Vị trí người thầy có còn như xưa?
PV: Thưa ông, ông nghĩ thế nào về vai trò của nghề dạy học trong xã hội hiện nay?
NGƯT Nguyễn Tiến Đoàn: Trong cuộc sống, nghề nào có ích cho xã hội, cho con người đều là nghề cao quý. Mỗi nghề có sản phẩm khác nhau. Với nghề dạy học, sản phẩm là con người có học thức. Người xưa nói “nhân bất học, bất tri lý”. Chỉ có con người có học mới có tri thức, có khả năng giúp mình, giúp người, giúp đời, đóng góp vào sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc. Đó là vai trò to lớn của nghề dạy học.
Nhờ giữ vai trò to lớn trong sự nghiệp trồng người, người thầy luôn có vị trí cao trong các lớp học trò. Người xưa nói “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), lại nói “quân – sư – phụ”, ý nói trọng người thầy giáo hơn cha. Ngày nay, ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) được toàn xã hội biết đến từ lâu, là minh chứng cho sự quan tâm và ghi nhận của nhà nước và nhân dân đối với công lao của các nhà giáo.
Toàn quốc hiện có khoảng 1,7 triệu giáo viên. Riêng Hà Nội có hơn 88 nghìn thầy cô giáo. Ở nước ta, trẻ em nào cũng được đi học, phải đi học. Chính vì thế người thầy có ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Dạy học còn là một trong những nghề đòi hỏi người thầy phải gương mẫu thì mới dạy được người khác nghe theo. Chính vì vậy, người thầy luôn được học trò kính trọng, CMHS tôn trọng, xã hội tôn vinh.
NGƯT Nguyễn Tiến Đoàn
PV: Nhưng hiện nay, học sinh có vẻ không hào hứng thi vào các trường sư phạm. Không ít người, thậm chí là các nhà giáo cho rằng người thầy không còn được kính trọng, coi trọng như trước. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Đúng là hiện nay có nhiều bạn trẻ e ngại không muốn thi vào các trường sư phạm. Vị trí của người thầy trong xã hội cũng khác trước. Tuy nhiên, ta cần phải hiểu rằng mỗi thời kỳ phát triển lại có những đặc điểm riêng. Ngày xưa thầy giáo rất hiếm. Cả làng mới có một ông đồ. Còn hiện nay, trong một làng có nhiều người đỗ đại học. Số người có học vấn cao không ít. Thậm chí, nhiều CMHS có trình độ cao hơn thầy cô giáo của con em họ. Vì vậy, mối quan hệ giữa các tầng lớp trong xã hội không giống như trước nữa. Cũng cần nói đến sự thiếu toàn vẹn của một số thầy cô, ví dụ thầy như “thợ” dạy, có hành vi không xứng đáng trước các trò… làm cho mối quan hệ thầy trò không thiêng liêng như trước, làm giảm phần nào sự kính trọng với người thầy.
Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đang tác động rất mạnh mẽ tới cuộc sống của người thầy hiện nay. Thầy đồ ngày xưa dạy chữ “thánh hiền” nhiều khi không thu tiền. Ngày nay nhiều giáo viên dạy thêm, thậm chí ép HS học thêm để có thêm thu nhập. Vì thế, giá trị tốt đẹp của việc dạy chữ cũng khác đi, có phần nào đó mang tính thương mại, trao đổi.
PV: Vậy người thầy phải làm sao để giữ được vị trí của mình trong xã hội hiện nay, thưa ông?
Ta phải khẳng định rằng, trong xã hội hiện nay vẫn có rất nhiều người thầy được học sinh kính trọng, xã hội tôn vinh bởi vì họ hoàn thành tốt sứ mệnh cao quý của mình. Những người thầy ấy có đủ cả 3 yếu tố: Phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi và phong cách đẹp. Phẩm chất tốt bao gồm phẩm chất đạo đức, phẩm chất công tác. Giỏi chuyên môn ở đây là có khả năng dạy được trò, dạy kiến thức, phương pháp, đạo lý làm người. Giỏi chuyên môn là còn phải có kiến thức xã hội sâu rộng. Ví dụ khi dạy ở Hà Nội phải hiểu rõ mảnh đất con người Hà Nội. Phong cách đẹp là phong cách mô phạm, sự chuẩn mực trong việc làm, lời nói, và trong đời sống hàng ngày. Giáo viên Hà Nội cũng phải có phong cách thanh lịch, văn minh, nét đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Muốn có được 3 yếu tố đó thì người thầy phải tự học, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, vượt qua những khó khăn thử thách. Một số thầy cô không được tôn vinh như mong muốn vì họ chưa hoàn thành tốt vai trò của mình, chuyên môn chưa giỏi, phẩm chất chưa tốt, phong cách chưa đẹp.
