PV: Lời đầu tiên, xin chúc mừng chị đã chính thức trở thành một tân sinh viên của Đại học Dartmouth! Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận kết quả được không ạ?
Hải Ly (HL): Lúc đó là khoảng sáu giờ sáng, vì trước hôm đó chị đã đỗ một số trường ưng ý nên mở thư với tinh thần khá thoải mái. Thế mà lúc mở ra cảm giác vẫn cực kì bất ngờ không thể tin được vì thật ra chị đã nộp hồ sơ đợt sớm (Early Decision) Dartmouth nhưng trường lùi quyết định trúng tuyển của chị đến đợt nộp hồ sơ tiêu chuẩn (Regular Decision), nghĩa là một thời gian dài không dám hi vọng gì nhưng đến cuối cùng chân lí “chờ đợi là hạnh phúc" lại hiệu nghiệm.
PV: Được biết, quá trình viết luận là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất đối với bất kì ai đang chuẩn bị hồ sơ du học. Vậy, chị có thể “bật mí" một vài điều về bài luận cá nhân của mình được không ạ?
HL: Bài luận chính của chị về chính con người chị trong phòng thí nghiệm, ở câu lạc bộ tranh biện, tổ chức trại hè, hội chợ khoa học, diễn thuyết ở các cuộc thi. Qua những phân cảnh quen thuộc đó chị cố gắng lột tả hết tính cách và thiên hướng của bản thân. Chị may mắn vì có counselor (người tư vấn) định hướng cách viết và cùng chị đi qua rất nhiều bản thảo mới đến được bản hoàn chỉnh cuối cùng. Bài luận phụ cho Dartmouth chị viết về nữ giáo sư Jane Hill của trường, cô đang nghiên cứu trong cùng lĩnh vực chị đam mê. Chị xem rất nhiều video phỏng vấn cô để viết sao cho phù hợp và còn lồng thêm một số thực trạng nữ quyền trong văn hoá, xã hội Việt Nam hiện đại để thể hiện tiếng nói của bản thân.
PV: Tại sao chị lại chọn theo học tại Đại học Dartmouth và chị sẽ theo đuổi ngành học nào ở đây ạ?
HL: Mùa nộp hồ sơ du học này chị thấy biết ơn vì bản thân thật sự rất may mắn. Chị đã từng nghĩ nếu kinh tế của gia đình không cạnh tranh thì kết quả là sẽ có ít lựa chọn tốt hơn. Nhưng thực tế lại cho thấy không nhất thiết phải như vậy. Trong số các trường nhận chị có Amherst, Colby, và Dartmouth đều là top-choice (sự lựa chọn hàng đầu) của chị và rất hào phóng. Colby còn cho chị danh hiệu Pulver Scholar (mỗi khoá họ chọn 10 người năm nhất) để làm nghiên cứu tại các viện khoa học quốc gia ở Mỹ, một cơ hội chị đam mê và khát khao ngay từ khi đặt chân lên con đường này. Nhưng đến lúc đỗ Dartmouth thì tất cả những lí do chị quyết định nộp hồ sơ đợt sớm ngôi trường này ập về, sau đó các anh chị khóa trên ở Dartmouth còn nhắn tin chúc mừng làm chị cảm giác rất có “tinh thần trường" như trường Ams của mình nên đã “chốt hạ" đây sẽ là nơi mà mình thuộc về! Sau đó chị cũng hỏi thêm nhiều người về cơ hội học tập, làm việc ở Dartmouth, nhưng càng tìm hiểu thì càng đam mê chứ thật sự không tìm được điểm trừ nào cả.
Chị dự định học Biomedical Engineering (Kỹ thuật Y Sinh) nhưng cũng sẵn sàng đón nhận thay đổi trong tương lai. Ở Dartmouth đến năm thứ hai sinh viên mới chính thức chọn ngành và họ cũng rất linh hoạt trong sở thích học thuật của sinh viên, mà chị thì thích tìm tòi thêm nhiều thứ nên chị xác định sẽ mở mang tầm mắt trên nhiều lĩnh vực.
PV: Chị có thể chia sẻ thêm về những khoảng thời gian khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ du học được không ạ?
