Loay hoay giảm cân, Amsers viết phần mềm thực đơn, đoạt giải

By toan | 26 Tháng Năm, 2021

>> Nhiều điểm “lạ” trong cuộc thi Khoa học của học sinh phổ thông

Bạn Ngô Gia Bảo cho biết: “Em gặp vấn đề về tình trạng thừa cân, luôn cảm thấy rất mệt mỏi vì cơ thể mình quá “nặng nề”, dẫn đến việc mẹ em luôn phải nhắc nhở ăn cái này, không ăn cái kia…để cân bằng chất dinh dưỡng hàng ngày.

Mặc dù em luôn tuân thủ và tập thể dục hàng ngày nhưng không cải thiện được tình hình, vẫn quá béo. Ngoài ra em của em cũng gặp tình trạng như vậy nên mẹ luôn tìm cách để cải thiện vấn đề dinh dưỡng cho hai anh em.

Nhưng khó ở chỗ thực đơn hàng ngày mẹ chuẩn bị lại trùng lặp với thực đơn của nhà trường nên tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng vẫn xảy ra, điều này khiến cho mẹ em rất căng thẳng, mệt mỏi”.

Em Đỗ Gia Khánh chia sẻ: “Em gái của em đang học cấp 1 cũng bị thừa cân bởi sau một thời gian dài ăn ở trường nên mẹ em không kiểm soát được. Hơn nữa mẹ em là bác sỹ, quan sát công việc hàng ngày em nhận thấy mẹ khá vất vả với việc theo dõi bệnh nhân có tuân thủ chế độ dinh dưỡng như khuyến cáo hay không, điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc điều trị bệnh.

Vậy là cùng chung ý tưởng nên bọn em muốn tạo ra một “công cụ” gì đó để giúp những trẻ em mất cân bằng về dinh dưỡng, cũng như các bác sỹ có thể theo dõi chế độ dinh dưỡng của người bệnh chính xác hơn”.

Em Đỗ Gia Khánh lớp 11 Tin và Ngô Gia Bảo lớp 11 Toán 1 cùng là học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Giáo viên hướng dẫn Lê Thị Thúy và hai bạn học sinh Đỗ Gia Khánh (bên phải ảnh) và Ngô Gia Bảo - Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp Quốc gia học sinh Trung học năm 2021 vừa được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Em Khánh cho biết: “Đề tài Nghiên cứu Khoa học của bọn em có tên là “Giải pháp quản lý tình trạng dinh dưỡng và khuyến nghị khẩu phần ăn cho lứa tuổi học sinh từ 6 - 14 tuổi bằng phần mềm Caremeal”, đã đạt giải Nhì trong cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp Quốc gia học sinh Trung học năm 2021 vừa được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế, vượt lên 141 dự án của 61 Sở Giáo dục và Đào tạo, 7 trường phổ thông trực thuộc đại học và 1 trường Vùng cao Việt Bắc.

Theo em Khánh: “Chúng em chia sẻ ý tưởng này với các thầy cô trong trường và được sự hưởng ứng, hướng dẫn chúng em thực hiện từng bước. Đầu tiên là bọn em khảo sát thực trạng dinh dưỡng ngay tại Trường Ams, phát tờ thăm dò ý kiến việc quản lý dinh dưỡng của các cô bác phụ huynh trong trường…để tìm ra những nhu cầu cần thiết cho đề tài.

Ngoài ra còn khảo sát tại Trường Tiểu học Nam Thành Công và Bệnh viện Xanh Pôn, xin số liệu dinh dưỡng từ phòng khám sức khỏe. Nhận thấy những số liệu dinh dưỡng đã thu thập được khá đầy đủ, chúng em bắt tay vào thực hiện xây dựng phần mềm dưới dạng Web. Lúc này một yêu cầu mới được đặt ra là cả 2 phải đi học lập trình để có thể tự tay từng bước xây dựng phần mềm.

Chúng em vừa học lập trình vừa làm giao diện trang Web, học đến đâu làm đến đó với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Dinh dưỡng và Công nghệ thông tin.

Bắt tay vào thực hiện đề tài từ tháng 5/2020 với khó khăn đầu tiên là nhập thủ công bằng tay vào máy cuốn sách Dữ liệu các món ăn, nguyên liệu thực phẩm Việt Nam, sách này của Viện Dinh dưỡng xuất bản. Với toàn bộ dữ liệu trong phần mềm này giúp cho mọi người xây dựng một chế độ thực đơn và có thể kết nối với bữa trưa ở các nhà trường, đồng thời phần mềm này có thể giúp mọi người kiểm tra những thực đơn đó có đảm bảo dinh dưỡng giữa các nhóm thực phẩm hay không”.

