Phỏng vấn thầy Hiệu trưởng nhân dịp đầu năm học

By toan | 15 Tháng Ba, 2013

- Trên cương vị là hiệu trường trường Hà Nội - Amsterdam, thầy có thể chia sẻ những nhận định của cá nhân thầy về học sinh trường Hà Nội - Amsterdam - về những điều thầy hài lòng, cũng như những thiếu sót còn tồn tại?

- Trên cương vị là lãnh đạo trường tôi có thể nói rằng học sinh trường Hà Nội- Amsterdam có nhiều ưu điểm vượt trội. Thứ nhất là khả năng tư duy; thứ hai là tinh thần vươn lên trong học tập và tiếp cận với cái mới; thứ nữa là học sinh trường Hà Nội - Amsterdam rất tự tin, mạnh dạn, đặc biệt trong công việc, tổ chức các hoạt động..., ngoài ra khả năng học ngoại ngữ cùng các môn học cơ bản của các em đều rất tốt.

Tuy nhiên cũng có một điều thầy muốn nhắc nhở. Đó là đối với học sinh trường ta - các em được nhà nước tạo điều kiện có được môi trường học tập tốt, cộng thêm sự chăm sóc từ gia đình, vì thế nên trong tư duy và trong suy nghĩ của mình, các em nên nghĩ rằng mình là người may mắn để từ đó hình thành đức tính khiêm tốn. Có thế mới tạo được động lực để phát triển, vươn lên những đỉnh cao mới trong cuộc sống và trong khoa học. Nếu chúng ta cứ mải mê với suy nghĩ rằng vào đây là đủ giỏi rồi và không quan tâm rèn luyện ý thức đạo đức, phấn đấu vươn lên thì sẽ tạo thành thiếu sót lớn. Bên cạnh đó, các em cần tăng cường hơn nữa tinh thần hợp tác, chia sẻ với bè bạn những kiến thức và kinh nghiệm học tập.

Thầy Hiệu trưởng phát biểu trong Lễ khai giảng năm học mới 2011-2012

 

- Học sinh trường Hà Nội - Amsterdam có tinh thần tập thể rất mạnh - tinh thần ấy đã hòa quyện thành linh hồn chung của cá tính đặc biệt rất Amser. Thầy có suy nghĩ gì về điều này và nó có ý nghĩa thế nào với một hiệu trưởng? Thầy có nghĩ  mình hiểu tính cách học sinh trường Hà Nội - Amsterdam không?

- Đương nhiên là ở cương vị hiệu trưởng, tôi và các thầy cô giáo trong trường phải luôn suy nghĩ về những học sinh của mình, phải hiểu được đối tượng rồi mới có những đường lối chính sách, những công tác nhằm phát huy thế mạnh, theo kịp tầm hiện đại của các em. Chúng tôi muốn ngôi trường giống như một xã hội thu nhỏ để vừa nâng cao chất lượng giáo dục đồng thời rèn luyện ý thức đạo đức cho các em.

- Thầy quan niệm thế nào về giáo dục và dạy học? Sự nghiệp học tập của một người có gói gọn trong một thời học sinh?

- Giáo dục và dạy học - 2 khái niệm này vừa trùng lên nhau, vừa phân biệt nhau. Sự nghiệp giáo dục là việc cả đời; còn dạy học là việc các thầy các cô dạy các em kiến thức trong một giai đoạn nhất định nào đó thôi. Nền móng để các em học tập là sự giáo dục của gia đình, xã hội, thầy cô, bạn bè và chính bản thân mình - từ những gì các em cảm nhận được. Vì thế cho nên việc phải thường xuyên trau dồi kiến thức để có vốn kiến thức nền tảng cùng với 1 phương pháp học, niềm say mê học hỏi thì chúng ta có thể học tập suốt đời. Đấy là mục tiêu mà giáo dục đang hướng đến: suy nghĩ, học tập suốt đời!

Thầy đón nhận món quà kỷ niệm từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

- Tuy nhiên phần lớn học sinh và phụ huynh vẫn có suy nghĩ rằng học để thi đỗ đại học là đủ, thầy nghĩ thế nào về điều này?

- Đấy là quan điểm của những người học để đi kiếm việc làm! Quan điểm "học" là để luôn luôn vươn lên, luôn luôn tiến đến đỉnh cao khoa học và để thích ứng cho dù xã hội có những vận động đổi thay, khoa học phát triển đến đâu chăng nữa. Nếu chúng ta không chịu cập nhật các thông tin và kiến thức thì rõ ràng sẽ không thể thích ứng được với xã hội mới. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Học đại học chỉ là học phương pháp", không phải học ĐH xong là xong, mà ta học ĐH là để tạo lập kiến thức cơ bản cho các công dân khi ra đời đi làm việc một cách có phương pháp, có khoa học và để ta tiếp tục học nâng cao. Các em thấy xã hội thay đổi rất nhanh, người không có đủ kiến thức để nhận biết sự nhảy vọt của khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin... rõ ràng sẽ bị lạc hậu, mà lạc hậu thì cuộc sống không thể đảm bảo được sung sướng và không đảm bảo việc trở thành người có ích cho xã hội.

- Đối với sự nghiệp giáo dục (GD) của mình có (những) điều gì thầy tâm huyết nhất và mong muốn hoàn thành nhất? Với trường trường Hà Nội - Amsterdam nói riêng thì tâm huyết ấy thể hiện như thế nào?

