Có thể kể tới Hồ Đình Duẩn, Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, Ngô Phú Thanh, Nguyễn Văn Lượng, Hoàng Ngọc Chiến.
Tháng 9/1976, ở cố đô Huế, Ty Giáo dục tỉnh Bình Trị Thiên - tỉnh vừa thành lập do kết hợp 3 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình - tiếp nhận giáo viên mới.
Ấy là nam thanh niên da ngăm đen, mặc sơ mi trắng thả trong quần jean’s xanh, có họ tên Trần Văn Khải. “Anh từ Sài Gòn chuyển về Huế à?” - Trưởng phòng Tổ chức hỏi vậy. Trần Văn Khải đáp bằng giọng Hà Nội: “Thưa không ạ. Em đến từ Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Vinh”.
Dạy và học in ít
Chào đời vào thứ Bảy, nhằm ngày 16/2 năm Giáp Ngọ tại Hà Nội (20/3/1954), Trần Văn Khải là trưởng nam, trước có 1 chị, sau có 4 em. Năm 1968, lúc sơ tán đến tỉnh Nam Hà, Trần Văn Khải thi học sinh giỏi Toán lớp 7 toàn miền Bắc, đoạt giải 3, nên được chuyển vào lớp 8 chuyên Toán K4 Trường Đại học Sư phạm Vinh, Nghệ An. Rồi năm 1972, Trần Văn Khải thi đỗ vào Khoa Toán K13 Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Cựu học sinh chuyên Toán K4 và cựu sinh viên Khoa Toán K13 Trường Đại học Sư phạm Vinh hồi tưởng: Khải lười phát khiếp, năm thì mười họa mới tắm gội, chẳng bao giờ chải tóc, học nhiều môn mà mỗi niên khóa chỉ lận lưng độc nhất tập vở nháp.
Thế nhưng, Khải thông minh nên học giỏi, tất nhiên toán. Có những bài toán khó, Khải dành thời gian dài suy nghĩ những phương án giải quyết khác nhau. Khải còn mê đá bóng, hút thuốc lá, uống rượu bia, đọc thơ và sáng tác thơ, nổi trội hơn hẳn là mê… gái. Thêm điều nữa, kết bạn với ai rồi thì Khải chơi đẹp, bền.
Năm 1975, tại thị xã Đồng Hới, thủ phủ tỉnh Quảng Bình, Trần Văn Khải – sinh viên khoa Toán – kết hôn với nữ giáo viên Ngữ văn cùng tuổi là Lê Khắc Chân Như.
Năm 1976, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trần Văn Khải trở thành giáo viên khối chuyên Toán Trường cấp III Quốc Học - Huế. Năm sau, 1977, giáo viên Lê Khắc Chân Như cũng chuyển về Huế quê nội, dạy Trường Quốc Học.
Lúc đó, vợ chồng đã sinh con trai đầu lòng Trần Lê Vinh, được bố trí ở nhà công vụ trong khuôn viên trường. Tại nhà công vụ xinh xắn kia, thầy Khải toán cùng cô Chân Như văn tiếp tục “tăng gia sản xuất” thêm 2 trai nữa là Trần Lê Văn và Trần Lê Quang.
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, trong hàng ngũ giáo viên “chi viện” vào miền Nam, Trần Văn Khải là một trong những tài năng xuất sắc và độc đáo từ trình độ chuyên môn đến… ngoài chuyên môn, từ phương pháp sư phạm đến phong cách sống.
Các giáo viên “lưu dung” tức ở miền Nam từ trước được tiếp tục giảng dạy sau tháng 4/1975, môn Toán, đều khen: Hầu hết bài toán sơ cấp, trong các lĩnh vực hình học, số học, đại số và tổ hợp, kể cả những đề khó khăn hiểm hóc, Trần Văn Khải giải đúng mà nhanh.
Giáo viên Trần Văn Khải chưa hề soạn giáo án, nhưng lên lớp là tay vun vút viết lên bảng và giấy, miệng ào ào nói:
“Học, học nữa, học mãi hả? Đại đúng. Nhưng học in ít thôi”. “Học sao là in ít, thưa thầy?” - Nghe học trò thắc mắc, giáo viên Trần Văn Khải cười: “Học thì có thi thố. Học in ít đủ để thi đoạt giải quốc gia và quốc tế, nhé”.
