Chặng đường đi đến vinh quang là cả một quá trình dày công tìm tòi, nghiên cứu, tổng hợp. Từ ý tưởng ban đầu của Bách Trung, có thêm sự hỗ trợ của Anh Vinh, Quỳnh Trang, ba bạn đã “ghi bàn” một cách ngoạn mục.
Vinh nhận nhiệm vụ đọc và tổng hợp tài liệu nước ngoài, xây dựng cơ sở tính toán, đưa ra các thông số để nhóm trao đổi, bàn bạc trước khi quyết định đặt hàng chế tạo Ejector, bộ phận được xem là linh hồn của thiết bị khử độ mặn.
Còn cô bạn nhỏ xinh Quỳnh Trang phụ trách theo dõi, ghi chép chi tiết các dữ liệu, hiện tượng trong các thí nghiệm, xây dựng hồ sơ tài liệu cho công trình.
Biết sẽ phải đối đầu với nhiều “đối thủ” chuyên nghiệp, ba nhà khoa học nhỏ đã không ngừng cố gắng. Chỉ riêng việc nghiên cứu cách trình bày báo cáo đến việc thiết kế poster sao cho thuyết phục nhất cũng đã chiếm nhiều thời gian của nhóm.
Ba bạn còn gặp khó khăn vì không học chung lớp (Bách Trung chuyên Vật lý, Quỳnh Trang và Anh Vinh chuyên Toán) nên việc sắp xếp thời gian họp nhóm, nghiên cứu đề tài cũng là một vấn đề.
Với niềm say mê và quyết tâm cao, các bạn đã giảm cường độ học các môn để tập trung nghiên cứu. Trường Hà Nội - Amsterdam đã giúp các em hoàn thành hoài bão của mình bằng cách cho thi sớm hơn. Những kiến thức bị khuyết được thầy cô bổ sung trong hè.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh hết lòng ủng hộ, đầu tư kinh phí, theo sát để khích lệ tinh thần giúp các em vững bước đến thành công.
Thầy Đinh Trần Phương, giáo viên dạy Vật lý trường Amsterdam - Hà Nội, người đã theo sát các em từ những bước đầu tiên, không giấu niềm tự hào khi nói về học trò của mình: “Thật là bất ngờ, bất ngờ đến hạnh phúc khi biết các em đoạt giải Nhất. Nhớ lại lần đầu thực nghiệm thành công, biến nước mặn thành nước ngọt, thầy trò đã mừng đến ứa nước mắt. Giờ niềm vui lại được nhân lên. Bản thân tôi cũng như các thầy cô trong trường luôn tin tưởng các em sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai”.
Lê Đức Thuận (Theo Dân trí)