Mừng ngày 20/11: Bao lâu nữa tôi mới có thể gặp được một người thầy như thế

By toan | 17 Tháng Mười Một, 2014

Nắng thu vàng ruộm trải mật lên từng con đường, len lỏi vào trong từng ngách phố. Gió thu man mác, có chút mát dịu lại có chút se se. Gió thu đưa hương hoa sữa nồng nàn xông thẳng vào khoang mũi những người qua đường, hương hoa sữa đang vào độ nở rộ có phần hăng hắc, khiến người ta nhịn không được mà nhăn mày.

 Thoáng chốc, đông lại sắp về. Thoáng chốc, một năm nữa lại đã trôi đi. Thoáng chốc, những gì tưởng chừng còn mới nguyên đã là chuyện của ngày hôm qua. Hòa mình vào cơn gió, tôi thả hồn mình trôi về một miền xa lắm.

 Vẫn khoảnh khắc này, vẫn thời tiết này, vẫn chút se se lạnh xen lẫn với nắng vàng, nhưng chỉ mới cách đây một năm tôi làm sao có thể ung dung suy nghĩ vẩn vơ như bây giờ. Lúc ấy, tôi còn đang vùi mình vào sách vở, tất bật chạy từ trường đến các lớp học thêm, lịch học chật kín. Tôi, cũng như bao người khác khi đứng trước ngưỡng cửa trường cấp 3, chẳng muốn giành lấy một phút để thở, chỉ mong nhét thêm được càng nhiều kiến thức càng tốt, cảm tưởng như chỉ cần lãng đi một chút thôi, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể đặt chân vào mái trường cấp 3. Nhưng giữa vô vàn những tấp nập, những mệt nhọc mà không bao giờ tôi muốn trải qua lần nữa ấy, tôi lại gặp được một người – người mà tôi vô cùng kính trọng và yêu mến, người mà cả cuộc đời này tôi sẽ chẳng quên được..

Tôi là một đứa học chuyên văn, yêu thích những con chữ và viết lách, thi thoảng cũng thả hồn vào gió mây như bao đứa dân văn khác. Nhưng tôi chẳng hề yêu văn ngay từ đầu, thậm chí tôi từng nghĩ nó là một môn học rất nhàm chán. Có lẽ khi người ta có chút nhỉnh hơn ai khác ở một lĩnh vực nào đó, người ta thường không đặt nó vào trong mắt. Và rồi, ba dẫn tôi đến xin học một cô giáo, mà theo như cái cách mà ba nói, là người luyện thi có tiếng trong nghề. Thực ra, cho đến tận lúc ấy, khi mà chỉ còn chẳng đến chín tháng nữa thôi, tôi sẽ thi chuyển cấp, tôi vẫn nghĩ thi văn chỉ là phương án dự phòng, và chắc chắn tôi sẽ đỗ để vào ngôi trường mơ ước với một môn khác.

Tuy vậy, cuộc đời chưa bao giờ là một cuộc hành trình thẳng tắp mà người tham gia chuyến hành trình ấy có thể nhìn được đích đến. Suy nghĩ của tôi bất chợt rẽ sang một hướng khác khi gặp cô. Suốt chín năm đi học, tôi chưa từng gặp một cô giáo nói về nghề của mình một cách tâm huyết như thế. Tôi vẫn còn nhớ như in nét mặt của cô trong cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi, vui mừng vì biết gặp được một đứa học sinh muốn theo đuổi cái sự học văn, nhưng băn khoăn liệu rằng tôi có như bao người chẳng hề yêu thích văn một cách thực sự. Lúc ấy và cả bây giờ tôi cũng chưa thực sự hiểu, tại sao ngay lần đầu nhìn thấy tôi, cô lại có thể giãi bày hết nỗi lòng được như vậy, phải chăng cô muốn qua đó gửi gắm một chút hi vọng, thắp thêm cho tôi một ít tình cảm với văn chương. Cô nói với tôi nhiều lắm, về những lứa học sinh của cô, có người giờ còn theo đuổi sự nghiệp chữ nghĩa, có người chỉ coi lớp chuyên văn là bước đệm để đi xa hơn, có người là nhờ cậy nọ kia vào hoc lớp văn, chứ trong lòng chẳng coi nó ra gì, cũng chẳng coi cô ra gì. Cô cũng nói về những người dạy văn bây giờ, cô bảo giờ cũng chả còn mấy người tâm huyết với nghề, chẳng còn mấy người đào sâu nghiên cứu bài dạy nữa, văn bây giờ trong trường học, cũng chỉ là vài thứ kiến thức “cưỡi ngựa xem hoa”, học để thi mà thôi. Nói hết một hồi, dường như cô còn nghĩ ra cái gì đó, cô lại vỗ vỗ tôi bảo, tôi cứ yên tâm đi, cô sẽ dạy tôi đến nơi đến chốn. Thực ra, với cái suy nghĩ non nớt của tôi lúc đó, làm sao tôi hiểu được là cô đang chia sẻ với tôi, đang tâm sự để mong mỏi tìm thấy tôi một chút gì đó đồng cảm với cô, tôi thậm chí đã khờ dại nghĩ rằng, cô chẳng qua đang nói xấu người khác để tôn lên bản thân thôi đúng không?

