Nên di du học ở bậc phổ thông, bậc đại học hay sau đại học? Thực ra, không có một tiêu chuẩn chung nào hay một câu trả lời chung cho mọi trường hợp, vì thời điểm du học thích hợp phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trong bài viết này, tôi chỉ chia sẻ quan điểm cá nhân để những bạn có ý định đi du học (cả theo diện học bổng và tự túc) quyết định thời điểm đi du học phù hợp với mình.
Để du học có kết quả tốt, bạn phải cần chuẩn bị một hành trang thật tốt như về nền tảng kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm sống. Những yếu tố đó sẽ quyết định thời điểm “chín muồi” để bạn đi du học. Có bạn xuất sắc, ngoại ngữ tốt, từng trải sớm, dễ thích nghi có thể thực hiện thành công giấc mơ du học của mình từ bậc phổ thông trung học, số khác vì nhiều yếu tố đã chọn du học ở các thời điểm sau đại học. Kiến thức nền đóng vai trò quan trọng trong việc học tập của bạn ở xứ người. Ở đây tôi muốn nói đến cả lý thuyết và thực hành (đối với các chuyên ngành liên quan đến thí nghiệm). Nếu bạn thiếu kiến thức cơ bản bạn sẽ rất vất vả để có thể theo kịp và hoàn thành khóa học của mình ở nước ngoài.
Bạn cứ tưởng tượng, khi đi du học, bạn bị hổng kiến thức cơ bản và không hiểu được những cái mà mình đang học, hoặc hoàn toàn không có các kỹ năng thí nghiệm cơ bản nhất của chuyên ngành mình đang học, với nhiều vấn đề khác như cuộc sống mới, ngoại ngữ lúc đầu hạn chế… thì kết quả học tập sẽ ra sao?
Do đó, việc có được kết quả học tập tốt trên lớp, ngoài giúp cho hồ sơ xin học bổng của bạn đẹp hơp còn đóng góp vào việc thành công trong học tập sau này của bạn ở nước ngoài. Thời điểm bạn cảm thấy kiến thức cơ bản của mình ổn nhất là lúc bạn có thể tính đến việc đi du học.
Ngoại ngữ. Một công cụ không thể thiếu để đi du học. Chắc hẳn ai cũng biết, để du học được thì trước tiên phải hiểu được giáo viên nói gì, đọc được tài liệu bằng ngôn ngữ mà mình sẽ học… Do vậy, việc đi du học vào lúc nào lại phụ thuộc vào thời điểm vốn ngoại ngữ của bạn “đủ dùng”.
“Đủ dùng” trong ngoại ngữ nó khác nhau ở các chuyên ngành mà bạn định đi du học. Với các khối kinh tế, ngôn ngữ học, văn hóa…. thường có yêu cầu ngoại ngữ cao hơn và toàn diện hơn (nghe, nói, đọc, viết) với các khối ngành kỹ thuật. Cũng có người có năng khiếu học ngoại ngữ, học từ nhỏ nên đã có đủ điều kiện về ngoại ngữ để đi du học từ khi còn ít tuổi. Tuy nhiên với nhiều người việc chuẩn bị ngoại ngữ phải mất một thời gian không nhỏ và rất kiên trì.
Kinh nghiệm sống. Đây là yếu tố đôi khi chúng ta không quan tâm đến khi quyết định đi du học. Tuy nhiên nó lại rất quan trọng trong việc thành công của bạn khi học ở xứ người. Do vậy, nó cũng quyết định thời điểm mà bạn đã sẵn sàng để đi du học.
Bạn nên biết, khi đi du học là bạn phải tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình, không người thân, thời gian đầu không có hoặc ít bạn bè, thậm chí trong một số trường hợp không có một người Việt Nam hay người châu Á nào học cùng hoặc ở nơi bạn học.
Bạn đã chuẩn bị tốt tinh thần cho một cuộc sống như vậy chưa? Bạn có thể tự chăm sóc được bản thân mình khi sống một mình như vậy không? Bạn có dễ thích nghi với cuộc sống mới, con người mới, đồ ăn mới,... không? Nếu làm được những điều như vậy, tức bạn đã sẵn sàng đi du học.
Nhiều bạn đã trải qua cuộc sống học tập xa nhà như đi học đại học xa nhà, sẽ hiểu một phần của cuộc sống mà bạn sẽ gặp phải khi đi du học. Tuy nhiên, tôi chỉ nói một phần vì dù sao bạn vẫn học trong môi trường toàn người Việt ở nhà.
Bên cạch những yếu tố trên, với các bạn có ý định đi du học bằng con đường học bổng thì thời điểm du học lại phụ thuộc cơ hội xin học bổng. Có thể nói, các học bổng dành cho các bậc sau đại học (Thạc sỹ, Tiến sỹ) thường nhiều và học bổng cao hơn so với bậc đại học, và đương nhiên nhiều hơn so với bậc phổ thông.
Do đó, đi du học bằng con đường học bổng có thể sẽ thích hợp hơn tại thời điểm sau đại học. Khi đó bạn không chỉ có kiến thức cơ bản khá vững tích lũy ở các bậc học trước, thời gian dài học ngoại ngữ, kinh nghiệm sống dồi dào và nhiều cơ hội xin học bổng hơn.
Lê Đức Thuận (Theo Dân trí)