Đúng 7h45 sáng, đoàn xe rời sân trường Hà Nội-Amsterdam - ngôi trường THPT khang trang bậc nhất Thủ đô, bắt nhanh vào tuyến đường cao tốc vành đai 3, rồi lao về hướng Bắc. Rời thành phố Hà Nội ồn ào náo nhiệt, hướng về vùng đất Kinh Bắc lịch sử, được tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mướt kéo dài dọc quốc lộ, vừa trải rộng đến hút tầm mắt; cùng cái nắng hoe vàng của tiết trời cuối xuân chớm hè phủ lên những bờ tre, gốc chuối,... có cảm giác rằng, cuộc sống thanh bình nơi thôn quê Việt Nam như điều không thể khác.
Vậy mà thực tế không phải vậy! Bởi tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành này, những cuộc chiến tranh khốc liệt bảo vệ Tổ quốc trong những thập kỷ qua, tưởng chừng như đã lùi vào quá khứ, vẫn thực sự đang hiện hữu. Tại đây, 97 thương bệnh binh nặng hạng 1/4 (tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, thậm chí 100%), trong đó có 2 thương binh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 68 thương binh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, 27 thương binh thời kỳ bảo vệ, xây dựng đất nước... vẫn hàng ngày hàng giờ chiến đấu với thương tích, đau đớn, bệnh tật, cùng những di chứng nặng nề của chiến tranh.
Cũng tại đây, tính từ tháng 4/1965 khi thành lập trung tâm cho đến nay, hơn 1.000 thương bệnh binh từ các chiến trường khác nhau cũng như từ nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước, thuộc nhiều dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Pa-cô,...), đã được tiếp nhận vào điều trị hoặc an dưỡng. Hiện nay, trên cả nước có 5 Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh thì Trung tâm Thuận Thành là lớn nhất trong số đó, cả về quy mô và số lượng thương binh nặng đang được điều dưỡng.
Chú Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Đặc thù thương tật của các bác thương binh tại đây là 90% bị thương vào cột sống, gây liệt 1/2 người, phải gắn phần đời còn lại trên chiếc xe lăn. Cũng có đến 10% các bác thương binh bị nhiều thương tật tổng hợp, tức cụt 2 tay cùng cụt chân, hay hỏng mắt...
Chú Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm, phát biểu
Cho đến nay, tại trung tâm có hơn 20 nam thương binh và 2 nữ thương binh không thể xây dựng gia đình vì nhiều lý do; và phần đời còn lại của họ phải gắn với trung tâm, bởi do bệnh nặng không thể về nhà điều dưỡng. Do di chứng vết thương cột sống, dẫn đến nửa người bên dưới bị teo cơ, mất cảm giác (không tự chủ được sinh hoạt cá nhân). Nhiều thương binh mắc thêm các chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm đường tiết niệu, loét lưng, ụ ngồi... Cá biệt có bác thương binh nặng nhiễm chất độc da cam nên khi sinh con thì con cũng bị khuyết tật rất thương cảm; cũng có những trường hợp quá nặng, sống thực vật kéo dài nhiều năm...
Đại diện các bác thương binh Trung tâm Thuận Thành tham dự buổi gặp mặt
Hơn nữa, cho đến nay, nhiều bác thương binh trong người vẫn còn những mảnh đạn, viên bi từ vũ khí Mỹ vẫn nằm trong cột sống, trong đầu,... Mỗi khi trái nắng trở trời, các vật lạ trên gây ra những cơn đau nhức nhối, có thể ở hốc mắt, mỏng cụt, trong đầu,... gây cảm giác bỏng buốt dây thần kinh, tạo ra những con co giật rất đau đớn.
Tuy nhiên, theo chú Nguyễn Khắc Dư, các bác thương binh ở đây vẫn kiên cường vượt lên bệnh tật, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vẫn thực hiện tốt lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Nhiều bác thương binh đã vượt lên chính mình, quyết tâm chiến thắng bệnh tật, quyết tâm học tập vươn lên, nêu tấm gương lớn về nghị lực sống. Nhiều bác đã học được nghề sửa chữa điện tử, điện dân dụng (radio, tivi, đồ diện dân dụng...) vừa làm nguồn vui trong cuộc sống, vừa tăng thêm thu nhập. Nhiều bác tham gia viết báo, làm thơ, tích cực tham gia nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học giỏi, noi gương theo truyền thống cha ông.
Xúc động trước những tấm gương của các bác thương binh, cô giáo Ninh Hạnh Quyên, Chủ tịch Công đoàn trường Hà Nôi - Amsterdam, phát biểu tại buổi gặp mặt: Thay mặt cho tập thể các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội), chúng tôi xin bày tỏ lời chia sẻ và lòng tri ân trước những mất mát đau thương của các bác. Các bác thương binh ở đây là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, sự hy sinh, và nghị lực sống phi thường để vượt lên những đau thương mất mát, chiến thắng bệnh tật. Chuyến đi này đã đem lại cho chúng tôi những bài học quý giá, những trải nghiệm tuyệt vời về tấm gương và nghị lực của các bác, để học tập, noi theo...
Cô Ninh Hạnh Quyên, Chủ tịch Công đoàn trường HN-Amsterdam, thay mặt đoàn các thầy cô giáo, PH và HS trường HN-Amsterdam, phát biểu
Cô Ninh Hạnh Quyên tặng hoa và bức ảnh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam cho Trung tâm
Thay mặt toàn đoàn, cô giáo Ninh Hạnh Quyên đã trao quà tặng cho Trung tâm, gồm 100 áo phông, nhiều bánh kẹo và khoản tiền 39.200.000 đồng, do các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh khối 11 (và thêm lớp 10 Sử), Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đóng góp.
Thăm hỏi bác thương binh Hô Văn Hai, 63 tuổi, dân tộc Pa-cô (quê Thừa Thiên-Huế), bị liệt 2 chân, vào trung tâm điều dưỡng từ năm 1976
Thăm hỏi bác nữ thương binh cũng bị liệt cả 2 chân
Tại buổi gặp mặt, học sinh trường Hà Nôi – Amsterdam đã biểu diễn một số tiết mục văn nghệ dành tặng các bác thương binh, bao gồm: tiết mục múa Sen và hát tốp ca “Nơi đảo xa” của lớp 10 Sử, hát “Quê hương tôi” của lớp 11 Anh 2, hát “ Nối vòng tay lớn” của lớp 11 Sử. Đặc biệt, thầy giáo Vũ Quốc Lịch đã đọc tặng bài thơ “Tâm hồn lính”, do chính thầy sáng tác tặng các bác thương binh của Trung tâm Thuận Thành, Bắc Ninh.
Bài hát “Quê hương tôi”, lớp 11 Anh 2
Thầy giáo Vũ Quốc Lịch đọc tặng bài thơ “Tâm hồn lính” do thầy viết
Bài thơ “Tâm hồn lính” (Thầy giáo Vũ Quốc Lịch)
Bài hát “Nơi đảo xa”, lớp 10 Sử
Thầy và trò trường HN-Amsterdam lưu luyến chia tay các bác thương binh trước khi rời Trung tâm
Hưng Linh