Phóng viên (PV): Lời đầu tiên, thay mặt cho CLB Ams Wide Web, con cảm ơn cô vì đã nhận lời phỏng vấn. Trước hết, con rất muốn biết cô đã gắn bó với nghề nhà giáo được bao lâu rồi và điều gì đã tiếp thêm cho cô sức mạnh qua bao lần gặp những khó khăn, áp lực trong nghề ạ?
Cô Huyền: Cô đi dạy sau khi tốt nghiệp đại học 1 năm, đến nay đã 15 năm. Cô không thích lắm cách nói “áp lực, khó khăn trong nghề”, vì nghe có vẻ nhọc nhằn quá, mà trong thực tế, chẳng có công việc nào không áp lực, không vất vả. Thay vì nói về điều đã tiếp thêm sức mạnh cho cô, cô lại muốn nói về những niềm vui trong nghề dạy học và cụ thể là dạy Văn. Đối với cô, có 3 điều khiến công việc này vẫn là lựa chọn của cô cho đến nay, đó chính là sự trong trẻo, sự trưởng thành và cái đẹp. Dạy học cho trẻ con, thầy cô được chạm vào cái trong trẻo của học trò, dù thế nào nhà trường vẫn là nơi thuần khiết, trong lành, nơi có những ước mơ thanh sạch nhất. Dạy học cũng là một quá trình được nhìn thấy sự trưởng thành, dù ít dù nhiều của học trò, giống như người trồng cây, được nhìn thấy nụ hoa hé nở. Cuối cùng thì môn học mà cô đang giảng dạy là môn Văn, Văn là cái đẹp. Dạy văn, học văn là tiếp xúc ở cự ly gần với cái đẹp. Đó chính là 3 lí do đáng giá để cô và những người bạn của mình vẫn thấy yêu quý việc đứng trên bục giảng và gặp gỡ học trò.
Cô giáo Lê Thị Thanh Huyền rạng rỡ bên bó hoa tươi
PV: Những bài giảng của cô luôn truyền cảm và đong đầy nhiệt huyết, vậy cô có thể chia sẻ điều gì đã giúp cô gắn bó và giữ được ngọn lửa đam mê cùng tình yêu đối với bộ môn Ngữ Văn được không ạ?
Cô Huyền: Có nhiều lí do để cô gắn bó với việc giảng dạy Ngữ văn. Nhưng có lẽ một lí do rất quan trọng chính là đến từ các bạn học sinh. Chính các học sinh Ams là một động lực lớn để cô thêm cảm hứng chuẩn bị bài, tương tác và nghĩ ra các ý tưởng mới cho bài học. Trường ta thì vốn đã rất nổi tiếng về sự năng động, sáng tạo. Cô đã được dạy và làm việc với những bạn học sinh thông minh, ham hiểu biết, vừa cá tính vừa khiêm nhường. Có những bạn làm cô phải bất ngờ và tán thưởng vì những suy nghĩ, cảm nhận sâu sắc về cái đẹp, về nghệ thuật, về đời sống. Rất nhiều tác phẩm thơ, truyện, phim… vượt xa ngoài chương trình đã được các bạn chủ động tiếp nhận, từ trước và cả trong, sau khi học cùng với cô. Cô cũng đã học hỏi được nhiều điều từ các học sinh. Nhiều học sinh sau này vẫn giữ liên lạc với cô, và tuyệt vời là nhiều anh chị lại chọn con đường nghệ thuật, sáng tạo, văn học để đi phát triển. Cô cảm thấy có sự kết nối và đó là một niềm hứng khởi để cô tiếp tục công việc của mình.
PV: Sau những bài giảng được chuẩn bị vô cùng chỉn chu và kĩ lưỡng của mình, điều cô mong muốn học sinh sẽ nhận lại được nhất là gì ạ?
