Người chọn nghề hay nghề chọn người ?
Không phải để năm cuối cấp các bạn mới băn khoăn đến việc chọn ngành, chọn trường cho mình mà công việc này đã được nhiều bạn xác định ngay khi bắt đầu bước vào cấp 3. Đây không phải là một câu hỏi khó trả lời đối với những bạn có kế hoạch từ trước cho cuộc đời của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nghĩ trước được những việc “xa xôi” đến như vậy - đó là suy nghĩ của những bạn “học đến đâu hay đến đó”. Khi được hỏi về những dự định cho nghề nghiệp của mình từ năm lớp 10, thậm chí đầu năm lớp 12 thì câu trả lời nhận được từ các bạn này là: “Không biết nữa” hay “chưa nghĩ tới”.
Đó là suy nghĩ của một số học sinh về vấn đề “lập trình tương lai” khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Còn sinh viên thì nghĩ như thế nào về ngành nghề mình đang theo đuổi? Bạn Thu Thảo (sinh viên khoa Ngữ văn - Trường ĐH sư phạm) khi được hỏi tại sao lại chọn nghề giáo thì bạn chia sẻ đó cũng chỉ là tình cờ và là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Bạn còn nói thêm: “Ngành chọn mình chứ mình đâu có quyền được chọn ngành”.
Bạn Bích Hoàng (sinh viên trường Cao đẳng lương thực thực phẩm) thì chia sẻ: “Tuy bản thân mình thích một ngành nhưng phải theo học ngành khác chỉ đơn giản vì mình không có đủ khả năng”. Có rất nhiều câu trả lời giống như Thảo và Hoàng được đưa ra cho cùng một câu hỏi như vậy. “Không đủ khả năng” có thể được hiểu như thế nào? Nếu điều mong ước của bạn quá cao xa và không tưởng để thực hiện được thì không cần phải nói đến. Vấn đề ở đây là bạn có muốn có đủ khả năng thực hiện sở thích đó của mình hay không thôi.
Không xác định được mục tiêu
Hầu hết những học sinh, sinh viên này đều rơi vào tình trạng không xác định cho mình mục tiêu ngay từ đầu: mình yêu thích ngành nào và làm gì để hiện thực mục tiêu đó. Khi không xác định được cho mình một mục tiêu nhất định, bạn sẽ không có động lực cố gắng học tập để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra, dẫn đến một lối học cho qua loa. Việc học cứ kéo dài một cách nhàm chán như vậy cho đến khi bạn bước vào năm cuối cấp, đứng trước tình thế phải lựa chọn ngành nghề cho mình thì lúc này mọi việc với bạn trở thành một mớ hỗn độn. Khi đó, bạn mới nghĩ đến việc xác định con đường đi cho riêng mình thì có lẽ hơi muộn.
Thay vì xác định con đường cho riêng mình dựa theo sở thích, những học sinh này lại lựa chọn cho mình khối có những môn học “tạm” nhất đối với bạn. Đây là một thiệt thòi lớn cho bạn vì lúc này cánh cửa để bạn lựa chọn ngành nghề đã bị thu hẹp. Bạn không được quyền lựa chọn ngành mình yêu thích nữa vì nó không phù hợp với khả năng của bạn. Những sinh viên nằm trong trường hợp này đều chọn nghề nghiệp cho tương lai theo hướng: từ chọn khối thi dễ thi nhất đến chọn trường dễ đậu nhất rồi mới đến khâu chọn ngành.
Kết quả cho sự lựa chọn “cho có” này là: sinh viên lơ là trong học tập, cúp học nhiều trên lớp hay thậm chí nghỉ học luôn vài tuần sau đó. Nhiều sinh viên theo được tới cùng nhưng khi ra trường đi làm thì lại không mấy mặn mà. Họ sẵn sàng "nhảy” bất cứ chỗ làm nào hay thay đổi chỗ làm liên tục với lý do không có được hứng thú với công việc đang làm.
Từ suy nghĩ đến hành động
Đa số các bạn không biết rằng, để có đủ khả năng chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, các bạn phải bắt tay vào hành động ngay từ khi bước chân vào cấp ba, thậm chí sớm hơn. Như vậy, các bạn sẽ có cái nhìn đúng đắn và định hướng rõ ràng cho việc học của mình.
Bạn Ngọc Ánh (sinh viên khoa Ngữ văn, trường ĐH sư phạm) chia sẻ: “Khi còn học lớp mười, mình chẳng bao giờ nghĩ đến việc sẽ thi trường gì, học ngành gì. Khi bước sang năm cuối cấp, mình bị áp lực kinh khủng vì gần đến ngày nộp hồ sơ thi tuyển mà mình vẫn chưa chọn ngành nào”. Chia sẻ những khó khăn khi chọn lựa ngành, Ánh nói: “Thay vì xác định ngành mình thích để có kế hoạch học tập cho hợp lý thì mình lại học dàn trải, chẳng tập trung bồi dưỡng môn nào, ngành mình thích thì khối đó lại học dở nên chọn đại một ngành mà chẳng chút thích thú”.
Đó như một lời khuyên dành cho tất cả các bạn đang chuẩn bị trải qua những khoảng thời gian quan trọng quyết định cuộc đời. Hãy xác định cho mình một ngành nghề mà mình yêu thích và lên bảng kế hoạch tương lai cụ thể để thực hiện – dĩ nhiên kế hoạch này không phải đến đầu năm cuối cấp mới bắt tay vào thực hiện. Bạn hãy bắt tay vào “lập trình tương lai” càng sớm càng tốt nếu như bạn là người muốn gặt hái được nhiều thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Lê Đức Thuận
(Theo TTVN)