Năm học này, Thầy và trò trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật trong hoạt động dạy và học. Kết quả, toàn trường có tỉ lệ học sinh giỏi cấp THCS đạt 96%; tỉ lệ học sinh khá đạt 4%; cấp THPT đạt 96,1%; tỉ lệ học sinh khá đạt 3.9%.
Nhà giáo Lê Thị Oanh - Bí thư Đảng bộ - Hiệu trưởng nhà trường
Đặc biệt, năm học này đánh dấu sự thắng lợi của các đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế. Đội tuyển thi HSG Quốc gia ra quân thu về thành công rực rỡ với 85 giải - con số cao nhất trong lịch sử của nhà trường trong các mùa thi. Năm nay, số lượng giải cao hơn năm trước 7 giải với 10 giải nhất, 58 giải nhì và ba, 15 giải khuyến khích. Các đội tuyển thi quốc tế đang từng bước đến gần với những tấm huy chương danh giá.
Các cuộc thi khác cũng thu về nhiều thắng lợi: cả nước có 10 học sinh đạt giải bạch kim trong kỳ thi Olympic Toán học châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS 2015) đều là học sinh trường ta, 5 giải trong vòng thi cấp quốc gia của Hội thi Khoa học và Kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông (Intel ISEF) khu vực miền Bắc năm 2015… Nhà trường đã đạt 2 giải thành phố trong cuộc thi Giáo viên giỏi ở bộ môn Toán, Tiếng Anh. Các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao gặt hái được vô số huy chương, bằng khen: 1 HCV,1 HCB bóng rổ, 1 HCĐ cầu lông, 1 HCV võ thuật,…
Bên cạnh việc chăm lo chất lượng học tập, nhà trường còn rất quan tâm đến giáo dục đạo đức lối sống, nhân cách cho học sinh. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện nhân đạo đã được Công đoàn nhà trường, Đoàn Thanh niên phối hợp với các đoàn thể khác tổ chức. đã tạo ra những sân chơi và môi trường rèn luyện bổ ích cho học sinh.
Nhà trường đã khen thưởng cho các cá nhân, tập thể Thầy Cô giáo có thành tích xuất sắc trong các hoạt động dạy - học- rèn luyện, tu dưỡng.
Bên cạnh những thành công trong năm học 2014-2015, vẫn có một số mặt hạn chế còn tồn tại. Nhà giáo Lê Thị Oanh - bí thư Đảng bộ - hiệu trưởng Nhà trường đã thẳng thắn chỉ rõ và rút kinh nghiệm trước Hội đồng giáo dục đồng thời giao nhiệm vụ cho các cán bộ công nhân viên, giáo viên Nhà trường.
---------------------------------------------------------------
Sau khi kết thúc phần họp tại Hội trường 200, các Thầy Cô giáo trong HĐGD lên xe đi tới khu di tích lịch sử K9 - đây là địa điểm gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ năm 1969 đến năm 1975.
Nằm ẩn mình trong rừng cây rậm rạp, khu K9 từng là căn cứ địa của Trung ương và Hồ Chủ Tịch thuộc địa phận Đá Chông (Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc thành phố Hà Nội) cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 70km. Hiện nay, K9 đã trở thành nơi một thời giữ yên giấc ngủ của Bác, Bộ Tư lệnh Lăng bố trí bộ phận tiếp đón các đoàn cán bộ và nhân dân toàn quốc về thăm K9.
Đoàn giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thắp hương tưởng niệm Bác Hồ kính yêu
Đoàn tham quan do đồng chí Lê Thị Oanh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường dẫn đầu cùng các Thầy Cô giáo trong Ban giám hiệu, các Thầy Cô giáo trong Hội đồng giáo dục trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đoàn đã thắp hương tưởng niệm Bác kính yêu tại khu nhà làm việc của Người, Đoàn cũng đã được đến tham quan, được nghe và tìm hiểu về nơi sinh hoạt và làm việc của Bác lúc sinh thời, cũng như nơi gìn giữ thi hài của Người trong suốt những năm từ 1969 đến 1975.
Các Thầy Cô giáo chăm chú lắng nghe lịch sử khu di tích K9
"Tháng 5/1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, buổi trưa, Hồ chủ tịch nghỉ ăn cơm tại một khu đồi ở Đá Chông. Thấy nơi đây phong cảnh khí hậu mát mẻ, thuận lợi về nhiều mặt, Người trao đổi với các đồng chí trong đoàn muốn chọn nơi này làm khu căn cứ của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.
Khi khu căn cứ Đá Chông bắt đầu hình thành, Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) xây dựng ngôi nhà này cùng hệ thống hầm hào, công sự xung quanh từ những năm 1960 và gọi tên là công trường K9. Ngôi nhà 2 tầng được thiết kế theo kiểu nhà sàn, ngôi nhà quen thuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Vì vậy ngôi nhà còn được gọi với cái tên thân mật là "Nhà sàn". Nhà được gắn biển Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969."
Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1960 đến 1969
Vào buổi trưa, các Thầy Cô giáo trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã có cơ hội giao lưu cùng các đồng chí của Bộ Tư lệnh Lăng. Sau đây là một số hình ảnh của buổi giao lưu:
Hai MC của buổi giao lưu
Cô giáo Phạm Thị Phương hát song ca cùng đồng chí bộ đội thuộc Bộ tư lệnh Lăng bài hát "Tình ta biển bạc đồng xanh"
Tiết mục song ca của cô Đỗ Kiều Tâm và đồng chí bộ đội
Ban giám hiệu nhà trường, các Thầy Cô giáo trong đội văn nghệ cùng hát đồng ca với các đồng chí thuộc Bộ tư lệnh Lăng
Cô Lê Thị Oanh, đại diện tập thể Thầy Cô giáo trường Hà Nội - Amsterdam trao tặng món quà lưu niệm cho Bộ tư lệnh Lăng
Các Thầy Cô giáo trong HĐGD chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí công tác tại Bộ tư lệnh Lăng
PV. GV Phạm Hà My - Phan Hồng Anh