1. Thầy có thể cho chúng em biết thầy đã gắn bó với mái trường Hà Nội - Amsterdam được bao lâu rồi ạ? Điều gì đã đưa thầy trở thành giáo viên của bộ môn GDCD?
Thầy gắn bó vói trường gần 10 năm rồi. Thực ra, trở thành giáo viên bộ môn GDCD không phải là ước mơ ban đầu của thầy, nhưng trong quá trình học trung học phổ thông, sự ảnh hưởng về phong cách và đạo đức của thầy, cô giáo dạy thầy đã khiến thầy quyết định lựa chọn nghề này.
2. Trong cuộc đời nhà giáo chắc hẳn thầy đã có rất nhiều kỉ niệm, thầy có thể chia sẻ một kỉ niệm sâu sắc nhất của thầy được không ạ? Món quà nào từ học trò khiến cho thầy cảm động nhất?
Thầy có quá nhiều kỉ niệm đối với học sinh, trong những kỉ niệm đó, có một kỉ niệm thầy rất nhớ, đó là khoảng 2 năm về trước, khi thầy bước vào lớp 12 Toán 2 thì thấy điện đóm tối om, cả lớp ngồi rất nghiêm túc khiến thầy thấy là lạ. Hóa ra lớp đã nhớ tới sinh nhật thầy và tổ chức cho thầy một buổi sinh nhật cực ấn tượng mà cũng chẳng giống ai, điều đó làm thầy nhớ mãi cho tới bây giờ.
3. Đã nhiều thế hệ học trò đi qua dưới mái trường Ams, vậy đối với thầy, thế hệ học sinh Ams trước đây và hiện tại có gì giống và khác nhau?
Điểm giống nhau là các em đều rất năng động, tự tin, học giỏi, tôn trọng thầy cô. Nhưng điểm khác nhau của những khóa học sinh trước so với lứa học sinh hiện nay là bây giờ các em có rất nhiều hoạt động ngoại khóa, tổ chức nhiều
sự kiện hơn. Một số lần thầy đã từng tham gia với tư cách Ban giám khảo và thấy rằng các em bây giờ năng động hơn, sáng tạo, tài năng hơn xưa rất nhiều. Tuy nhiên, mặt trái, đó là học sinh Ams ngày càng thực dụng hơn, kể cả về suy nghĩ trong cuộc sống, kể cả về vấn đề học tập, rồi điểm số, và học sinh Ams còn khác hơn nữa, đó là tuổi yêu của các em ngày càng được trẻ hóa đi, trong đó có cả các em cấp 2.
4. Thầy mong muốn điều gì ở thế hệ học sinh chúng em hôm nay?
Mong các em học tốt hơn nữa, ý thức cao hơn nữa! Vì học sinh bây giờ có nhiều bạn rất chểnh mảng với học hành và rất thực dụng trong học tập. Một số bạn nếu gặp các thầy cô dạy mình thì mới chào, còn không dạy mình thì không chào hỏi, điều này làm phiền lòng rất nhiều thầy cô trong trường. Vì vậy, thầy mong các bạn hãy sửa đổi cách ứng xử với thầy, cô giáo của mình.
5. Nhiều ý kiến cho rằng môn GDCD lớp 11 có nội dung khá khô khan, thế nhưng chúng em luôn mong đợi đến tiết dạy của thầy, bí quyết gì đã khiến thầy có thể biến những bài giảng đó trở nên sinh động như vậy?
Thầy nghĩ rằng GDCD là một môn xã hội và nó gắn liền với thực tế cuộc sống nhiều, nếu chỉ chăm chăm dạy theo SGK thì học sinh sẽ cảm thấy rất nhàm chán, và cảm giác không đúng với thực tế, từ đó gây cho học sinh tâm lí học thờ ơ, chống đối. Vì vậy, để môn GDCD ấn tượng hơn đối với học sinh và chiếm được cảm tình của các em, thầy cũng như các thầy cô trong nhóm GDCD luôn tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy và vận dụng thực tế đời sống để giúp các em có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ đó sẽ thu hút được học sinh hơn.
6. Kì thi đại học đang tới gần, thầy có lời khuyên gì với những anh chị lớp 12 có ước mơ theo đuổi con đường sư phạm không ạ?
Đối với các bạn học sinh như vậy, thầy rất ấn tượng và ủng hộ bởi vì một khi đã quyết định theo đuổi nghề giáo, các bạn sẽ phải chấp nhận sự hi sinh và có lí tưởng sống cao đẹp, không đặt nặng vấn đề kinh tế. Và thầy có một lời khuyên rằng, nếu yêu nghề đến mức sẵn sàng cống hiến thì các bạn hẵng đi theo con đường giáo viên, vì giáo viên rất cần có những người giỏi, tâm huyết để có thể hết lòng cho sự nghiệp trồng người của đất nước. Và thầy mong rằng sau này, các bạn hãy đến với nghề giáo bằng ước mơ và niềm tin.
7. Em xin hỏi thầy câu hỏi mang tầm vĩ mô hơn một chút ạ. Hội nghị Trung ương Tám khóa XI vừa thông qua Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo được dư luận xã hội rất quan tâm, thầy có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Thầy rất tán thành việc đổi mới, cải cách giáo dục và mong những nghị quyết của Đảng, Nhà nước sớm đi vào cuộc sống. Thầy rất mong muốn ngành giáo dục chúng ta phải có sự mạnh dạn trong đổi mới và cải cách, bởi vì chỉ có đổi mới, cải cách, giáo dục Việt Nam mới có thể phát triển vượt lên tình trạng trì trệ như bây giờ.
Em xin cảm ơn thầy đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn này. Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, em kính chúc thầy luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, ngày càng có thêm nhiều bài giảng hay và nhiều kỉ niệm đẹp với chúng em.
PV: Hà Cẩm Uyên (Văn 12-15)