Góp ý về việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bà Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, cho rằng: Nội dung chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) phổ thông cần hướng tới phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, kỹ năng thực hành, tăng khả năng hoạt động thực tiễn để hình thành và và phát triển toàn diện nhân cách thế hệ trẻ Việt Nam. Theo đó, cần đặc biệt chú ý tới việc đào tạo giáo viên. Cụ thể, chương trình, nội dung đào tạo của các trường ĐH Sư phạm cần phải được thay đổi để mỗi sinh viên sư phạm khi ra trường phải đạt được chuẩn là những nhà sư phạm, nhà giáo dục thực sự.
Đặc biệt, bà Oanh kiến nghị nên có cơ chế ưu đãi về chế độ lương cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vì với mức lương hiện nay chưa đủ sức hút học sinh khá - giỏi thi tuyển vào học ngành sư phạm. Thêm vào đó, nên có chế độ ưu tiên đặc biệt để thu hút nam sinh viên học sư phạm để tránh được nguy cơ vắng bóng thầy giáo trong trường học.
Bà Oanh phân tích: Sự cân bằng giới tính trong đội ngũ nhà giáo sẽ mang đến sự ổn định của xã hội, giúp giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn mang đến cho xã hội như căn bệnh trầm cảm hay “nữ hóa” trong nam học sinh. Sự mất cân bằng giới tính trong đội ngũ giáo viên có thể nhìn thấy tại nhiều cơ sở giáo dục và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nhà trường. Hiện tượng “nữ hóa” học đường là điều trái với quy luật tự nhiên và có thể là nguy cơ giảm sút sức khỏe cộng đồng và giảm sút sức lao động sáng tạo của toàn xã hội.
Về nguyên nhân chưa thu hút được các nam sinh vào học nghề Sư phạm, theo bà Oanh, vấn đề này bắt nguồn từ chế độ chính sách dành cho giáo viên. “Đồng lương của người thầy chưa đủ đề mỗi nam giáo viên đảm đương được vai trò trụ cột kinh tế trong từng gia đình Việt Nam” - bà Oanh nói.
Bà Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Nội - Amsterdam đề xuất nên có chế độ ưu tiên đặc biệt để thu hút nam sinh viên học sư phạm để tránh được nguy cơ vắng bóng thầy giáo trong trường học. Trong ảnh: Giảng viên trẻ Lại Tiến Minh - ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Nâng lương giáo viên thì mới thu hút được sinh viên giỏi
TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên - Bộ GD-ĐT cho rằng: Bước “đột phá” trong xây dựng đội ngũ giáo viên đó là chính sách ưu đãi về lượng (và phụ cấp) và chính sách thực sự khuyến khích học sinh giỏi vào học sư phạm, nhất là vùng thiếu nguồn tuyển sinh. “Nếu học sư phạm ra chắc chắn được sử dụng thì có thể tin chắc là nguồn vào sư phạm sẽ được khơi thông mạnh mẽ. Nếu học bổng bằng lương giáo viên tập sự thì càng đảm bảo nguồn tuyển dồi dào và có chất lượng. Từ đó có cơ hội tuyển HS khá và giỏi vào học sư phạm” - TS Dụ nêu ý kiến. Về chính sách tiền lương giáo viên, theo TS Dụ, phải thực sự được coi là giá cả sức lao động. Trả lương theo việc, không trả lương theo người. Đổi mới tiền lương phải đổi mới tương ứng và đồng bộ với các chính sách có liên quan. Phải đưa vào kết cấu tiền lương đầy đủ các yếu tố nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các phụ cấp. TS Dụ đề nghị: “Phải rà soát lại kĩ lưỡng và tổng kết đầy đủ việc phong tặng các “danh hiệu” có liên quan đến nhà giáo. Hoàn thiện các quy định, các tiêu chuẩn của mỗi danh hiệu giáo viên “dạy giỏi”, NGƯT, NGND trước yêu cầu đổi mới. Bảo đảm người thầy có các danh hiệu là người có đạo đức, có tài năng sư phạm, thực sự là người để lại những ảnh hưởng tốt đẹp, sâu xa đối với các thế hệ HS của mình”. Về khía cạnh đào tạo đội ngũ giáo viên trẻ, PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên cho biết, tốc độ tiến bộ nghề nghiệp của giáo viên ngày nay cao hơn rất nhiều. Giáo viên trẻ chỉ cần 2 - 3 năm dạy học đã có tể trở thành người giỏi nghề nếu học muốn và tích cực phấn đấu. “Vấn đề của giáo viên trẻ không ở trí tuệ, năng lực sư phạm – điều này có thể bù đắp qua thời gian. Nhưng ở họ có điều chưa ổn là động lực làm việc tuy mạnh mẽ nhưng có hơi hướng vị kỉ và tình cảm đạo đức với nghề chưa thật trong sáng, có khuynh hướng thực dụng và cạnh tranh khá mạnh mẽ. Xét đến cùng giỏi nghề là động cơ tốt, giỏi để sống giàu sang và có quyền lực cũng đúng. Song lợi ích của học sinh và cộng đồng phía sau các em đang cần các thầy cô giáo trẻ nhiều hơn thế. Cho nên cách quản lí là quyết định. Cần có sự cạnh tranh, vừa cần có môi trường đạo đức tốt trong nhà trường” - PGS Quang nhận định.
(Theo Dân trí)