Kỳ vọng vào chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”

By toan | 15 Tháng Năm, 2017

Đây có thể xem là một tín hiệu vui, bởi sách giáo khoa là phương tiện học tập quan trọng của học sinh. Có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ làm gia tăng cơ hội tiếp cận, lựa chọn nội dung dạy và học phù hợp với từng đối tượng học sinh và các cơ sở giáo dục.

Từ trước đến nay, học sinh ở tất cả các vùng, miền đều sử dụng chung một bộ sách giáo khoa, không phân biệt vùng núi, vùng sâu vùng xa với vùng đồng bằng, thành phố. Đây là một điều bất hợp lí bởi cùng một khối lượng kiến thức nhưng trình độ, khả năng tiếp nhận của học sinh ở các vùng, miền khác nhau là không giống nhau.

Thực tế cho thấy, học sinh ở các vùng có nhiều điều kiện thuận lợi như đồng bằng, thành phố thường có khả năng tiếp thu các tri thức từ sách giáo khoa nhanh hơn học sinh vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Sự chênh lệch này đã dẫn đến một thực trạng đáng buồn là: Có một khoảng cách khá xa trong chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền.

Điều đáng nói rằng, không chỉ sử dụng chung một bộ sách giáo khoa, học sinh miền núi còn phải thực hiện chung một thời lượng chương trình như học sinh vùng đồng bằng, thành phố trong khi khả năng tiếp thu kiến thức hạn chế hơn.

Điều bất cập nêu trên chính là một trong số các nguyên nhân khiến cho học sinh miền núi có học lực yếu, kém chiếm tỉ lệ lớn. Hệ quả là học sinh có tâm lý chán học, muốn bỏ học gia tăng.

Việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm biên soạn của nhiều Nhà xuất bản khác nhau để có thể có được những bộ sách giáo khoa với chất lượng tốt nhất.

Vấn đề còn lại là bộ sách giáo khoa nào sẽ được lựa chọn và liệu Giám đốc Sở và các Hiệu trưởng đã đủ tầm để lựa chọn được những bộ sách giáo khoa tốt nhất, phù hợp nhất với đơn vị, địa phương mình? Nên chăng, tương ứng với mỗi phương án, đối tượng được lựa chọn sử dụng các bộ sách giáo khoa, cần kèm theo các điều kiện giám sát, ràng buộc.

Trước khi để các địa phương lựa chọn, Bộ GD&ĐT với tư cách là đơn vị chủ quản của ngành Giáo dục nên có những qui định chặt chẽ về tiêu chuẩn sách giáo khoa, về điều kiện lựa chọn, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa.

Đội ngũ giáo viên từ các tổ chuyên môn trong nhà trường và ngay cả phụ huynh, học sinh cũng có thể có những ý kiến tham góp để việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa của Giám đốc Sở hoặc Hiệu trưởng được chính xác.

Về lâu dài, cần có tầm nhìn trong việc qui hoạch cán bộ quản lý giáo dục ở từng địa phương. Tạo áp lực từ đòi hỏi của thực tiễn nhằm nâng cao năng lực đội ngũ quản lý giáo dục để khi Giám đốc Sở hay Hiệu trưởng gánh trọng trách lựa chọn sử dụng các bộ sách giáo khoa sẽ phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định về kiến thức, năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh lẫn đạo đức nghề nghiệp.

Làm được điều này cũng sẽ góp phần tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội.

(Theo GDTD)

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan