Hướng tới kỉ niệm 30 năm ngày thành lập Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, nhằm tiếp nối ước mơ và viết tiếp những trang sử vàng của những thế hệ đi trước, ý tưởng xây dựng vườn địa lý đã vừa được hiện thực hóa bởi thầy và trò khối chuyên Địa các khóa: 2012 – 2015; 2013 – 2016; 2014 – 2017. Vườn địa lý chính thức được khánh thành vào sáng ngày 7/4/2015, với sự tham dự của nhà giáo Lê Thị Oanh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Bùi Văn Phúc - Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Hồ Quốc Việt - Phó hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Đình Vinh - Phó hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Dương Tú Anh - Phó hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy, cô giáo trong Hội đồng giáo dục nhà trường, và các bậc phụ huynh khối chuyên Địa.
Vườn Địa lý được lên ý tưởng và xây dựng theo mô hình của một trạm khí tượng thủy văn với mong muốn được đổi mới phương pháp dạy và học môn Địa lý truyền thống. Với sự trợ giúp của hệ thống cơ sở vât chất tiên tiến và hiện đại, việc học tập bộ môn Địa lý của học sinh trong trường sẽ được thay đổi theo hướng tích cực hơn, sáng tạo hơn.
Vườn địa lý - trạm khí tượng thu nhỏ của trường
Về thiết kế và xây dựng, vườn Địa lý được đặt ngay trong khuôn viên trường, tại vị trí phía sau các khu nhà học tập – đây là nơi có không gian rộng rãi, thoáng, ít vật cản không làm ảnh hưởng đến sự vận động và lưu thông các luồng không khí. Vườn được xây trên bề mặt bằng phẳng, rộng 12m x 12m.
Trong vườn có những dụng cụ và máy móc đo như sau:
1. Lều khí tượng
2. Máy gió EL
3. Ẩm biểu lều
4. Nhiệt kế tối cao
5. Nhiệt kế tối thấp
6. Nhiệt kế thường mặt đất
7. Máy ẩm kí
8. Vũ lượng kế
9. Thùng bốc hơi
10. Khí áp kế hộp thủy ngân
11. Ống đo bốc hơi piche
Lều khí tượng
Thùng bốc hơi
Máy hiện thị tốc độ gió và hướng gió
Thùng đo mưa
Cột đo gió
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà và các em học sinh lớp chuyên Địa nghiên cứu tại vườn địa lý
Sự xuất hiện của khu vườn đặc biệt này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc giảng dạy và tiếp thu các bài học địa lý khi giờ đây, việc học tập Địa lý trên lớp sẽ không còn là các bài học lý thuyết khô khan mà tính thực hành sẽ được chú trọng nhiều hơn. Học sinh sẽ không nhớ bài, học bài theo cách thuộc lòng, đối phó mà việc ghi nhớ kiến thức sẽ trở nên thú vị, hiệu quả hơn rất nhiều lần khi sách vở sẽ được gắn liền với sự quan sát, thực hành.
Bằng việc tự thực nghiệm, nghiên cứu, ghi đo thông số và làm quen với các loại máy móc hiện đại, học sinh sẽ có hứng thú, nhiệt tình và chủ động hơn trong học tập. Môn học thuộc – một khái niệm sai lệch trong lòng học sinh có thể, nhờ Vườn địa lý, sẽ bị xóa bỏ. Và nhờ đó, môn Địa lý sẽ khẳng định được đúng tầm quan trọng của nó không thua kém các môn học khác trong hệ thống giáo dục.
Việc xây dựng Vườn Địa lý, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất, Ban giám hiệu nhà trường cũng như toàn thể các giáo viên trong trường đều có chung mong muốn sẽ mang đến cho các học sinh có một môi trường học tập đầy đủ, hoàn thiện, phục vụ tốt cho sự phát triển toàn diện cũng như tích lũy kiến thức cho tương lai.
Năm học tới 2015-2016 sẽ là niên học đầu tiên Vườn địa lý được đưa vào áp dụng hỗ trợ vào chương trình học tại THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam. Việc học tập bộ môn địa lý hứa hẹn sẽ trở nên hấp dẫn, truyền cảm hứng cũng như hiệu quả hơn đối với các khóa học sinh hiện tại và sau này.
PV: Anh Thư (Địa 13-16)