Ông Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, năm 2012, Việt Nam có hơn 106.000 học sinh, sinh viên du học nước ngoài, con số này năm 2010-2011 là hơn 98.000. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, hơn 106.000 người du học trong năm 2011-2012 có khoảng 35% (35.900 người) đang theo học tại các nước châu Á.
Ông Giang mô tả: "Bình quân một suất học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 10.000 - 15.000 USD/năm và nhân con số này với số người đang học tập ở nước ngoài sẽ thấy mỗi năm Việt Nam phải chuyển ra nước ngoài ít nhất 1-1,5 tỷ USD". Đây mới chỉ là cách tính trung bình, chi phí thực tế có thể còn cao hơn.
Tại Mỹ, tổng chi phí cho mỗi năm học dao động từ 40.000 USD/năm tới 100.000 USD/năm tùy từng khu vực. Tại Anh, học phí ước tính trung bình 6.000 - 9.000 bảng Anh/năm học. Ở Canada chi phí học tập và sinh hoạt phí không thể thấp hơn từ 10.000 - 14.000 CAD/năm học. Nếu học tập ở Trung Quốc, điển hình như trường Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung, Vũ Hán, Hồ Bắc, mức học phí đối với chuyên ngành Khoa học Xã hội bậc đại học là 15.700 tệ, thạc sĩ là 18.000 tệ/ năm, với chuyên ngành Khoa học Tự nhiên là 27.000 tệ; thạc sỹ là 27.000 tệ.
Là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng các ông bố, bà mẹ Việt không ngại chi trả cho việc du học của con em.
Nhìn vào mức chi phí này với mức thu nhập bình quân của người Việt hiện nay thật chênh lệch. Năm 2012, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.600 USD, chỉ bằng 1/6 lần chi phí du học trung bình một năm. Bạn Võ Mạnh Hà, du học sinh khoa Tiếng Trung cho biết, nếu tính theo mức thu nhập trung bình của người Việt Nam, du học là khá đắt. Ngoài học phí, bạn sẽ phải chịu thêm các khoản như lệ phí sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm, sách vở... Nếu bạn du học tự túc, con số này sẽ nhân lên gấp đôi, gấp ba.
Để giảm bớt chi phí du học, bài toán được nhiều du học sinh chia sẻ là tìm hiểu kỹ thông tin các trường từ website, hội sinh viên tại nơi cần đến. Du học sinh tự nấu ăn thay vì mua đồ ăn sẵn, luôn mang theo mì gói để... cứu đói tạm thời. Một cựu du học sinh tại Nantes Pháp nhận xét: "Đi chợ mua thực phẩm về nấu nướng có khi còn rẻ hơn ở Việt Nam vì người Pháp không hay dùng những thực phẩm mà người Việt ưa chuộng".
Trao đổi đồ đạc cũng là một hình thức truyền thống tiết kiệm của du học sinh, giao lưu từ nồi cơm điện đến bát đũa, lò vi sóng, giáo trình, tài liệu học tập. Săn sách giá rẻ trên website như abebooks, jscampus, sellstudentstuff, và cả trên Amazon hay eBay là cách mà nhiều du học sinh vẫn thường làm.
Lê Đức Thuận
(Theo Ione)