Thời nào cũng có những tiêu cực xã hội tác động vào cuộc sống của người thầy. Điều này là không thể tránh khỏi. Những người nhận thức sâu sắc, có bản lĩnh, có nhân cách thì sẽ giữ được lương tâm của người làm nghề. Nghề giáo là một nghề khó. Phải xác định nghề nào nghiệp ấy giống như việc đã đi tu thì không được uống rượu, đừng để bị những tác động xấu dễ dàng cuốn theo.
Ảnh minh họa
Đừng để ngôi nhà của giáo viên lụp xụp quá
PV: Như ông nói, cuộc sống của người thầy đang bị những yếu tố của xã hội, của kinh tế thị trường tác động. Vậy nhà nước cần có biện pháp gì để giúp họ an tâm công tác?
Làm sao người thầy có thể hoàn thành sứ mệnh của mình, toàn tâm toàn sức chăm lo cho học trò, nhập tâm vào từng bài giảng khi cuộc sống của chính họ còn khó khăn, vướng mắc. Giá trị đồng lương hiện nay chưa đảm bảo được cuộc sống cho họ. Có lẽ bởi thế, ngoài lương, họ phải tìm các nguồn thu nhập khác. Từ đây phát sinh các tiêu cực khi dạy thêm, “làm” thêm… Vì vậy, để giữ hình ảnh người thầy, bên cạnh sự nghiêm khắc của chính bản thân các thầy cô thì nhà nước cần có chế độ thỏa đáng cho họ, nếu chưa nói là nên có ưu đãi đặc biệt cho nghề nghiệp đặc thù này.
PV: Giáo viên trường chuyên được hưởng phụ cấp đứng lớp 70%, đây là mức cao nhất rồi. Thế nhưng, họ vẫn đi dạy thêm. Vậy lương của giáo viên bao nhiêu thì hợp lý?
Phụ cấp cao nhất rồi mà chưa đủ sống thì chứng tỏ vẫn chưa hết chuyện cần bàn. Lương phải trả như thế nào để giáo viên có thể sống bằng lương. Để lớp trẻ hăng hái thi vào sư phạm. Cũng khó nói là tăng bao nhiêu mà cần phải nhìn vào sự tương quan giữa thu nhập của các tầng lớp trong xã hội. Không để nhà giáo nghèo trong khi người làm ở các ngành khác, đóng góp cho xã hội như nhau, lại giầu nghèo khác nhau. Đừng để ngôi nhà của giáo viên lụp xụp quá khi so với các công chức, viên chức khác.
Thực tế hiện nay đời sống của một bộ phận giáo viên đỡ khó khăn nhờ việc dạy thêm. Ở đây, cần thấy rằng, dạy thêm tự nó không có lỗi nếu nó không vụ lợi, nếu học sinh thực sự có nhu cầu chứ không phải bị ép buộc, và giáo viên là người có khả năng thỏa mãn nhu cầu ấy để có thu nhập chính đáng từ sức lao động nghiêm túc của mình. Dĩ nhiên, để việc dạy thêm thực sự lành mạnh, rất cần đến vai trò của quản lý, của tuyên truyền giáo dục. Còn về lâu dài, không nên coi dạy thêm để có thêm thu nhập là cứu cánh của giáo viên. Chúng ta phải tìm cách khác để nâng cao đời sống của tất cả đội ngũ nhà giáo, bởi một thực tế là không phải giáo viên dạy môn nào cũng có thể dạy thêm.
Ảnh minh họa
Người giáo viên giỏi không để chương trình quá tải
PV: Vừa qua, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới nên bắt đầu từ người thầy, từ việc đào tạo giáo viên, ông nghĩ thế nào về quan điểm này?
