Ngày nay, việc ra nước ngoài học ngoại ngữ đã trở nên khá quen thuộc với mọi người. Chi phí không còn là điều đáng sợ, nếu bạn biết cân đối các khoản chi tiêu, thời gian không còn là vấn đề bởi học ở môi trường “gốc” bao giờ cũng thấm và dễ tiêu hơn học “từ xa”. Tuy nhiên, sự thật có là “mơ”?
Cùng nghe câu chuyện của Thùy Giang, một cô bạn mới trở về từ khóa học ngoại ngữ ở Đức.
Không phải lúc nào cũng được sống như người bản ngữ
Thay vì chọn sống trong ký túc xá của trường, Giang chọn “homestay”, nghĩa là ở trong gia đình người bản xứ. Gia đình này không nằm trong trung tâm thành phố, nhưng cô bạn có thể tới trường một cách nhanh chóng và dễ dàng chỉ với 15 phút ngồi trên xe bus.
Ảnh minh họa.
Trước khi tới đây, Giang kì vọng rằng có thể sống và học những thói quen, tác phong sinh hoạt của người bản xứ thông qua cách sống homestay. Tuy nhiên, sự thật chỉ được “phơi bày” khi Giang thực sự sống như một thành viên trong gia đình của họ.
“Homestay” bạn sẽ không được đối xử như một vị khách. Điều đó có nghĩa ở một số gia đình, họ không thể nghỉ làm để tiếp đãi bạn. Vì thế bạn cần học cách tự làm mọi thứ. Không phải ai cũng nhiệt tình hỏi chuyện nên bạn cần chủ động mọi lúc mọi nơi. Họ sẽ không yêu cầu bạn nấu nướng nhưng nếu bạn muốn học cách nấu những món ăn của đất nước bạn đến, tốt nhất hãy chủ động vào bếp và đề nghị cho mình một cơ hội “thử và sai”. Thực tế, người nước ngoài sống rất độc lập, mỗi người một phòng và ít giao tiếp với người khác trừ những trường hợp đặc biệt như tiệc hay tụ họp. Điều này sẽ rất khó khăn đối với nhiều bạn đi học theo hình thức này. Tuy nhiên vẫn có nhiều gia đình nhiệt tình và chu đáo. Họ sẽ giúp bạn hòa nhập và học hỏi nếu bạn chủ động với họ.
Đôi khi “nói” tiếng Việt nhiều hơn tiếng ngoại ngữ
Nơi Giang học không phải trường nổi tiếng nên rất ít người Việt. Đôi khi đi trên phố, bắt gặp người nào đó rất giống người Việt nhưng hỏi ra lại không phải. Tất cả mọi hoạt động, các cuộc hội thoại ở đây đều phải được thực hiện bằng tiếng Đức. Nhưng ngoài bốn tiếng ở lớp mỗi ngày, Giang hầu như không giao tiếp nhiều. Đi lang thang trên phố cũng chỉ là chụp ảnh, ngắm nghía. Lúc đó thường lên FB và chat với bạn bè ở Việt Nam, thành ra “nói” tiếng Việt thậm chí còn nhiều hơn nói tiếng Đức.
Mãi cho tới một buổi học, cô giáo của Giang hỏi cô nàng có xem chương trình TV nào buổi tối hôm qua không, Giang lắc và nói rằng mình chỉ nói chuyện với bạn bè ở Việt Nam. Cô giáo nói rất nhẹ nhàng, nhưng Giang hiểu ra mình đến nơi này để học tiếng, để sống trong một môi trường ngoại ngữ chứ không phải để nói chuyện bằng tiếng Việt suốt ngày. Vì như thế, chuyến đi của Giang sẽ không có giá trị. Từ sau hôm đó, Giang chăm chỉ xem TV, thậm chí đọc ké sách báo trong các siêu thị, vốn từ vựng tăng lên và nhất là đã có vài thứ để “chém” với bạn cùng lớp!
Học mọi lúc, mọi nơi!
“Điểm khác biệt giữa việc học ngoại ngữ ở Việt Nam và học ngoại ngữ ở đất nước nơi mọi người nói ngôn ngữ đó là bạn có thể thực hành và được sửa sai mọi lúc mọi nơi. Bạn vào siêu thị, hỏi mua món đồ gì đó, bạn đi trên đường và muốn hỏi đường. Lúc đó, bạn buộc phải nói một cách thật chuẩn và rõ ràng để người ta hiểu bạn nói gì. Cũng có thể bạn sẽ được người ta chỉnh lại và nhiệm vụ của bạn là nói rằng đó có phải là ý kiến của bạn hay không. Hãy tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, nghe và nói những khi có thể.
Bởi những cơ hội tốt đâu đến nhiều lần trong đời. Và bạn hẳn không muốn lãng phí cả chuyến đi của mình khi chưa thu hoạch được điều gì.”
Lê Đức Thuận
(Theo Tri thức trẻ)