Hiện nay, các bạn học sinh cuối cấp đều có vài áp lực nhất định, và điều này khiến họ bận tâm rất nhiều.
Nhưng thay vì lo âu, tại sao các bạn không suy nghĩ theo chiều hướng khác tích cực?
Không phải ai cũng biết cách tự biến áp lực thành động lực, vì tư tưởng, quan điểm của mỗi người khác nhau. Lo âu là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi nhiều thử thách xuất hiện, buộc họ phải suy nghĩ để tìm ra giải pháp, rồi đôi khi lâm vào bế tắc, họ bắt đầu trượt dốc, không tập trung trong học tập được…
Cùng một vấn đề, thay vì suy nghĩ theo lối mòn, bạn hãy tập cách điều khiển tư tưởng theo hướng khác. Tham khảo một số lời chia sẻ có ích dưới đây nhá:
♣ Bạn cảm thấy quá tải, không làm hết được bài tập
Trong tình huống này, bạn sẽ: Tưởng tượng rằng ngày mai bị lên bảng kiểm tra tập, rồi ăn điểm 0 to đùng. Bạn có khuynh hướng lười, chẳng muốn làm bất kì cái gì, vì biết rằng, có làm cũng không kịp.
Lời khuyên: Hãy thư giãn một chút, chẳng hạn như nghe nhạc, nhắn tin với bạn bè, chat, lướt web… Cứ tạo ra một tâm trạng thoải mái nhất có thể (dù rằng bạn đang mệt mỏi đi nữa). Hạn chế nói chuyện với những người hay than vãn và nghiêm trọng hóa vấn đề. Sau đó, hãy bắt tay vào làm một bài mà bạn cho là ngắn nhất và dễ nhất… Không cần làm theo thứ tự, cứ làm theo cách bạn thích, khi cảm thấy chán, bạn có quyền nghỉ ngơi tiếp, rồi lại học và làm tiếp… Có thể bạn không tập trung thật, nhưng việc đan xen như thế giúp bạn giải quyết được bài tập trong tình trạng tâm lý căng thẳng. Bên cạnh đó, hãy xem như làm bài tập như chơi trò chơi vậy, đừng nghĩ đến việc thầy cô sẽ kiểm tra nó, tâm lý bạn sẽ tốt hơn đấy
♣ Chuyện tình cảm ảnh hưởng đến việc học của bạn
Rất có thể bạn quyết định rằng: Chia tay cho rồi, áp lực quá, mệt mỏi quá, không thể nào vun đắp, xây dựng được nữa. Biết là sẽ rất đau lòng, nhưng nếu cứ tiếp tục dằn vặt, suy nghĩ, thì đầu óc bạn sẽ nổ tung mất thôi…
Chia sẻ với bạn bè: Những lời nói dịu dàng và chân thành có thể khiến người ấy của bạn mềm lòng, dù rằng họ cứng nhắc hay vô tâm đi chăng nữa. Thành thật chia sẻ những khúc mắc và giải quyết. Bên cạnh đó, đừng xem tình yêu là mạng sống của bạn, phải nghĩ rằng, mọi chuyện đều có thể xử lý được, và nếu người ta không hiểu, cứ sẵn sàng để người ta ra đi, bạn không cần phải vướng bận chi cả. Còn khi người ta đã thông cảm cho bạn, hãy lấy tình yêu làm động lực để phấn đấu. Tưởng tượng ra viễn cảnh tốt đẹp.
Thay đổi, quan trọng nhất là ở suy nghĩ của chính teen mình.
♣ Gia đình gây áp lực, buộc bạn phải đậu đại học
Bạn nghĩ: Cuộc sống này thật tồi tệ. Làm sao mình có thể đậu đại học, khi mỗi lần mở quyển sách thì toàn nghĩ đến những lời nói của ba mẹ: “Con là sự kì vọng duy nhất của gia đình”, “Phải ráng đậu đại học, đừng làm mất mặt ba mẹ nha con…”, “Con không được rớt đâu đấy!”… Bạn chán nản, muốn buông xuôi cho xong. Bạn còn cảm thấy có lỗi, dằn vặt, vì tội “bất hiếu” (nếu trượt đại học).
