Du học, điều ấy có cần thiết?
Nếu bạn nghĩ việc ra nước ngoài du học sẽ giúp bạn “gặt hái, thu lượm” được những bài học đáng giá, những điều khiến bạn “mở mang tầm mắt” thì bạn đã sai… một nửa. Trên thực tế, người ta luôn có thể tích lũy, đúc rút kinh nghiệm từ mọi sự kiện lớn bé trong cuộc sống. Bởi như một nhà văn từng nói, người ta luôn có được bài học từ những cuốn sách, ngay cả khi đó là sách truyện cổ tích cơ mà.
Du học là một bước ngoặt quan trọng và đáng giá, nhưng không phải khi nào nó cũng cần thiết với tất cả mọi người. Đôi khi, nó chỉ cần thiết với… bố mẹ bạn chứ không phải bạn. Như cô con gái lớn trong bộ phim hài “Khi con là siêu quậy” đang chiếu ngoài rạp, vì muốn vượt qua kì thi violon để được chọn vào trường đẳng cấp quốc gia, nơi người ta đào tạo những người chơi nhạc và đem đi thi quốc tế. Cô bé đã chịu rất nhiều áp lực, không còn cảm giác thoải mái khi chơi đàn. Đến ngày cuối cùng, mẹ của cô bé đã cho phép cô bé nghỉ thi. Bởi người mẹ nhận ra rằng việc thay đổi trường học, đến một mảnh đất khác là không cần thiết với cô bé.Trở về, bạn có khác không?
Nhắc lại những điều ở trên, du học hay không du học đều có thể mang đến cho bạn những bài học xứng đáng. Quan trọng là cách bạn tiếp nhận và vận dụng chúng trong cuộc đời thực mà thôi. Văn Quân (du học sinh Anh) đã ở Anh tới năm thứ 5 nhưng vẫn chưa thể hoàn thành chương trình đại học của mình.
Du học bằng tiền của gia đình, Quân quyết tâm kiếm việc làm thêm để đỡ đần bố mẹ. Tới khi cậu kiếm được công việc ổn định (hai công việc tay chân và hoàn toàn không liên quan tới chuyên ngành học ở trường), Quân lao vào công việc và không còn hứng thú đến trường nữa. Chưa biết tới ngày nào Quân mới có thể cầm bằng tốt nghiệp về nước và kiếm việc làm.
Tương tự như thế, Mai Lam (du học sinh Anh) nằng nặc đòi bố mẹ cho sang Anh học thạc sĩ. Khi trở về, Lam không đủ can đảm và tự tin để nộp đơn vào các công ty khác, do bảng điểm của cô nàng không thực sự ấn tượng, thành tích hoạt động ngoại khóa cũng không đủ để tính làm điểm cộng. Rồi Lam đầu quân vào ngân hàng nơi bố bạn ấy làm việc. Như thế, Lam đã không hề tiến thêm một bước nào mà chỉ đi một đoạn đường vòng luẩn quẩn. Bởi nếu bạn ấy chọn không đi du học, bạn ấy vẫn có thể ngay lập tức xin vào ngân hàng của bố làm việc.
Quan trọng nhất, bạn đã đủ trưởng thành chưa?
Thật không dễ để tìm ra một tiêu chí đánh giá sự trưởng thành của một người. Trong hoàn cảnh này, bạn được đánh giá là một người chín chắn nhưng ở một tình huống khác, kinh nghiệm chưa đủ, hành động lúng túng sẽ khiến bạn bị bạn bè hiểu nhầm rằng trẻ con hay non nớt.
Tú Anh (du học sinh Hàn) đã sống xa nhà từ nhỏ. Cấp 2 học trường huyện, cách nhà cả chục cây số, bạn được bố mẹ gửi vào kí túc xá của trường những buổi trưa. Lên cấp 3, bạn học trường tỉnh, định cư trong kí túc xá của trường gần như cả tuần. Tú Anh đã dần quen với cuộc sống tự lập, với những khó khăn phải tự mình vượt qua, không có bố mẹ ở bên giúp đỡ. Nhưng sống ở một đất nước không chung ngôn ngữ, ngồi học ở một lớp học ai cũng sẵn sàng đấu đá với nhau để khẳng định khả năng, Tú Anh đã luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực, đôi lúc chỉ muốn rút tiền tiết kiệm mua vé máy bay trở về nước và khóc trong lòng mẹ.
Không thể đánh giá sự trưởng thành trong một vài từ, cũng không thể kể hết những hoàn cảnh khó khăn một du học sinh gặp phải để kiểm tra EQ (câu hỏi đo độ phản ứng của cảm xúc) của bạn. Hãy cứ tin rằng sự trưởng thành cần được công nhận bằng chính bản thân bạn. Nghĩa là nếu bạn cảm thấy du học là cần thiết, cho chính mình và dẫu khó khăn ra sao bạn cũng sẽ quyết tâm chinh phục nó, bạn sẽ đủ nghị lực để trải qua những sóng gió nơi xứ người.
Mong bạn sẽ có được quyết định đúng đắn và… đừng khóc ở nơi không phải nhà mình.
Lê Đức Thuận
(Theo TTVN)