Nhưng chín tháng trôi qua, đủ để tôi ân hận vì đã có suy nghĩ ấy, đủ để tôi chỉ muốn cào xé cái suy nghĩ ấy ra làm muôn mảnh, tôi ước giá như tôi chưa từng nghĩ tồi tệ về cô đến như thế.

Ban đầu, tôi không có nhiều cảm tình với cô. Cô trong ấn tượng tôi khi đó chỉ đơn giản là một người giáo già, đã đi dạy lâu năm. Nhưng điều đó đã thay đổi từ những bài dạy đầu tiên của cô. Cô đã mang đến cho tôi rất nhiều những thứ lần đầu tiên tôi trải nghiệm. Lần đầu tiên tôi không ngái ngủ khi học văn. Lần đầu tiên tôi không cảm thấy chán nản mà ngồi nghe chăm chú không bỏ qua một chữ nào. Lần đầu tiên tôi hiểu rằng những bài dạy văn không phải những lời khuôn sáo mà mười người đều nói như một, nó cũng không phải chỉ là tán tụng bâng quơ, mà đó còn là sự tìm tòi, sự nghiên cứu, là sự liên hệ. Dường như bắt đầu từ khi đó, một chút gì đó với văn đã được ươm mầm trong tôi.

Cô từng dạy tôi nhiều thứ, đông tây kim cổ đều đủ cả. Từ lý luận văn học rồi bình thơ, đôi lúc cô còn dạy cả những bài học xã hội, dạy những chuyện mà đến giờ giáo dục nước ta chẳng ai dám nói. Nhưng giữa bao nhiêu kiến thức như vậy, bài giảng “Truyện Kiều” của cô vẫn để lại nhiều dư âm nhất. Cũng đã mấy tháng trôi qua rồi, nhưng tôi chỉ cần hồi tưởng lại, tôi vẫn cảm thấy mình vẫn còn là đứa trẻ đó, ngồi ngây ngô nhìn cô, theo dõi từng biểu cảm trên gương mặt cô. Tôi cũng không biết liệu còn ai giảng Kiều hay hơn cô không, mà dù có, trong lòng tôi cô vẫn là nhất. Tôi đã từng khóc khi nghe cô nói về số phận bi kịch nàng Kiều, về một người con gái không bao giờ chạm tới cái kết toàn vẹn cho cuộc đời mình. Tôi cũng từng cười khi cô miêu tả tình yêu Kim Kiều, từng cảm thấy căm hờn bè lũ quan lại mục rỗng của thời đó. Cô hình như đã đem tôi thả vào giữa câu chuyện, cho tôi trải nghiệm, chứng kiến tất cả số phận nhân vật vậy. 

“Cô giáo như mẹ hiền”. Không phải tôi chưa từng được gặp những người cô giáo tốt, nhưng có lẽ cô Ninh – cô giáo ôn thi văn chuyên cho tôi là người đầu tiên khiến tôi cảm nhận được hơi ấm tình thương của một người mẹ trên danh chức một người cô. Cô không tâm lý, thậm chí cô còn rất nóng tính. Chỉ cần lũ chúng tôi không thuộc hay nhớ bài cô từng dạy, hay thậm chí là trả lời chậm một chút thôi, chúng tôi sẽ nghe cô mắng đủ. Mà cô nào mắng theo cách bình thường, cái cách cô mắng là cái cách sắc sảo mà chẳng ai bắt bẻ được của dân văn, là cái cách mà chỉ cần ngồi nghe cũng tái xanh mặt mày. Cô cũng chẳng hiền dịu, cứ thử nghe một lần cô phê phán những bất cập của xã hội, hẳn ai cũng nghĩ là con người đanh đá. Nhưng tất cả lũ học trò đã từng học cô lại vẫn coi cô như một người mẹ, bởi một điều duy nhất mà thôi, cô rất thương lũ học sinh của mình.