Nhưng: Thử tưởng tượng, nếu bạn không đậu đại học thì sao nào? Ba mẹ chỉ gây áp lực về tinh thần cho bạn, chứ chẳng bao giờ đuổi bạn ra khỏi nhà hoặc cho bạn một trận đòn no nê nếu bạn thi trượt đâu… Chỉ là bạn thổi phồng vấn đề quá mức thôi. Ba mẹ cũng sẽ buồn khi bạn không làm được điều họ kì vọng, nhưng trên hết, điều họ cần chính là thấy bạn có sự nỗ lực và thành một người tốt, có ích cho xã hội, ngoan ngoãn, hiếu thảo với cha mẹ. Chính vì bạn hiểu vấn đề một cách sai lệch nên bạn cho rằng ba mẹ gây áp lực lên bản thân mình. Không phải đâu, họ chỉ sợ bạn lơ là thôi. Nếu bạn thật sự chăm chỉ và học hành nghiêm túc, thì chẳng sao cả, bạn đã nỗ lực hết sức rồi mà…
♣ Sức khỏe cạn kiệt, bạn chẳng muốn học nữa, bạn cảm thấy mệt mỏi, lười nhác
Rất có thể bạn sẽ: cúp học thêm, cúp học trái buổi, và thậm chí cúp luôn những tiết học chính khóa… Bạn dành thời gian để ngồi ở quán trà sữa, đọc truyện tranh, lướt web hoặc chơi games. Càng chơi, bạn càng bị cuốn vào, rồi sức học ngày một sút…
Vấn đề ở đây là: Bạn đang có phương pháp học tập không hợp lý. Quá ôm đồm nhưng rồi chẳng ra đâu vào đâu cả. Việc bạn cần làm chính là: bỏ bớt lịch học thêm để dành thời gian học những môn thi đại học, thời gian học thêm để bạn ở nhà tự làm bài tập và tham khảo tư liệu. Chỉ nên tập trung những môn chính, đừng nên xem các môn quan trọng như nhau để rồi chính bạn tự cảm thấy chán với những mục tiêu tự đặt ra của mình. Ngoài ra, nên xin lời khuyên từ bạn bè cùng trang lứa và các anh chị đi trước. Bạn phải đổi mới lại cách học nếu không muốn trượt dài. Và đừng tự tạo áp lực cho mình kiểu như: “Ôi chán học quá, đi chơi thôi… Nhưng đi chơi về rồi lại thấy tội lỗi quá, bài chưa làm, sao bây giờ?”. Nghĩ luẩn quẩn như thế chả giúp ích gì mà còn khiến vấn đề càng lúc càng to tát
♣ Cứ vào phòng thi là bạn quên gần hết những kiến thức đã học
Tình hình: Nếu ở nhà tự học, bạn rất tập trung và làm bài đúng. Nhưng đến khi kiểm tra, bạn hay lo sợ, mất tập trung, toàn sai những cái không đáng. Điều này khiến bạn tự ti rất nhiều. Bạn cho rằng mình không đậu nổi đại học nếu tình hình cứ tiếp diễn thế này…
Phương hướng giải quyết: Tại sao cứ phải nghĩ rằng “ta đang trong phòng thi đấy, ta đang kiểm tra đấy” nhỉ? Kiểm tra dù sao cũng chỉ là một sự thử sức, và điểm số chỉ mang tính tương đối, nó không đánh giá được khả năng của bạn. Khi bạn còn coi trọng điểm số, thành tích và danh hiệu, thì bạn vẫn còn mang áp lực vào người. Có rất nhiều bạn 12 năm học sinh giỏi, nhưng bằng tốt nghiệp vẫn trung bình. Lý do là vì họ chỉ chú tâm vào những điều họ cần, họ ý thức được rằng thời buổi hiện nay, bằng tốt nghiệp chỉ là danh nghĩa, vì điều họ nhắm đến là tốt nghiệp đại học, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ… Hãy xem phòng thi như một góc học tập nhỏ, nơi bạn tự kiểm tra và đánh giá chính mình. Cứ giả sử như bài thi ấy bạn được điểm xấu nhất, và tư tưởng của bạn khi làm bài, là để cứu vãn sao cho điểm số khá hơn một chút. Nghĩ theo chiều hướng này, bạn đỡ áp lực hơn…
Lời tạm kết:
Những áp lực có thể được xóa sạch, hoặc chuyển hóa thành động lực, tùy vào sự phấn đấu và quyết tâm của bạn. Chúc các bạn thành công!