Học sinh chuyên Toán nhiều lứa đều nhớ rằng được thầy Khải rèn luyện thì luôn thoải mái “nghỉ giải lao” xêm xêm 1/3 tổng số tiết. Nhưng kết quả học thể hiện qua thi cử thế nào? Cao ngất ngưởng. Đây, lực lượng “đại đệ tử” của nhà giáo Trần Văn Khải đoạt Huy chương Đồng (HCĐ), Huy chương Bạc (HCB), Huy chương Vàng (HCV), trải các kì Olympic Toán học Quốc tế / International Mathematical Olympiad (IMO) với năm và nơi tổ chức:
Ảnh chụp tại TP Đại Điền: Nhị vị nhà giáo Toán Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam là Trần Văn Khải và Phùng Thị Kim Dung (trưởng đoàn) đưa học sinh Việt Nam sang Hàn Quốc dự KIMC 2014.* IMO 1978, Bucharest, Bulgari: Hồ Đình Duẩn (HCĐ).
* IMO 1979, London, Anh: Lê Bá Khánh Trình (HCV và giải đặc biệt - tính đến nay vẫn là giải đặc biệt duy nhất mà đoàn Việt Nam có được).
* IMO 1982, Budapest, Hungari: Lê Tự Quốc Thắng (HCV).
* IMO 1982, Budapest, Hungari: Ngô Phú Thanh (HCB).
* IMO 1983, Paris, Pháp: Nguyễn Văn Lượng (HCB).
* IMO 1983, Paris, Pháp: Hoàng Ngọc Chiến (HCĐ).
“Tổng kết thi đua” ngành Giáo dục thế này: Trong lẫn ngoài khối chuyên, muốn gặt hái thành quả “thượng hảo hạng” cần phối triển nhiều yếu tố đồng bộ, mà quan trọng hàng đầu là 4 “hạng mục” gồm chương trình ưu việt, phương pháp đào tạo xuất sắc phù hợp, thầy cô giỏi, học trò giỏi - nhà giáo Trần Văn Khải đúc kết.
Dạy xong, nhà giáo Trần Văn Khải khoác áo quần và thắt giày cầu thủ, ra sân đá bóng dẫu nắng hay mưa; sau đó, nhậu và nhậu.
Thân phụ của TS Lê Bá Khánh Trình là PGS.TS.NGƯT Lê Bá Nhàn (bảo vệ thành công luận án TS vi sinh học tại Đại học Freiburg ở Tây Đức năm 1971) cho biết: Gia đình chúng tôi từng mời nhà giáo Trần Văn Khải dùng bữa.
Chuyện vãn, thầy Khải chứng tỏ chẳng những cực kỳ… chuyên toán, mà còn hiểu biết về vật lí, hóa học, văn chương, mĩ thuật, lịch sử, tôn giáo, thể thao,v.v.. Riêng đề tài đạo Phật ở Huế nói riêng, Việt Nam nói chung, thầy Khải trình bày rành mạch, cuốn hút.
Giáo viên Trần Văn Khải đọc nhiều sách báo đề cập vô số chủ đề, ít khi ghi chép (ngoại trừ chép thơ hay vào sổ), nhưng trí nhớ thì “siêu quần bạt… áo”:
“Hiện bao nhiêu giáo viên Ngữ văn bậc trung học thuộc Truyện Kiều nhỉ? Chưa thống kê, tuy nhiên phán đoán khả tín rằng số lượng rất ít, có thể xấp xỉ… zéro. Tớ, giáo viên Toán nhé, vẫn ro ro 3.254 dòng của Nguyễn Du, từ đầu đến đuôi:
Trăm năm trong cõi người ta,
Mua vui cùng được một vài trống canh.
