Thầy!
“Thầy!”, thứ âm thanh quen thuộc vang lên mỗi ngày, như một tiếng gọi dành cho những con người ngày ngày đứng lớp dạy học đám trẻ chưa lớn. Với tớ, nó còn là sự trân trọng dành cho nhân cách của những con người tuyệt vời luôn dõi theo tớ suốt ngần ấy năm trời. 3 năm ở Ams, tớ đủ trưởng thành hơn để nhận ra được những mặt tốt và mặt xấu trong một xã hội thu nhỏ, tớ biết phải học hỏi điều gì tốt nhất cho bản thân mình. Ams đã dạy tớ trở thành một con người như bây giờ, và những người thầy chính là những bài học về lối sống và cách nghĩ trong tớ của hiện tại. Nhân cách mới là thứ theo ta mãi về sau, tớ biết ơn những người thầy, vì họ đã tặng tớ điều đó.
Cậu có nhớ không? Những người thầy của chúng mình, đâu ai giống ai, nhỉ? Có người thật chững chạc, lịch sự, luôn khoác trên mình bộ vest kèm đôi giày đen bóng bẩy, cũng có những người thật đơn giản và gần gũi, với chiếc sơ-mi màu đã thành quen mỗi ngày bắt gặp... Còn nữa, cậu có thấy nhiều người trông thật trẻ và đẹp không, với đôi mắt đầy hy vọng và nhiệt huyết, họ lướt nhanh trên những hành lang ở Ams, cũng có những người đã lớn tuổi, với ánh nhìn hiền hậu và đầy ấm áp, thường tựa người vào những bức tường đỏ ngắm đám trẻ chạy nhảy mỗi giờ ra chơi ấy... Tất cả những mảng màu sắc ấy ghép lại tạo nên hình ảnh những người thầy trong chúng mình, họ đến từ những nơi khác nhau, với hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung một trách nhiệm lớn lao, một công việc vĩ đại: rèn giũa những đứa trẻ ở Ams nên người.
Nỗi niềm nhà giáo
Cậu từng tâm sự rằng mỗi tiết học qua đi thật nhàm chán, rằng lượng kiến thức như chất đống mỗi sáng và thật khó khăn để nuốt nổi hết vào đầu. Cậu thường ngủ gục trên mặt bàn trống trơn, im lìm, và không còn quan tâm đến mọi thứ xung quanh nữa.
Đã nhiều lần tớ nhìn sang cậu, rồi ngước lên ánh mắt của người thầy trên bục giảng. Vẫn là sự ấm áp đầy nhiệt huyết ấy, nhưng trong đó phảng phất sự thất vọng. Thầy trách mình, hay trách cậu, tớ nghĩ là cả hai. Bản thân mỗi chúng ta luôn luôn ích kỷ như vậy, luôn đặt cái tôi của mình lên trên hết, luôn sống vì mục đích và kết quả cuối cùng, mà quên mất công sức của những người làm nên chặng đường đó. Kiến thức thật khô khan và khó hiểu, hiển nhiên là thầy biết, tớ nghĩ rằng thầy cũng đang rất cố gắng tìm phương pháp để bài học vào đầu chúng ta dễ dàng hơn, con chữ trở nên đơn giản để nhớ,... Thầy đã cố gắng thật nhiều, nhưng trước sự thờ ơ từ những đứa trẻ, thầy buồn vì mình đã làm chưa tốt điều ấy. Tớ hiểu được phần nào sự vất vả của nghề giáo, nó không còn là sự vất vả tay chân với tập giáo án dày cộp như ngày xưa nữa, nó là sự vất vả về đầu óc, luôn phải thay đổi để thích nghi với từng đề án, từng cải cách mỗi năm, khó khăn hơn là làm thế nào để học sinh chịu học. Vậy đấy, nghề giáo chưa bao giờ là một nghề sung sướng, vậy nhưng nhiều người vẫn quyết định cống hiến cuộc đời cho nó, họ đâu có còn coi lợi ích bản thân là điều kiện tiên quyết, nhỉ?