Những ngày ôn thi vất vả, chúng tôi đều học thâu mấy ca liên tiếp, học đến rã cả người, dường như tất cả sức lực bị rút kiệt, thì cô vẫn ở bên cạnh, chẳng những dạy mà còn chăm chúng tôi. Cô chăm chúng tôi như một người mẹ, thức ăn nước uống, cũng chẳng ngoa khi nói đôi lúc còn cả giấc ngủ. Có mấy người làm nghề giáo mà còn được như cô, yêu quí, tận tâm với học sinh đến thế. 

Sát đến ngày thi, cô cũng như học sinh, thức thâu đêm sửa từng câu chữ trong bài văn cho chúng tôi, cô chỉ sợ rằng đến lúc thi mmà vào đề này bài làm không tốt thì chỉ “khổ chúng nó”. Cô dặn chúng tôi học, dặn chúng tôi ăn ngủ thế nào, làm bài ra sao, quan tâm đôi khi còn hơn cả cha mẹ chúng tôi vậy. Thi xong, người đầu tiên hỏi han chúng tôi cũng là cô. Cảm tưởng như, chính cô cũng là người bước vào phòng thi, hồi hộp và lo lắng cho chúng tôi. Và rồi, cô cũng thấp thỏm chờ ngày báo điểm, cũng gọi điện tâm sự, cũng động viên, tựa như một người bạn của chúng tôi

Liệu bao nhiêu lâu nữa, tôi mới có thể gặp được một cô giáo như cô? Cho đến tận bây giờ, ngẫu nhiên một lúc nào đó, tôi sẽ lại nhớ khi tôi báo tin mình trượt, thậm chí cô đã khóc, khóc như một đứa trẻ, khóc vì biết tin đứa học trò này của cô không đạt được ý nguyện của nó. Bạn đã bao giờ từng thấy người cô nào khóc khi nghe tin học sinh mình trượt chưa? Những giọt nước mắt ấy còn quý giá hơn vàng bạc, còn đẹp hơn, hay hơn tất cả những lời hay ý đẹp trên đời này. Đó là giọt nước mắt của tình thương, tình thương của một người cô dành cho một đứa học trò, của một trái tim dành tất cả tình yêu với những điều mình gắn bó. 

Nhiều người cũng đã từng hỏi tại sao tôi lại suy nghĩ nhiều về chuyện đỗ trượt vào cấp 3 như vậy, một phần vì đó là ước mơ, nhưng thực chất nó còn là vì cô. Vì cô là người sẽ chủ nhiệm lớp nếu tôi đỗ, vì cô là người đã dạy dỗ tôi, vì tôi không muốn công sức của cô bị phủ nhận. vì tôi muốn mãi mãi là học trò của cô. Và vì tôi muốn cô biết rằng trong lớp của cô mãi mãi có một đứa học trò yêu thích tiết học của cô. Chẳng biết từ khi nào, cô đã trở thành một người quan trọng đến như vậy trong cuộc sống của tôi. Làm bài xong tôi cũng phải gọi điện hỏi cô trước nhất, xem làm như vậy đúng chưa, được không. Chán nản chuyện học hành cô cũng là người tôi tâm sự. Thậm chí cả mấy chuyện vụn vặt như ăn mặc rồi chơi bời cũng chẳng biết từ bao giờ tôi đều chia sẻ với cô. Với tôi, cô dường như đã trở thành nguồn dưỡng khi chẳng thể thiếu cho cuộc đời, nguồn dưỡng khí của tri thức, của tình thương.

Có lẽ đây cũng là lứa học sinh cuối cùng của cô, hai ba năm nữa thôi, cô sẽ phải nói lời chào tạm biệt thứ mà cô đã dành trọn đời cho nó. Nhưng tôi vẫn luôn luôn tin rằng, hình ảnh cô giáo cẩn mẫn chăm chút từng chữ cho bài giảng của mình ấy sẽ khắc sâu mãi trong lòng những lứa học trò mà cô đã dạy, dù kể cả khi hiện tại trong mắt chúng cô là một giáo viên khó tính và hay nóng giận. Tuy vậy, một ngày nào đó, chúng cũng như tôi, hiểu ra rằng, gặp cô và được học cô là điều may mắn nhất trên đời.

Cựu học sinh Ams.

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan