Phóng viên (PV): Con chào cô ạ! Lời đầu tiên, con cảm ơn cô vì đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Cô có thể chia sẻ cảm hứng nào đã khiến cô lựa chọn gắn bó với ngành sư phạm và trở thành một giáo viên dạy bộ môn Công nghệ ạ? Cô Hằng: Hồi còn nhỏ, cô là một người khá cá tính. Bởi vậy, bố mẹ cô đã định hướng cho cô theo học ngành nghề này để rèn giũa, giúp cô biết cách dung hòa với mọi người hơn. Sư phạm là một ngành nghề làm cho con người phải học cách ứng xử chỉn chu, nền nã. Đây là ngành luôn có chuẩn mực cao về mặt đạo đức. Chính vì lẽ đó, bố mẹ cô đã lựa chọn con đường này để cô biết lắng nghe và thấu hiểu mọi người xung quanh mình. PV: Thưa cô, trải qua những năm tháng gắn bó với nghề giảng dạy, cô có thể cho chúng con biết điều gì cô tâm đắc nhất về ngành nghề này ạ? Cô Hằng: Khi cô tốt nghiệp đại học, cô có vô vàn con đường khác nhau để đi, nhưng cuối cùng cô vẫn quyết định lựa chọn giảng dạy. Ban đầu, cô chưa có ý định sẽ làm việc trong ngành nghề này nhưng điều khiến cô thay đổi suy nghĩ hoàn toàn đó chính là khoảnh khắc cô nhìn thấy thầy, cô giáo của mình - những con người thật sự tâm huyết, luôn luôn vì học sinh. Lúc ấy, cô rất cảm động vì họ đã luôn yêu thương, che chở cô ngay cả khi mà cô là một đứa ngang ngạnh nhất trong lớp. Những ngày đầu đi dạy là những ngày khó khăn, vất vả vô cùng. Là một người mới ra trường, ít kinh nghiệm và gặp phải nhiều trăn trở trong cuộc sống, cô đã cảm thấy đôi chút nản lòng. Ấy vậy, chính những học sinh của mình làm cho cô thấy yêu nghề hơn. Nếu như bây giờ phải chuyển sang ngành nghề khác thì điều cô luyến tiếc nhất là những gương mặt trẻ trung, tươi mới, đầy sức sáng tạo của các học trò - nguồn động lực chính tiếp sức để cô cố gắng mỗi ngày. PV: Cô là một người thầy đã dẫn dắt thành công biết bao nhiêu thế hệ học sinh, vậy theo cảm nhận của cô thì thế hệ học sinh ngày nay có khác xưa nhiều không và khác như thế nào ạ? Cô Hằng: Theo cô thấy, thế hệ đầu tiên và thế hệ bây giờ mà cô đảm nhiệm có sự khác biệt khá lớn. Có lẽ, sự khác nhau lớn này nằm ở những yêu cầu và ảnh hưởng của xã hội, đòi hỏi học sinh của mình ở thời điểm đó như thế nào thì sẽ hình thành ra những con người tương ứng với nhu cầu phát triển của xã hội lúc đó. Chính vì vậy, giữa các thế hệ học sinh có sự khác biệt cũng là lẽ thường tình. Cô giáo năng động, trẻ trung trong chuyến đi nghỉ mát cùng gia đình PV: Bộ môn Công nghệ là bộ môn được vào trong chương trình học của học sinh THPT. Dù kiến thức có khó nhằn và nằm ngoài vùng hiểu biết của chúng con một chút nhưng những tiết học của cô vẫn luôn vô cùng thú vị và thu hút. Cô có thể chia sẻ bí quyết của cô được không ạ? Cô Hằng: Quan điểm của cô là khi cô quyết định làm một việc gì đó thì cô sẽ dành tất cả sự tâm huyết và tình yêu của mình vào trong công việc. Ngay kể cả khi mình yêu một ai đó, đôi lúc mình cảm thấy rằng tình yêu của mình cũng có lúc thăng trầm. Tuy vậy, sau tất cả, cô vẫn thấy tình yêu của mình luôn bền bỉ, kiên định. Và khi mình đã bỏ hết công sức, tình yêu và nhiệt huyết vào trong bài giảng, những tiết học của mình chắc chắn sẽ tràn ngập năng lượng và cô tin, học sinh sẽ cảm nhận được sức sống ấy. Đó chính là điều cốt lõi để cô luôn cố gắng hết mình với công việc và biến những bài giảng trở nên lý thú hơn, không còn khô khan, giáo điều. Cô Hằng thướt tha với tà áo dài đỏ rực cùng bó hoa hướng dương tươi thắm PV: Cuối cùng, cô có thể kể về khoảnh khắc đặc biệt nhất của cô bên những học trò thân yêu của mình nhân dịp 20/11 được không ạ? Cô Hằng: Thật ra, chuyện này cũng xảy ra khá lâu rồi. Vào dịp này những năm trước, vì cô là một giáo viên dạy về ngành nông nghiệp trồng trọt nên một bạn học sinh đã tặng cô một sản phẩm liên quan đến bộ môn này mà bạn đã dày công chuẩn bị ở nhà. Bạn đã mang một quả dưa hấu đến tặng cô và đó là món quà mà cô cảm thấy rất ngọt ngào. Cô còn nhớ, bạn là một học sinh rất trầm trong lớp, cũng ít khi thể hiện quan điểm cá nhân của mình hay những cảm xúc bản thân với các bạn xung quanh và ngay cả với cô. Bởi vậy, vào ngày 20/11 năm ấy, cô vô cùng bất ngờ khi cô nhận được một món quà mà cô có thể thấy được tâm sức và tình cảm sâu sắc mà bạn đã đặt vào món quà ấy. Bạn cũng là một người vô cùng tinh tế khi đã chú ý đến sự kết nối giữa cô và món quà. Cho đến tận bây giờ, dù món quà ấy giản dị vậy thôi nhưng cô vẫn nhớ như in bởi giá trị không cao nhưng đong đầy tình cảm và yêu thương. PV: Cảm ơn cô đã tham gia phỏng vấn ngày hôm nay ạ. Nhân dịp 20/11, con chúc cô dồi dào sức khỏe, gặp thật nhiều điều vui vẻ và thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người ạ! Những chia sẻ của cô giáo Đỗ Thị Vĩnh Hằng - một giáo viên Công nghệ trẻ trung của mái trường Hà Nội - Amsterdam đã cho ta hiểu phần nào nhiệt huyết của mỗi thầy, cô trên con đường giảng dạy và đào tạo nên những lứa học trò giỏi giang, năng động. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Ams Wide Web xin kính chúc các thầy, cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, luôn vui vẻ và mãi giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề giảng dạy. Chúng con mãi ghi nhớ công lao và tâm huyết của các thầy cô - những “thuyền trưởng” vô cùng tận tâm, tài ba. PVV: Nguyễn Vũ Cẩm Linh - Văn 2326 Ảnh: Nhân vật cung cấp