Cô Huyền: Mong muốn lớn nhất là các bạn có thể tận hưởng ít nhiều một vài khoảnh khắc của sự mộng mơ và cái đẹp, thực ra đó chính là ý nghĩa của môn Văn. Đọc văn, học văn là có thể sống hàng ngàn cuộc đời, trải nghiệm hàng ngàn số phận trong những trang sách. Văn học cho phép chúng ta được mơ, được tự do, nhưng cũng khiêm nhường hơn để biết đồng cảm với cuộc sống xung quanh. Cô đã có những khoảnh khắc lấp lánh như vậy, khi cô là học trò với những người thầy đáng kính của mình. Nên cô cũng mong muốn học sinh của mình được trải nghiệm điều đó.
Cô Huyền cùng đồng nghiệp bên những góc nhỏ kỷ niệm tại trường
PV: Ngày lễ 20/11 đang đến gần, cô có thể chia sẻ một kỉ niệm hay một món quà đáng nhớ nhất mà cô từng nhận được không ạ?
Cô Huyền: Những kỉ niệm, những món quà ý nghĩa thì nhiều lắm. Nhưng cô muốn chia sẻ món quà gần nhất mà cô vừa nhận được. Điều đặc biệt là nó vốn không phải một món quà, cũng không phải nhân dịp 20/11. Đó là một tin nhắn, cô nhận được từ một anh học sinh cũ, lớp tự nhiên, khoá đầu tiên cô dạy ở Ams. Đã 10 năm nay cô không liên lạc gì, bỗng nhiên anh ấy nhắn tin cho cô đúng hôm Hà Nội bắt đầu đợt rét. Anh nhắn là vừa đọc xong cuốn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, và có kèm theo một lời nhận xét “Sao em thấy nó buồn một cách thấu vào tim vậy cô ạ”. Tin nhắn vào lúc sáng sớm, làm cô vô cùng xúc động. Không phải chỉ vì người học trò nhớ đến cô. Mà là vì cái cách anh ấy đọc sách, đọc một tác phẩm văn chương, cách anh ấy chia sẻ. Cô thấy ấm áp và thêm niềm tin, rằng đâu đó, công việc dạy học văn vẫn chưa phải quá bi đát, mà vẫn nhen lên tình yêu với cái đẹp và lòng trắc ẩn giữa người với người. Cô muốn một lần nữa cảm ơn món quà đẹp đẽ đó và rất nhiều những kỉ niệm giản dị khác mà cô đã nhận được từ những học trò thân yêu của mình.
Cô Huyền đáng yêu bên những học trò thân thiết của mình
PV: Cuối cùng, chắc hẳn cô đã nhận được vô vàn lời chúc từ các bạn học sinh của mình, vậy cô có lời nào muốn gửi gắm cho chính bản thân mình không ạ?
Cô Huyền: Cô muốn dành tặng hai lời chúc không chỉ tới chính mình mà tới tất cả những bạn bè đồng nghiệp cùng đi trên hành trình với mình. Một là chúc chúng ta sức khoẻ. Có sức khoẻ thì tinh thần mới tươi trẻ để yêu thương và sáng tạo. Hai là chúc chúng ta có được những kết nối, những cộng đồng đẹp để không ai phải cô đơn, để luôn có bạn đồng hành cùng hiện thực hóa những điều mơ mộng.
PV: Một lần nữa, con xin chân thành cảm ơn cô về những chia sẻ vô cùng sâu sắc và cảm động. Thay mặt toàn thể các bạn học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, con xin kính chúc cô có một ngày 20/11 thật vui vẻ, hạnh phúc, chúc cô luôn luôn mạnh khỏe để có thể tiếp tục cuộc hành trình chèo lái con đò tri thức!
Nghề lái đò luôn mang những trọng trách cao cả, thiêng liêng và đáng quý. Bởi lẽ đó, nhân ngày nhà giáo Việt Nam, ban biên tập Ams Wide Web xin được gửi lời tri ân sâu sắc nhất tới toàn thể các thầy, cô giáo, những người ngày đêm miệt mài bên bảng đen phấn trắng, bên những trang giáo án để có thể mang đến những bài giảng thật tâm huyết và chỉn chu. Mong rằng các thầy cô sẽ luôn gặp thật nhiều may mắn, niềm vui trong công việc để có thể tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê tới các thế hệ học sinh sau này!
PVV: Đặng Nguyên Trang - Văn 2326
Ảnh: Nhân vật cung cấp