Chính thế mà tớ thêm trân trọng những người thầy của mình.
Vì Ams là nhà!
Với mỗi học trò, ấn tượng về một người thầy thật khác nhau.
Ngay cả khi tớ kể với cậu về những người thầy của tớ, thì nó cũng chỉ là kỉ niệm của tớ mà thôi.
Tớ không thể khiến cậu thêm yêu quý người này người kia, chỉ bằng những gì tớ trải nghiệm.
Nhưng tớ tin là tớ có thể để lại trong cậu những ấn tượng đẹp về hình ảnh người thầy nơi này.
Với tớ, đó là ấn tượng về những con người tài giỏi và uyên bác, nhưng vô cùng gần gũi và tốt bụng. Tớ vẫn nhớ lắm nét mặt hồ hởi và đôi mắt nhiệt tình của họ khi có đứa hỏi bài cuối giờ, nhớ lắm sự hòa đồng và hết mình trong các hoạt động cùng học sinh, nhớ lắm vẻ lo lắng và giọt nước mắt khi học sinh của mình gặp chuyện... Ở đây, tớ không nhận ra khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, giữa người lớn và trẻ con. Vì chúng ta đều là Amser, đều mang chất Ams trong người, chúng ta dễ dàng gắn kết là điều dễ hiểu. Chất Ams biến những người lớn bỗng chốc hóa trẻ nhỏ, nhưng người thầy cô bỗng chốc hóa thành ông bố bà mẹ, những học sinh bỗng chốc thành những đứa con cần dạy dỗ... Ams bỗng trở thành một ngôi nhà với đầy đủ vai vế, một gia đình hạnh phúc, một chốn thật bình yên dành cho những người đang sống ở đây. Một khi cậu đã là con của Ams, đó sẽ mãi mãi là nhà của cậu, luôn chào đón cậu mỗi khi trở về, mọi lúc.
Ừ, đúng mà, nhỉ? Vì Ams là nhà!
Để lại gì nơi đây?
Thời gian chúng ta ở Ams không còn nhiều.
Cậu từng nói với tớ rằng, còn điều gì đang giữ kín thì hãy nói ra hết đi, để sau này không hối hận. Đúng, tớ còn nhiều điều để nói về Ams lắm. Nhưng với những người thầy, điều tớ muốn nói ra, lại thật khó khăn để thổ lộ.
Rời Ams, tớ muốn để lại một dấu ấn mang hình hài của riêng tớ. Một cách để tớ nhớ về Ams, cũng là một cách để người ta nhớ rằng tớ là một học sinh của Ams. Sự khao khát được khẳng định bản thân đến từ nỗi mong mỏi được thầy cô nhớ đến mỗi lần trở lại, dù là sau 5 năm, 10 năm, 15 năm...và lâu hơn nữa...
Tớ đã học được thật nhiều thứ ở Ams, tớ đã trưởng thành hơn rất nhiều ở nơi đây. Vì thế, tớ không muốn ra đi mà không có thứ gì để lại. Sự biết ơn của tớ dành cho những người thầy ở Ams là vô hạn. Nhưng tớ chưa bao giờ nói ra điều đó, với bất kì ai đang hằng ngày dạy dỗ mình.
Chỉ là một lời cảm ơn, chân thành nhất, gửi tới những nhà giáo nơi đây, nhưng ngôn ngữ thì không đủ mạnh mẽ và sâu sắc để có thể diễn tả được hết tình yêu của tớ, cho những con người ấy.
Sợ rằng, nếu không nói bây giờ, thì sẽ không bao giờ có cơ hội để được nói nữa.
Vậy nên tớ cũng chỉ biết nói một cách đơn giản, nhưng chân thành, bằng trái tim và khối óc của chính mình, thay cho tất cả những tâm tư của một thời tuổi trẻ đẹp đẽ:
“Cảm ơn thật nhiều, những người thầy của con!”
Gửi đến những Nhà giáo Hà Nội-Amsterdam.
Thiên Long Toán 2-1417
Page: Về Ams