MUỐN DẠY ĐƯỢC THÌ PHẢI HỌC
Nhà giáo Trần Đồng Trực,
Giáo viên Toán, nguyên Bí thư Đảng uỷ của trường
Tôi tốt nghiệp ĐH Sư phạm năm 1967. Còn rất trẻ, mới 22 tuổi, tôi xa gia đình lên công tác ở Cao Bằng, một tỉnh miền núi nghèo, còn nhiều khó khăn về mọi mặt. Tôi được tiếp xúc với những học sinh dân tộc chất phác nhưng chăm chỉ. Năm 1972, tôi gia nhập quân đội. Huấn luyện tân binh xong, tôi được điều về Đoàn An dưỡng Quân khu Việt Bắc dạy văn hoá cho thương bệnh binh đã hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, nay ôn tập để thi đại học. Đó là những quân nhân vượt thương tật, chiến đấu và chiến thắng trên mặt trận khoa học. Sau đó tôi chuyển về Học viện quân sự cấp cao. Tại đây tôi làm việc với những sĩ quan tiêu biểu cho đỉnh cao trí tuệ quân sự Việt Nam. Đến năm 1987, trở về trường Hà Nội-Amsterdam công tác, tôi gặp những học sinh trẻ trung, thông minh, đầy tiềm năng.
Tôi nghĩ: Làm nghề dạy học không phải đơn thuần là dạy cho người khác, mà thực sự học trò đã dạy cho tôi rất nhiều.
Khi dạy ở Cao Bằng, tôi học được ý chí vượt qua khó khăn vật chất để học tập. Khi ở quân đội, tôi cảm thấy mình cần học những tấm gương về nghị lực “Khó khăn nào cũng vượt qua”. Đặc biệt ở trường Hà Nội - Amsterdam, các học sinh ở nhiều loại lớp chuyên (tôi đã dạy Toán cho học sinh chuyên Lý, Hoá, Sinh, Văn, Nga, Anh, Pháp) đã giúp tôi tiến bộ rất nhiều về chuyên môn. Tôi đã phải cố gắng tìm đọc sách vở, sưu tầm tài liệu và đúc rút kinh nghiệm, tổng hợp kiến thức để bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn với học sinh. Tôi cũng hiểu rằng đa số học sinh có học thêm ở các loại lớp, vào giờ giảng thì phần lớn đã nắm được kiến thức của bài, vì vậy tôi phải giảng thế nào để học sinh vẫn chăm chú lắng nghe và hào hứng học tập. Để có thể làm được điều đó, người thầy phải không ngừng rèn luyện, trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn và có kiến thức vững vàng, sâu sắc…, ngoài ra còn phải khiêm tốn học hỏi ngay ở học sinh của mình. Có những bài tập, học sinh đưa ra nhiều cách giải và người thầy phải nhanh chóng đánh giá được cái hay, cái dở của từng cách giải. Đặc biệt phải chỉ ra ngay các nhầm lẫn, thiếu sót trong cách giải. Học sinh đã dạy lại cho giáo viên chính là ở chỗ đó: Học sinh làm cho tôi hiểu rằng không được nghĩ mình luôn giỏi hơn trò, và tuyệt đối đừng bao giờ cho rằng mình không thể có nhầm lẫn.