HL: Khó khăn nhất chắc là càng giai đoạn cận kề mùa nộp hồ sơ, khoảng hè lớp 11 vì lúc đó mọi việc chồng chất lên nhau và dù đã cất công chuẩn bị mấy năm liền nhưng chị luôn cảm giác “chưa được đầy đủ". Lúc đó chị vẫn thi chứng chỉ, vẫn lăn xả làm hoạt động ngoại khoá, và bắt đầu chật vật tìm ý tưởng viết luận. Chủ yếu là do tâm lí bản thân hoang mang và áp lực từ bạn bè (thực sự ai cũng có thế mạnh riêng, bản thân tự nhủ không thể so sánh nhưng vẫn luôn nghĩ về nó). May mắn là chị có những người bạn chân thành và cùng chí hướng với mình, chuyện gì cũng chia sẻ được, có người cùng cố gắng thì mình cũng có động lực hơn. Mẹ chị cũng tâm lí nữa, chuyện trường lớp đều hay kể với mẹ, một người luôn giúp chị đưa ra quyết định đúng đắn. Rồi đến lúc đợi kết quả các trường gần như đêm nào chị cũng thức trong lo lắng nhỡ có email còn phản hồi. Thời gian này cô giáo chủ nhiệm của chị là cô Lê Thị Ngọc Hà luôn hỗ trợ chị mỗi khi bên trường cần thêm thông tin, cô còn đưa ra nhiều lời khuyên về định hướng trong tương lai để chị đỡ lo và đưa ra một kế hoạch hợp lí dù kết quả có thế nào.
Chị Hải Ly (người đội mũ đỏ) cùng bạn bè trong bộ ảnh kỉ yếu của lớp Hóa 1 niên khóa 17-20
PV: Cuối cùng, chị có lời khuyên gì gửi tới các em Amsers khóa 18-21 sẽ nộp hồ sơ du học năm sau không ạ?
HL: Nếu được làm lại chị mong mình thả lỏng về vấn đề tài chính hơn và tập trung vào bản thân hơn nữa. Mọi người luôn đặt ra một mức chi trả nhất định và nói rằng phải vượt qua nó cơ hội mới cao. Cứ cố hết sức mình để đạt được mục tiêu chứ cũng không cần quan tâm những việc xung quanh khác. Chị quen rất nhiều người giỏi nhưng kết quả lại không như mong muốn, chị luôn muốn nói với bạn mình là họ ở đâu cũng sẽ tuyệt vời thôi nên đừng suy nghĩ. Điểm chuẩn hoá, thành tích, hoạt động ngoại khóa, bài luận, hay trường em đỗ sẽ không quyết định điều gì nhiều. Quan trọng vẫn luôn là bản thân kiên trì theo đuổi mục tiêu dù tương lai có thể nhận lại gì đi chăng nữa. Qua quá trình nộp hồ sơ du học chị thấy trường chọn mình nhiều hơn là mình chọn trường và tất cả mọi chuyện xảy ra đều có lí do nên luôn phải suy nghĩ tích cực.
PV: Cảm ơn chị vì đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn với Ams Wide Web ngày hôm nay. Ban biên tập xin chúc chị luôn luôn giữ được ngọn lửa đam mê và tiếp tục thành công trong cuộc sống!
Chị Hải Ly tại trại hè khoa học Science Camp của câu lạc bộ Society of Open Science
Chị Hải Ly (ngoài cùng bên trái) cùng câu lạc bộ Society of Open Science tại triển lãm khoa học Science Fair
Trích lược thành tích của Amser Nguyễn Hải Ly.
Thành tích học tập.
Thành tích hoạt động ngoại khoá.
Phó Chủ tịch câu lạc bộ khoa học Society of Open Science.
Trưởng ban Sự kiện câu lạc bộ tranh biện Puzzles Ams.
Thành viên dự án nữ quyền Muse Exhibition.
Trường Đại học Dartmouth được thành lập năm 1769, trước cuộc Cách mạng Hoa Kỳ. Trường có khuôn viên ở vùng New Hampshire. Dartmouth là một trong tám thành viên của khối trường Ivy League danh tiếng. Theo US News, Đại học Dartmouth thuộc top 12 trường Đại học tốt nhất Hoa Kỳ với tỉ lệ trúng tuyển rất thấp, chỉ 8%.
Hơn 164 sinh viên Dartmouth tham gia phục vụ cho Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực văn học và báo chí, Dartmouth đã đào tạo nên tám người giành giải Pulitzer. Dartmouth còn có ba cựu sinh viên đã nhận giải Nobel.
PV viết: Phạm Minh Anh - Văn 1821
Ảnh: Nhân vật cung cấp