự chọn. Thiết kế chương trình theo hướng phân hóa sẽ đáp ứng nhu cầu phát huy năng lực riêng của từnghọc sinh.
Hình dung về dạy học tích hợp, ở bậc tiểu học sẽ tăng cường tích hợp trong nội bộ môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như Môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Lớp 4 và lớp 5 thực hiện điều chỉnh và hình thành hai môn: Khoa học và Công nghệ (chủ yếu dựa trên cơ sở môn học này ở các lớp 4, 5 của chương trình hiện hành); Tìm hiểu xã hội (chủ yếu dựa trên cơ sở môn Lịch sử và Địa lý các lớp 4,5 của chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề xã hội).
Ở THCS, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, GDCD… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục.
Cùng đó xây dựng hai môn học mới: Môn khoa học tự nhiên (trên cơ sở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện hành) và môn Khoa học xã hội (trên cơ sở các môn Lịch sử, Địa lý hiện hành và một số vấn đề xã hội). Hai môn học này được xây dựng cơ bản đảm bảo tính logic, nội dung các môn được sắp xếp sao cho có sợ hỗ trợ lẫn nhau và tránh trùng lặp; đồng thời xây dựng thêm những chủ đề liên kết giữa các phân môn.
Ở THPT, Đề án đề xuất tiếp tục thực hiện tích hợp một số nội dung chưa thành môn học nhưng cần thiết giáo dục cho học sinh vào các môn học và hoạt động như đã làm trong chương trình hiện hành.
Với dạy học phân hóa, hình dung việc tổ chức dạy học phân hóa ngoài theo nguyên tắc: phân hóa sâu dần, đặc biệt phân hóa mạnh ở cuối cấp THPT.
Ở tiểu học và THCS, ngoài những môn học bắt buộc, học sinh sẽ được chọn thêm các chủ đề, hoạt động giáo dục khác phù hợp năng lực, sở thích, nhu cầu của mình.
Sau THCS, học sinh sẽ phân luồng: Học ở trường THPT hoặc học ở các cơ sở GD nghề nghiệp. Ở THPT sẽ tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn, có thể là: Lớp 10, tổ chức bước đầu định hướng nghề cho HS; HS sẽ học 7 – 10 môn bắt buộc; còn lại là các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn nhằm giúp học sinh có nhận thức thấu đáo hơn các lĩnh vực kiến thức khác nhau, làm cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp sau này.
Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao, HS học ít môn, trong đó có một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Dự kiến có 3 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ); đồng thời, HS được chọn 3 môn/chủ đề trong danh mục các môn/chủ đề tự chọn như: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Khoa học về máy tính, Kinh doanh, Ngoại ngữ 2, Nghệ thuật, Hướng nghiệp…
(Theo GDTD)