HỌC TRONG “SỢ HÃI”
Đỗ Trang Linh
Văn 13-16
Tôi là một học sinh chuyên Văn. Tôi không có hứng học Lý, không chăm làm bài tập Lý, không tự tin mỗi giờ kiểm tra Lý. Tôi nghĩ nỗi sợ môn Lý của mình chắc cũng từ đó mà ra, và nỗi sợ môn Lý lại dẫn dắt tôi đến với nỗi sợ cô Cúc. Cô là giáo viên dạy Lý lớp tôi, một giáo viên dạy giỏi, nghiêm túc và tâm huyết. Cô Ninh chủ nhiệm lớp tôi tin rằng học cô Cúc là một "niềm sung sướng", mà tôi cũng phải công nhận điều này vì cách giảng dạy của cô dễ hiểu vô cùng, giải thích cặn kẽ bản chất của vấn đề. Cô dạy kiến thức chúng tôi chưa biết bằng những suy luận từ những điều đã biết, học đến đâu là chắc đến đấy, trong cả cách tư duy và trình bày. Cô khẳng định sẽ chỉ kiểm tra các bài đã dạy, cô có thiện chí muốn chúng tôi học bài chăm chỉ nghiêm túc, và chỉ thế thôi là sẽ có điểm cao của cô.
Nhưng tôi, mỗi giờ học cô là thấy sợ
Tôi, trước giờ kiểm tra là nơm nớp lo sợ
Tôi, trong giờ kiểm tra là thấy sợ
Khi được trả bài, nỗi sợ, như thường lệ, lại đến một lần nữa.
Vì sao ư? Đơn giản là tôi mặc định rằng mình không đội trời chung với môn Lý. Khá lạ lùng, nhưng hợp lý với tôi, vì cái thời huy hoàng lớp 7 được 10 phẩy môn Lý đã qua rồi, và trí nhớ tôi không chịu được “sức nặng” đến từ 4 công thức mỗi tiết, thành ra cả chục công thức mỗi chương (có lẽ tôi không nên nhân thêm số chương hay cộng thêm số công thức cũ đã học hồi cấp hai nữa). Nếu học chắc và để ý kĩ thì có thể nhớ được, nhưng có những cụm công thức dành cho "mạch điện", "nguồn điện" mà đứa như tôi luôn rối loạn nhầm lẫn chúng với nhau. Vì thế, tôi ghét học Lý, môn phải học thuộc nhiều và bài tập vận dụng thì cũng lắm. Cô Cúc tăng thêm nỗi sợ cho tôi khi chứng tỏ mình là một giáo viên "có thiện chí", nhưng không hiền. Cô sẽ cho điểm 0 nếu không nhớ bài cũ. Làm bài phải trình bày chi tiết và đầy đủ, và đừng quên viết tên, lớp, trường, kiểm tra môn và ngày tháng nếu không muốn cô trừ hẳn 1 điểm trong bài kiểm tra, dù là hệ số 2! Tôi biết mục đích của cô Cúc muốn mạnh tay để chúng tôi không cẩu thả, bỏ sót các thông tin quan trọng khi đi thi sau này nhưng ý nghĩ và thái độ thì không đồng nhất với nhau. Tôi hiểu, nhưng tôi sợ và khó chịu. Hành trình chật vật với Lý để đẩy lùi nỗi sợ của tôi bắt đầu. Từ những điểm 6, điểm 7 ăn may đầu năm, tôi vẫn bám chặt lấy điểm 6 mỗi bài 1 tiết. Điểm vẫn kém, công thức thì thuộc mang máng. Nhưng thay vì trước kia tôi thấy vui vì gặp may hơn đứa điểm 2, hài lòng vì thôi được 6 “cũng trên trung bình” không đến nỗi thì nay tôi nhận ra ở mình một chút cố gắng. Cố gắng bé tin hin thôi, cố thuộc công thức, học mấy bài dễ hiểu, nhưng đủ để tôi quay sang “hãnh diện” với đứa bạn ngồi cạnh: “ Nhìn này, lần này tớ có học đấy, công nhận không, công nhận không?”
Nhờ cô Cúc, tôi chiêm nghiệm ra vài điều. Cô thêm đáng mến và bớt đáng sợ mỗi khi tôi học bài. Dù có bị điểm kém, những gì cô nói với chúng tôi vẫn là lời động viên ân cần “Các bạn hãy thật cố gắng”, “Phải thật cố gắng lên”. Cô khích lệ chúng tôi cố gắng bằng sự cố gắng của chính cô, ngày ngày lên lớp vẫn chuẩn bị kĩ cho bài giảng, không quên những nụ cười tỏa nắng như hoa cúc, như tên của cô. Nụ cười có một sức mạnh “đáng sợ’ như thể muốn truyền đến tôi giọng nói nghiêm nghị: “Nào, nhìn vào bảng đi, chú ý vào bài giảng của cô”. Nhưng nếu tôi không sợ, làm sao tôi tỉnh ngủ, làm sao tập trung và sau đấy là làm bài về nhà chứ? Sợ hãi khiến tôi gượng ép ban đầu, nhưng khiến tôi đi vào khuôn khổ, rèn luyên được thói quen tốt. Sợ hãi giúp tạo nên niềm vui khi tôi nhìn vào thành quả, vì nỗi sợ biến thành sức mạnh thay vì điều gì kinh khủng vẫn kẹp chặt trong tinh thần. Sợ để chạy vụt đi, về đúng hướng và không mắc nhiều mặc định sai lầm nữa.
Gửi đến cô Nguyễn Thị Cúc của con, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, con chúc cô luôn mạnh khỏe, may mắn và hạnh phúc để đem đến những bài giảng truyền cho chúng con say mê và cảm hứng. Con trân trọng những nỗi sợ chúng con cảm thấy từ cô và môn học, cô hãy tin tưởng rằng chúng con sẽ không để nó chi phối và có những suy nghĩ trẻ con. Con sẽ chi phối nó, học thật tốt môn của cô như là cách để tôn trọng cô và chính chúng con nữa. Có thể sau này con sẽ không phải lắp mạch điện, không biết sửa điện chập, không lôi giấy bút ra tính toán lực mỗi khi cần mang vác đồ. Nhưng điều sẽ còn trong con sau quá trình chật vật với môn học là cách con tư duy, cách con làm việc nghiêm túc, cách con có trách nhiệm với bản thân, và cả cách con biết sợ, biết buồn để không thui chột ý chí nỗ lực. Hãy khiến cho nhiều học sinh nữa biết sợ, cô nhé!