Thật vui mừng khi Đảng đã có Nghị quyết về đổi mới giáo dục. Trong nhà trường, giáo viên giữ vai trò vô cùng quan trọng. Dù ta khuyến khích học sinh tự học thì vẫn cần giáo viên hướng dẫn, giải hoặc cho trò. Dù coi học sinh là trung tâm thì người thầy vẫn có ảnh hưởng to lớn đến chất lượng giáo dục. Cho nên nói đổi mới giáo dục bắt đầu từ đào tạo giáo viên là đúng nhưng như thế chưa đủ.
Theo tôi, đổi mới phải bắt đầu đồng bộ từ nhiều yếu tố, từ cách nghĩ, cách làm về giáo dục trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng, chế độ chính sách đối với giáo viên. Mà đổi mới đâu có nghĩa là phủ định sạch trơn, là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ mà phải có sự kế thừa và bước đi thích hợp. Tôi cho rằng, để đổi mới thành công phải bắt tay ngay vào hành động ở tất cả với phong cách mới, nói đi đôi với làm, chẳng hạn đừng để một luận điểm rất đúng, rất hay “giáo dục là quốc sách hàng đầu” chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu.
Riêng đối với các nhà giáo, để bắt kịp đổi mới, tham gia và thúc đẩy đổi mới trước hết phải tự đổi mới mình. Không nên chờ và cũng chẳng thể chờ ai đến thay mình, giúp mình đổi mới.
PV: Giáo viên làm sao có thể đổi mới khi còn có những yếu tố níu giữ họ lại. Chẳng hạn chương trình giáo dục quá tải thì làm sao giáo viên có thể dạy tốt được?
Quá tải hay không cần được xem xét từ nhiều khía cạnh. Nếu soạn sách giáo khoa mà kiến thức quá cao đối với lứa tuổi học sinh hoặc nội dung quá dài so với tiết dạy thì đúng là quá tải. Nhưng quá tải có khi còn do hướng dẫn giảng dạy máy móc hoặc do trình độ giáo viên. Cũng một chương trình, nếu giáo viên giỏi biết chọn lọc kiến thức, cách truyền đạt tạo được hứng thú đối với học sinh thì không có cảm giác quá tải. Ngược lại, giáo viên quá lệ thuộc sách giáo khoa, giảng dạy khô khan, buồn tẻ thì cảm giác nặng nề xuất hiện. Có thể ví việc nghe giảng giống như ta thưởng thức chương trình nghệ thuật. Cùng một bài hát, ca sĩ hát hay ta thấy thời gian trôi nhanh. Ca sĩ hát dở ta cảm thấy như tiết mục quá dài. Cảm giác quá tải phụ thuộc rất nhiều vào người thầy và cách hướng dẫn giảng dạy của cơ quan quản lý.
PV: Được biết, ông là chủ biên của các cuốn sách “Sổ tay công tác chính quyền cơ sở” xuất bản năm 1993, “Sổ tay công tác nhà trường” xuất bản năm 2008. Và mới đây nhất là cuốn “Nhà giáo Hà Nội – những điều nên biết” được độc giả đánh giá cao. Ông muốn gửi gắm điều gì từ cuốn sách mới xuất bản?
Biên soạn cuốn“Nhà giáo Hà Nội- những điều nên biết”, nhóm tác giả mong muốn cung cấp những thông tin khái lược, tương đối hệ thống nhằm giúp các nhà giáo hiểu thêm về Hà Nội, về ngành giáo dục, từ đó thêm yêu Hà Nội, thêm yêu nghề nghiệp và làm tốt hơn công việc của mình.
Nếu có điều gửi gắm tới các thầy cô thì đó là mong muốn các nhà giáo hãy dành một chút thời gian đọc và góp ý cho cuốn sách được hoàn thiện hơn để nó có thể trở thành người bạn tin cậy trong quá trình công tác.
PV: Sau những cuốn sách trên, ông đã có ý tưởng nào cho cuốn sách tiếp theo chưa?
Mấy cuốn sách trên đều bắt đầu từ mong muốn đóng góp một cái gì đó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, tôi coi việc biên soạn sách là cơ hội để học tập. Còn sắp tới, thực lòng tôi không dám nói trước điều gì.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo Hanoi.edu.vn)