1. Thưa cô, là một giáo viên đã gắn bó với nhà trường lâu năm, theo cô, việc giữ gìn và nâng cao hình ảnh nhà trường quan trọng như thế nào?
- Nền tảng tri thức và văn hóa của trường ta đã được tạo lập từ ngay những ngày đầu thành lập. Trong xu hướng tiệm cận và hội nhập, việc giữ gìn và nâng cao giá trị cốt lõi của nhà trường là vấn đề quan trọng nhất.
2. Qua những tiết dạy của mình, cô luôn mang đến một “làn gió mới” cho các từng bài học. Vậy xin cô hãy chia sẻ bí quyết để “trẻ hóa” trong phong cách dạy học hiện tại?
- Cô không gọi đó là bí quyết. Đơn giản chỉ là vì cô yêu, cô tôn trọng học trò trường Ams bởi các con là những học sinh xuất sắc nhất của thành phố. Mà niềm yêu ấy, sự tôn trọng ấy chỉ có thể được thể hiện qua hành động. Cô luôn cố gắng “lắng nghe” xem học trò của mình nghĩ gì, cần gì để từ đó đáp ứng nhu cầu (dẫu chỉ là phần nào) của người học.
3. Hiện nay, các phương tiện đại chúng thường phóng đại những nét tiêu cực về mặt đời sống của giới trẻ. Cô nghĩ sao về điều này?
- Cô nghĩ rằng không chỉ vấn đề về giới trẻ mà mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều có tính hai mặt của nó, vấn đề là cách nhìn nhận và đánh giá của chủ thể cảm nhận. Quan điểm của cô là luôn nhìn các hiện tượng, các mối quan hệ, đặc biệt là đối với giới trẻ và học trò của mình theo một chiều hướng thiện chí hơn. Cô thấy rằng không nên nâng cao quan điểm, không nên gò ép và quy chụp các em. Cô muốn cảm nhận, thấu hiểu và nếu cần thì hướng dẫn, điều chỉnh để hành vi của giới trẻ đi đúng hướng và đạt chuẩn mực cân đối.
4. Xin cô hãy chia sẻ ấn tượng của mình về thế hệ học sinh bây giờ và ngày xưa ạ?
- Cô nghĩ thế hệ nào cũng có khát vọng hiểu biết, khám phá kho tàng tri thức của nhân loại. Thời của cô, công việc bị ràng buộc giới hạn bởi nhiều khuôn khổ. Ngày nay, cùng sự phát triển như vũ bão của nền văn minh tin học, lớp trẻ có nhiều cơ hội mở rộng tầm nhìn của mình. Họ năng động, sáng tạo, chủ động và dễ thành công hơn. Nhưng cô cũng muốn lưu ý rằng sự mạnh mẽ, quá tự tin đôi khi có thể trở thành rào cản. Vì vậy, hãy biết lắng nghe, biết học hỏi để biết tự cân bằng tầm hiểu biết của mình.
5. Qua những lời chia sẻ, tâm sự của cô ở trên lớp, em hiểu rằng sự khác biệt lớn giữa các thế hệ có thể dẫn đến những hiểu lầm, không chỉ ở gia đình mà ở ngay trên trường lớp, ngoài xã hội. Vậy cô nghĩ làm thế nào để có thể rút ngắn được khoảng cách giữa 2 thế hệ?
- Việc giữa các thế hệ có những khoảng cách nhất định là điều không thể tránh khỏi. Để rút ngắn khoảng cách này, cô nghĩ chúng ta nên tìm đến những điểm chung, Nếu điểm chung càng nhiều thì khoảng cách sẽ càng ít. Muốn vậy, chúng ta phải có cơ hội để bộc lộ thái độ, cảm xúc của mình, không những bộc lộ mà mình cũng cần thăm dò xem đối tượng giao tiếp của mình như thế nào để mình điểu chỉnh để cả hai phía có sự hiểu biết về nhau. Khi đã có tiếng nói chung thì chắc chắn khoảng cách sẽ được rút ngắn lại.
6. Thưa cô, theo cô, những kỹ năng cơ bản mà một học sinh trường Ams cần có ngoài học tập là gì?
- Sẽ là áp đặt nếu cô yêu cầu các em phải đạt 1 “mô hình chuẩn”. Ngoài học tập là công việc chính, cô mong muốn các em thực hiện tốt kĩ năng giao tiếp. Giao tiếp thể hiện trình độ học vấn, văn hóa của mỗi người. Và quan trọng hơn, đằng sau đối tượng giao tiếp, người ta dễ dàng nhận thấy nền tảng giáo dục của ca một gia đình, thấy hình ảnh của cha mẹ, thầy cô…, thấy tầm nhận thức của đối tượng giao tiếp.
7. Nhân dịp cô đề cập tới kĩ năng chia sẻ, bọn em được nghe nói cô vừa có một chuyến đi từ thiện ở Sơn La và em nghĩ hành động nhân văn này sẽ truyền rất nhiều cảm hứng cho học sinh trường mình. Liệu cô có thể chia sẻ về chuyến đi của cô được không ạ? Cô có mong muốn gì sau chuyến đi này ạ?
- Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ GDĐT, CĐGD VN về đầu tư, hỗ trợ giáo dục miền núi nhân dịp bệnh viện Quân Y 103 tổ chức khám, tư vấn và chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào 4 xã miền núi của huyện Bắc Yên – Sơn La, đoàn giáo viên trường mình đã kết hợp với bênh viện 103 đến thăm và tặng quà cho học sinh các cấp: Mầm non, Tiểu học và THCS ở bản Háng Đồng. Địa danh này nằm ở độ cao khoảng 1600m, sương mù gần như quanh năm bao phủ. Được trao tận tay 80 suất học bổng tổng trị giá gần 40 triệu đồng và 4 thùng đồ chơi phát triển trí tuệ (cho cấp Mầm non) đối với cô thật sự ý nghĩa. Các em học sinh Háng Đồng nhận được từ các thầy cô trường Ams tình yêu, sự cảm thông và ít nhiều sự chia sẻ. Còn cô lại nhận được từ các em, cha mẹ các em cùng đồng bào Hmông nghị lực và khát vọng sống vô bờ. Dù thời tiết khắc nghiệt, dù địa hình hiểm trở, dù đói nghèo “vây bủa” khắp bản làng, họ vẫn sống rất tích cực. Họ chính là hiện thân của tình yêu cuộc sống, tình yêu nước nồng nàn.
Nếu cô mong và tin tưởng rằng trường chúng ta tiệm cận và hội nhập nền giáo dục quốc tế thành công thì cô mong rằng Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La sẽ sớm tiệm cận và hội nhập mặt bằng giáo dục chung của Việt Nam.
(Cô Quyên trong chuyến đi từ thiện vừa rồi)
Cám ơn cô đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn của chúng em. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng em xin kính chúc cô luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn mang làn gió mới vào những bài giảng của mình.
Pv Diệu Linh _ Chi Mai A1 13-16