Ngày nay, công nghệ thông tin được ứng dụng vào mọi lĩnh vực cuộc sống và Internet đã trở thành một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng giữa các mạng máy tính được liên kết với nhau. Tại Việt Nam, một trong những lực lượng đón nhận và chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ và Internet chính là Trẻ em – bởi sự hấp dẫn của kho tàng tri thức với những điều kì thú, tiện ích. “Hội nghị đào tạo, tập huấn kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng” được tổ chức với mục đích tạo sự lan tỏa trong việc nâng cao nhận thức và đào tạo, tập huấn kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng trong toàn quốc.
Mở đầu sự kiện, Nhà giáo Trần Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam phát biểu chào mừng hội nghị. Cô vô cùng vui mừng và vinh dự khi thầy và trò trường có cơ hội được đăng cai và hỗ trợ tổ chức hội nghị với vai trò là “một môi trường giáo dục mũi nhọn trong việc đào tạo nhân tài cho Thủ đô, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp dân trí cho cả đất nước”. Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chánh văn phòng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng rằng “ngọn cờ đầu trong hệ thống giáo dục quốc dân” của trường Hà Nội - Amsterdam sẽ lan toả được ý thức bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng trong toàn quốc. Ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định tầm quan trọng của những cú click chuột trên mạng, đặc biệt là với trẻ em và hy vọng Hội nghị sẽ giúp các em có thêm những hành trang cần thiết để bảo vệ chính mình khỏi những tác hại của mạng Internet.
Nhà giáo Trần Thùy Dương phát biểu khai mạc Hội nghị
Tiếp đó, bà Nguyễn Như Quỳnh - Chủ tịch Tổ chức Bảo vệ Trẻ em Việt Nam trên không gian mạng CyberKid Vietnam đã chia sẻ về thực trạng và những số liệu, nghiên cứu đáng báo động của việc sử dụng mạng Internet của trẻ em trên thế giới và đặc biệt là ở Việt Nam. Trong đó, theo UNICEF, Việt Nam hiện không phải đất nước sở hữu cơ chế bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đi đầu trong khu vực Đông Nam Á ASEAN, đặt ra câu hỏi “liệu trẻ em Việt Nam có an toàn không khi sử dụng mạng?”. Bà Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh rằng biện pháp tốt nhất để thay đổi thực trạng đáng lo ngại này nằm ở giáo dục, hay phải “tạo cho trẻ em vắc-xin để bảo vệ mình”, đó cũng là mục đích của Tổ chức CyberKid Vietnam và Hội nghị ngày hôm nay.
Kết thúc Hội nghị, 25 lớp học thuộc khối THCS của trường Hà Nội - Amsterdam đã được tham gia vào một khoá học do các tình nguyện viên từ tổ chức CyberKid Vietnam tham gia giảng dạy, với nhiều kiến thức bổ ích về mạng Internet, những mối nguy hại các em có thể gặp trên môi trường mạng ảo và cách đối phó với chúng. Qua nhiều câu chuyện và tình huống có thật hoặc trò chơi tương tác, buổi học đã đem những kỹ năng và hiểu biết mới mẻ đến gần với các em học sinh, phần nào nâng cao ý thức của các em về những hiểm nguy đang rình rập trên không gian mạng Internet.
Tình nguyện viên trong tiết học đặc biệt dành cho các Amsers nhỏ tuổi
Hội nghị đào tạo, tập huấn kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng là cơ hội để thầy và trò trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đẩy mạnh, phát triển và rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho trẻ em khi sử dụng Internet, đặc biệt là ở lứa tuổi THCS. Trẻ em là những chủ nhân của tương lai, vậy nên bảo vệ và giáo dục ý thức tự bảo vệ chính mình cho các em là một công việc hết sức cần thiết trong thời kỳ chuyển đổi số, hiện đại hoá đất nước. Tiết học bổ ích về cách tự đối phó với các tình huống nguy hiểm trên không gian mạng đã đem đến nhiều kiến thức cho các Amsers nhỏ tuổi, tạo điều kiện giúp các em tự trang bị cho bản thân những hành trang cần thiết trên môi trường mạng ảo.
PV: Phạm Bảo Thái An - Văn 2023
Ảnh: Nguyễn Quỳnh Trang - Trung 1922