Vào tháng 12/1974, thuở sinh viên, Trần Văn Khải từng sáng tác bài thơ “Hai trăm năm, Kiều” gồm 3 khổ, mỗi khổ gồm 4 dòng lục bát, trích khổ kết:
Hai trăm năm lệ còn rơi,
Hai trăm năm vẫn mệnh, tài đau thương.
Sông này hay chính Tiền Đường?
Kiều ơi! Một kiếp đoạn trường… Kiều ơi!
Thành công của nghề sư phạm
Tháng 9/1991, Trần Văn Khải cùng gia đình chuyển ra Thủ đô. Giảng dạy khối chuyên Toán tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ đó đến tháng 4/2019, thầy Khải nghỉ hưu. Nhà giáo Trần Văn Khải kể: Tuy gọi THPT nhưng trường Ams có cả THCS nữa. Nhờ thế, trường Ams được đại diện Việt Nam tham dự IMC từ năm 2011 đến nay.
IMC do tắt hóa cụm từ tiếng Anh International Mathematical Competition chỉ cuộc thi toán học quốc tế dành cho 2 khối học sinh lớp 6 - 7 & 8 - 9. Năm 2014, cuộc thi này tổ chức ở Daejon / 대전/ 大田 / Đại Điền là TP lớn thứ 5 Hàn Quốc từ ngày 21 đến ngày 26/7, do đó gọi Korea International Mathematical Competition 2014 / KIMC 2014.
Tham gia KIMC 2014, đoàn Việt Nam gồm 10 thầy cô, có giáo viên Trần Văn Khải, và 20 học sinh chia làm 5 đội gồm 2 đội Junior (khối 6 - 7), 3 đội Senior (khối 8 - 9). Thầy Khải kể về chuyến xuất ngoại đầu tiên và duy nhất: “KIMC 2014 có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài, tha hồ giao lưu. Tất nhiên, khoái nhất là trực tiếp tìm hiểu cảnh sắc, con người Hàn Quốc, chủ yếu ở Đại Điền.
Riêng việc nếm đặc sản xứ sở kim chi, càng mở rộng hiểu biết và khẩu vị. Trong khuôn khổ cuộc thi thì khắp nơi đều treo biển “Nót Xmô-kin” (Not Smoking / Cấm hút thuốc), lại là khoản khiến tớ “run như run thần tử thấy long nhan” (Hàn Mạc Tử) vì… chịu hết xiết!”.
Báo Văn Nghệ số 48 (26/11/2005) đăng bài “Cần trao tặng huân chương lao động cho những thầy giáo như thế”. Từ Đức Hòa, tác giả bài báo, đề xuất 2 thầy giáo toán là Trần Văn Khải ở Hà Nội và Lê Văn Hùng ở Quảng Bình.
Sau khi nghỉ hưu, Trần Văn Khải dự định vào Sài Gòn giảng dạy tại một số “lò”. Nhưng kế hoạch kia chẳng thể thực hiện vì y tế phát hiện nhà giáo chuyên Toán này lâm bạo bệnh.
Được y bác sĩ phối hợp gia đình tích cực điều trị ung thư suốt thời gian dài, Trần Văn Khải đã trút hơi thở cuối trong nhà riêng ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, lúc 5 giờ 56 phút sáng thứ Sáu 28/8/2020, nhằm mùng 10 tháng 7 năm Canh Tý, hưởng thọ 67 tuổi. Sau hỏa thiêu, di cốt của nhà giáo Trần Văn Khải, pháp danh Phúc Thiện, được gia đình an táng tại quê ngoại là nghĩa trang Đường Chùa, thôn Tường Loát, xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Nhận hung tin giáo viên Trần Văn Khải từ trần, bà con, đồng nghiệp và học sinh nhiều thế hệ liền tề tựu về Hà Nội dự lễ tang, những người ở xa không đi được (chủ yếu vì phòng, chống đại dịch Covid-19) đành nghẹn ngào vĩnh biệt tại chỗ.
Điều ấy gợi nhớ lời nhà giáo Trần Văn Khải: Với thầy cô giáo, thành công rất đáng quý là giảng dạy học trò đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế, nhưng thành công lớn nhất chính là được học trò tin yêu.
Theo báo Giáo dục Thời đại