>> Đại học Princeton danh tiếng gọi tên "Nguyễn Danh Tín"
Qua cuộc phỏng vấn với phóng viên nhóm Website Hà Nội – Amsterdam, Tín đã chia sẻ những kinh nghiệm và quan điểm của mình với việc apply cũng như những hàng trang bước vào Đại học – ngưỡng cửa quan trọng nhất trong đời.
Cảm giác khi biết tin mình được nhận học
Cũng cùng tâm trạng với bao học sinh khác, mùa apply luôn là một giai đoạn rất căng thẳng và quan trọng. Tín chia sẻ : “Hôm đó mình được thông báo từ phía trường Princeton là 3h sáng theo giờ Việt Nam sẽ có kết quả, nhưng khi bật lên phải mất tới 10 phút mà vẫn chưa vào được vì đường truyền mạng khá kém. Có thể nói đó là 10 phút dài nhất của cuộc đời tớ. Rồi lúc biết tin hồ sơ của mình đã được chấp thuận, đó thực sự là những cảm xúc tuyệt vời nhất trong đời, mình và mẹ đã cùng thức tới sáng vì quá háo hức không tài nào ngủ nổi.
“Được nhận là một niềm vui vô cùng to lớn, nhưng theo mình thì dù có thất bại thì cũng chẳng có gì hối tiếc. Cậu biết đấy, apply là một trải nghiệm vừa thử thách vừa lý thú. Thử thách ở chỗ nó vô cùng khó khăn buộc mình phải tự đứng lên khẳng định vị trí của mình, và dù có thất bại thì cũng chẳng có gì đáng tiếc khi ta đã làm hết khả năng ta có. Còn thú vị chính là khi ta được trải nghiệm những điều ta chưa từng thử qua, được gặp gỡ những con người ưu tú, được học hỏi từ họ nhiều điều.”
Quá trình chuẩn bị hồ sơ
Tín bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ tháng 11 năm ngoái và đã vạch ra rất cụ thể từng bước tiến trong kế hoạch chuẩn bị hồ sơ của mình. Bước thứ nhất là TOEFL, bước thứ hai là SAT, và bước cuối cùng là apply.
Ở hai bước đầu, Tín xác định rõ phải hoàn thành nhanh và nhẹ nhàng nhất có thể vì càng thi nhiều sẽ càng tạo cho bản thân cảm giác chán nản, kiến thức sẽ dần không còn tươi mới và kết quả thi sẽ khó có thể được cải thiện. Tín cho rằng, khi chưa hề quen thuộc với những bài thi lạ, nhất là khi nó nắm một vị trí quan trọng như vậy, chúng ta nên cần có sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm. Việc làm này có ba cái lợi. Cái lợi thứ nhất, nó giúp ta có những kiến thức nền tảng, những mẹo khi làm bài thi được đúc kết qua nhiều lần thi của những người đi trước. Thứ hai, ta sẽ có cơ hội được thử sức mình với những đề thi thực tế của những kì thi trước. Cuối cùng, những khúc mắc của ta sẽ được giải đáp rất cụ thể và chính xác.
Phản bác định kiến của mọi người rằng học sinh lớp Toán có khả năng sử dụng ngôn từ không tốt, lối suy nghĩ khô khan, bước cuối cùng khi viết personal statement, Tín khẳng định rằng lối tư duy dù thô cứng hay không thì chỉ cần nỗ lực chau chuốt về câu tứ thì sẽ không có gì đáng ngại.
Những bí quyết đã giúp bạn ấy thuyết phục được văn phòng tuyển sinh
Tín chia sẻ, bên cạnh những yếu tố như điểm số, thành tích ngoại khóa, điều cốt lõi chính là bạn biết nắm bắt thời cơ, chính thời cơ là chiếc chìa khóa mở cánh cửa đi tới thành công.
Qua trao đổi với học sinh cũng như nhà trường, Tín nhận thấy rằng mấy năm gần đây Priceton ít có học sinh Việt Nam và năm nay trường có hứng thú với học sinh Việt Nam, vậy nên khi apply Tín đang nắm một lợi thế.
Thứ hai, Tín lựa chọn apply vào Princeton trong giai đoạn EA. Theo Tín, Princeton là một trường rất danh tiếng và có xếp hạng rất cao, chính vì vậy những người có điểm số và thành tích cao khác có nguyện vọng được vào trường sẽ lựa chọn ED để tăng cơ hội được nhận của bản thân lên. Như vậy, khả năng cạnh tranh sẽ rất cao, dù có được nhận cũng sẽ rất chật vật. Vậy nên, EA là thời gian hợp lý nhất để apply, ít cạnh tranh và cơ hội cũng vẫn cao.
Với lối suy nghĩ chu đáo và thông minh, ngoài việc tìm hiểu về trường qua website, Tín lên những diễn đàn học sinh để tìm kiếm thông tin về những hoạt động cũng như đường lối quản lý của trường. Tín cho rằng, Princeton cũng chỉ là một tập hợp những kẻ xuất chúng, dù sao cũng vẫn là con người, họ cũng muốn những ý tưởng quản lý của họ được học sinh cảm thông và thấu hiểu. Nắm được lợi thế này, Tín đã đề cập nó ngay trong những bài tiểu luận của mình để thu hút trực tiếp sự chú ý của hội đồng tuyển sinh.
Những hành trang du học
Trước mắt, Tín đã bắt đầu tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất như thời tiết khí hậu, ẩm thực, tập quán, tiêm phòng …
Nhưng điều quan trọng nhất chính là học kĩ lại Sử Địa Việt Nam trước khi bay sang Mỹ. Tín nhận định rằng, mỗi du học sinh đều mang theo cả hình ảnh của đất nước mình tới đất nước ấy. Mỗi hành vi cử chỉ của mình đều là một tấm gương phản chiếu cho người khác thấy bản thân đã được giáo dục thế nào, môi trường tác động ra sao.
Cảm ơn Tín về buổi phỏng vấn cũng như những chia sẻ trân thành và hữu ích của bạn. Chúc Tín sẽ đạt được những thành công trong tương lai.
PV: Đức Tùng (Anh2 11-14)