Hai bạn học sinh Đỗ Gia Khánh (bên trái ảnh) và Ngô Gia Bảo chụp ảnh lưu niệm với nhà giáo Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam cùng phụ huynh của hai em. Ảnh: Tùng Dương.

Quyết tâm thay đổi làm trang Web mới

Em Bảo cho biết: “Sau khoảng 2 tháng thực hiện, lúc này trang Web của bọn em rất đơn sơ, mới dừng ở chỗ từ những bữa trưa ở nhà trường giúp loại bỏ bớt những món ăn trùng lặp ở gia đình mà thôi. Em và Khánh cùng mang đề tài này báo cáo lên ban giám hiệu nhà trường, đồng thời gửi cho một số bác sỹ ở Viện Dinh dưỡng cùng một số phụ huynh của trường để mọi người dùng thử và cho ý kiến.

Có khá nhiều ý kiến phản hồi nhưng tổng hợp lại bọn em thấy có một số vấn đề cần thiết phải giải quyết: Trang Web mới dừng lại ở việc gợi ý các món ăn chứ chưa thực sự kiểm tra được các món mà phụ huynh tự nấu ở nhà có đảm bảo khẩu phần calo hay không, hoặc có cân bằng với các bữa ăn ở nhà trường hay không? Chúng em quyết định làm lại một trang Web mới hoàn toàn.

Bắt đầu học thêm kiến thức về dinh dưỡng, tìm hiểu việc cân bằng giữa các nhóm chất là gì, nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày đối với từng lứa tuổi, đặc biệt chúng em quan tâm đến độ tuổi từ 6 đến 14…để từ đó rút kinh nghiệm cho trang Web mới. Ngoài ra những ngôn ngữ lập trình khá nhiều nên bọn em thường học thêm vào bên đêm để nâng cấp phần mềm này”.

Theo em Bảo: “Tháng 12/2020 chúng em đưa phần mềm này đi thi cấp thành phố, có thể coi thời điểm này trang Web đã khá hoàn chỉnh sau nhiều lần chỉnh sửa, nâng cấp.

Với phần mềm này có thể giúp xây dựng được một thực đơn hoàn chỉnh có đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng các chất, người dùng chỉ cần đưa tên thực phẩm nguyên liệu vào là phần mềm sẽ tự tính toán lượng calo cần thiết, thừa hoặc thiếu, ngoài ra cũng có rất nhiều món ăn thông dụng kết hợp sẵn với nhau thành một thực đơn hoàn chỉnh.

Tuy nhiên phần mềm vẫn chưa có tính năng lưu trữ thống kê lại lịch sử các nhóm chất dinh dưỡng dưới dạng biểu đồ hàng ngày. Sau khi thi thành phố, nhận được nhiều góp ý và chúng em quyết định nâng cấp thêm tính năng”.

Em Bảo chia sẻ: “Hiện nay có thể nói trang Web đã được nâng cấp hoàn chỉnh, đã có thêm phần Web App trên điện thoại để dự thi cấp quốc gia vừa qua. Sau đây chúng em vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để phần mềm này có thể chạy “mượt” hơn, dễ sử dụng cũng như có giao diện đẹp, dễ hiểu, các thông số chính xác hơn và sắp tới sẽ đưa vào ứng dụng tại bếp ăn của nhà trường.

Trong thời gian tới chúng em sẽ phát triển phần mềm này để có thể tự động điểu chỉnh các chất trong bữa ăn hàng ngày, tự cân bằng chứ không cần sự can thiệp của người dùng, đây thuộc phần trí tuệ nhân tạo nên chúng em cũng cần có thêm thời gian để học cao hơn nữa, đủ kiến thức thì mới có thể thực hiện phát triển tiếp.

Và trong tương lai chúng em hy vọng sẽ phát triển phần mềm này để làm sao phổ biến, thân thiện, dễ sử dụng, kết nối rộng hơn nữa trên thế giới cho những người có nhu cầu sử dụng”.

Có thể nói đây là đề tài rất thực tế, dễ dàng áp dụng và phù hợp với suy nghĩ, lứa tuổi cũng như nhận thức của các em học sinh Trung học phổ thông. Những đề tài không quá "cao siêu" nhưng lại gần gũi với đời sống hàng ngày, xuất phát từ những vướng mắc trong cuộc sống và chính các em học sinh với niềm đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học đã nảy ra ý tưởng, mày mò rồi tự tay tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội.

Theo tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan