Là giảng viên chuyên ngành luật Quốc tế, dành nhiều thời gian nghiên cứu về các tổ chức Quốc tế, TS. Nguyễn Toàn Thắng (Đại học Luật Hà Nội) đã gửi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam một vài ý kiến bình luận về đề thi và đáp án môn Lịch sử, khối C.
Nên chăng câu hỏi cụ thể, rõ ràng hơn?
Theo yêu cầu của câu IV.a Phần riêng, thí sinh phải trình bày "Khái quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh từ năm 1951 đến năm 2000". Phân tích kỹ câu hỏi trên, có thể có hai cách tiếp cận:
- Thứ nhất: câu hỏi yêu cầu xác định tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh trong giai đoạn 1951 – 2000. Nếu theo cách hiểu này, thí sinh sẽ phải căn cứ vào mốc thời gian và xác định tổ chức được coi là "lớn nhất hành tinh" trong giai đoạn đó;
- Thứ hai: câu hỏi yêu cầu thí sinh xác định tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh và trình bày quá trình hình thành, phát triển của tổ chức đó trong giai đoạn 1951 – 2000.
Chính sự không rõ ràng của câu hỏi đã khiến nhiều thí sinh băn khoăn trong việc xác định tổ chức nào là tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh. (i)
Nếu lấy thời điểm là năm 1951 và nếu coi đó là gợi ý của đề bài thì có thể xác định tổ chức đó là Liên minh châu Âu (EU).
Theo gợi ý này, câu hỏi tiếp tục được đặt ra: tại sao đề bài lại giới hạn đến năm 2000 mà không phải đến thời điểm hiện tại? Thời điểm này có ý nghĩa gì đặc biệt hơn các mốc phát triển khác của EU? (ii)
Nếu theo cách tiếp cận thứ hai, không trên cơ sở thời gian mà căn cứ vào yêu cầu "lớn nhất hành tinh", dường như tổ chức thỏa mãn điều kiện: hợp tác trên lĩnh vực chính trị - kinh tế và đại diện cho cả hành tinh là Liên hợp quốc (UN).
Có lẽ, yêu cầu xem ra "quá khó" đối với các thí sinh là dựa vào tiêu chí nào để xác định tổ chức "lớn nhất hành tinh".
Đáp án gây tranh cãi
Trong đáp án do Bộ Giáo dục công bố, tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh là EU. Tuy nhiên, đáp án không hề đưa ra giải thích tại sao và dựa vào tiêu chí nào để xác định.
Trong khi đó, đây chính là yếu tố mang tính quyết định để trả lời câu hỏi trên. Các thí sinh chọn UN sẽ rất thắc mắc mà không có câu trả lời: tại sao là EU mà không phải UN. Mặt khác, đáp án sẽ không phân hóa được thí sinh chỉ chọn theo cảm tính và thí sinh thực sự hiểu, phân tích đề bài.
Vậy, trên cơ sở nào để xác định tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh? Không có một tiêu chí thống nhất để làm cơ sở xác định. Về cơ bản, có thể dựa vào phạm vi và mức độ liên kết của tổ chức đó để xem xét.
Về phạm vi: EU chỉ là tổ chức quốc tế khu vực, với 27 quốc gia thành viên. So với các tổ chức khu vực khác như ASEAN thì EU có số thành viên nhiều hơn, nhưng không phải là tổ chức khu vực có số lượng thành viên đông nhất. Tổ chức thống nhất châu Phi (African Union - AU) bao gồm 53 quốc gia thành viên.
Như vậy, EU chỉ đại diện cho châu Âu chứ không thể đại diện cho các châu lục khác và càng không thể đại diện cho cả hành tinh. Trong khi đó, UN là tổ chức quốc tế đa phương, hội tụ 192 quốc gia thành viên trong tổng số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có thể thấy, hầu hết các quốc gia đều là thành viên của UN.
Đó cũng là lý do tại sao tổ chức này được nhiều người biết đến với tính chất là tổ chức đa phương toàn cầu, tham gia vào đời sống quốc tế trên nhiều lĩnh vực và hiện diện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Về phương diện này, không phải EU mà UN mới là tổ chức đại diện, "lớn nhất hành tinh".
Về mức độ liên kết: So với các tổ chức quốc tế khu vực thì EU có sự liên kết chặt chẽ nhất về chính trị - kinh tế. Tuy nhiên, mô hình của EU phù hợp với các quốc gia châu Âu nhưng không thể nhân rộng, đem áp dụng với các khu vực khác như Đông Nam Á (ASEAN) hay châu Phi (AU).
Vì vậy, mặc dù có mức độ liên kết chặt chẽ, EU không thể đại diện cho tất cả các quốc gia. Chỉ có khẳng định: trong số các tổ chức quốc tế khu vực, EU là tổ chức có mức độ liên kết chính trị - kinh tế cao và chặt chẽ nhất.
Càng không thể so sánh giữa EU – một tổ chức quốc tế khu vực với UN – tổ chức đa phương toàn cầu, bởi EU là sự hội tụ của một nhóm quốc gia nằm trong cùng khu vực địa lý, có các điều kiện thuận lợi về văn hóa, chính trị, kinh tế…
Trong khi đó, UN là sự hội tụ của 192 quốc gia ở nhiều châu lục khác nhau, nên phương thức hợp tác giữa hai tổ chức này không thể giống nhau và sự so sánh sẽ trở nên khập khiễng.
UN là tổ chức có sự liên kết chính trị - kinh tế sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới. Lĩnh vực hợp tác kinh tế của UN được giao cho Đại hội đồng (GA) và Hội đồng kinh tế - xã hội (ECOSOC) – hai trong sáu cơ quan chính của UN (tham khảo các điều 62 – 66 của Hiến chương Liên hợp quốc).
Trong hợp tác chính trị, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế thì cơ quan chịu trách nhiệm chính là Hội đồng bảo an (SC).
Cơ quan này được trao quyền lực đặc biệt, cho phép áp dụng các biện pháp, kể cả sử dụng vũ lực can thiệp vào chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia trong trường hợp đe dọa hòa bình, xâm phạm hòa bình hoặc chiến tranh xâm lược (Chương VII Hiến chương UN).
Đây là thẩm quyền riêng biệt của Hội đồng bảo an mà các tổ chức khu vực, bao gồm EU, không thể có. Những tổ chức khu vực chỉ có thể áp dụng các biện pháp vũ trang khi có quyết định của Hội đồng bảo an.
Có thể thấy, sự hợp tác chính trị - kinh tế trong khuôn khổ UN không chỉ ở chiều sâu mà còn được thực hiện trên phạm vi toàn thế giới.
Vì vậy, xét về phạm vi cũng như mức độ liên kết thì tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh không thể là EU với tính chất là tổ chức khu vực mà là UN – tổ chức đa phương toàn cầu.
Ninh Hạnh
Nguồn:giaoduc.net