- Trong sự nghiệp GD, với cương vị là phó giám đốc sở GD, trước hết phải hiểu về ngành này. Công việc chúng tôi làm hết sức cao quý và nó đòi hỏi các thầy cô giáo trong ngành phải có đóng góp, có tình cảm và phải có sự yêu nghề. Với 1 công tác động chạm đến con người cần phải có tình cảm và phương pháp để giảng dạy cũng như giáo dục các em vừa có kiến thức, vừa có kĩ năng cũng như đức độ trong cuộc sống. Điều thầy tâm đắc với việc làm thầy giáo là cần phải có sự kiên định. Ở trường Hà Nội - Amsterdam, ngoài thông minh, năng động thì bên cạnh đó các em còn rất hiểu động. Các em thông minh nên thầy cô giáo nói các em có thể nhận biết đúng sai rất nhanh. Người thầy giáo dạy những học sinh tài năng cần trau dồi năng lực rất cao để có thể giảng dạy tốt hơn khi các học sinh thế hệ sau càng ngày càng tài năng hơn. Hiển nhiên, bài giảng năm nay phải khác năm trước và chính sách chỉ đạo của trường năm nay cũng khác để chất lượng GD tăng lên.

 

- Vừa là Hiệu trường đồng thời là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - công việc nào chiếm nhiều thời gian của thầy hơn? Cá nhân thầy thích công việc nào hơn?

- Trên cương vị vừa là Hiệu trưởng vừa là Phó Giám đốc Sở tôi nghĩ hai công việc này bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau. Trường Ams đang bắt đầu hình thành và phát triển ở cơ sở mới, vì thế sự quản lí, chỉ đạo và xây dựng các kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường đòi hỏi một tầm vĩ mô rất lớn, những chiến lược rõ ràng mạch lạc. Là phó giám đốc sở nên thầy cũng sẽ áp dụng các chiến lược phát triển theo đúng hướng của ngành và là hiệu trưởng thầy có thể lọc  ra những gì là tinh hoa đặc sắc của trường ta. Hai công việc hài hòa và hỗ trợ lẫn nhau đắc lực để thầy đưa trường Hà Nội - Amsterdam, trong những năm vừa qua lên một tầm cao mới như các em có thể thấy.

 - Đến giờ thầy đã có bao nhiêu năm làm việc trong ngành giáo dục? Thành công lớn nhất mà thầy đã đạt được là gì?

- Thầy làm việc trong ngành giáo dục - đào tạo được 30 năm rồi. Về thành công có thể nói như hiện tại: là một giáo viên, người quản lý; công việc phát triển, được các thầy cô và bạn bè kính mến; các em học sinh ngoan và học tập ngày càng tiến bộ là những niềm vui trọn vẹn và thành công rất lớn với thầy. Còn đối với ngành GD, việc cống hiến để xây dựng 1 thế hệ trẻ vừa có đức vừa có tài là mục tiêu lớn nhất thầy muốn đạt được.

 - Trong năm học mới 2011-2012 trường trường Hà Nội - Amsterdam sẽ có những điểm mới gì (về học tập/hoạt động/nội quy/chính sách/cơ sở v.v...); có gì giống và khác so với (các) năm trước, thưa thầy? Mục tiêu lớn nhất mà chúng ta đặt ra năm nay là gì?

- Năm nay khác hẳn năm trước ở chỗ năm ngoái khi về cơ sở mới, tất cả mọi thứ mới bắt đầu "khởi công" - khởi công ở đây nghĩa là khởi công các phương án quản lí cơ sở mới, quản lí học sinh ở cơ sở đó, cách giảng dạy ở một cơ sở tốt.  Sau một năm chúng ta đều không còn choáng ngợp, mọi ngóc ngách trong trường đều quen thuộc nên năm nay là lúc phát huy tối đa cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng GD, đưa lên một tầm mới bằng các chính sách quản lý mạnh dạn như thầy đã nói. (về nền nếp giáo viên, học sinh; đổi mới phương pháp giảng dạy; chuyển biến việc đào tạo và tăng cường thực hành, giáo dục kĩ năng sống...)

Trường ta có đầy đủ cơ sở vật chất để phát triển thể chất cho các em như sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennis, bóng bàn và bể bơi.  "Học sinh trường Hà Nội - Amsterdam phải biết bơi" - là khẩu hiệu mà thầy đã nói. Học sinh không thể chỉ biết có học mà cần rèn luyện sức khỏe để có thể chất tốt. Học để làm gì? Học để làm việc chứ không chỉ có kiến thức trong đầu. Nếu chúng ta không đưa những kiến thức đó vào cuộc sống thì cũng không thể giúp ích cho xã hội.

 - Ngoài ra còn môn âm nhạc và mĩ thuật thì thế nào, thưa thầy?

- Âm nhạc và vẽ thì hiện nay ở THCS có chương trình rất cẩn thận, đúng không? Còn ở bậc THPT chúng ta có các câu lạc bộ (CLB). Tôi khuyến khích các em tham gia các CLB ngoài giờ trên lớp để biết cả cầm kì thi họa, rèn luyện con người trở nên hoàn thiện.


 

 Thầy có thể kể về những niềm vui, kỉ niệm và những khó khăn có được/gặp phải ở trường Hà Nội - Amsterdam (tính đến giờ) không?

- Tôi có nhiều kỉ niệm với trường nhưng đây chưa phải thời điểm để nói. Niềm vui có nhiều, mà những trăn trở cũng nhiều. Trong những năm đầu về làm việc tôi đã luôn vạch định kế hoạch từng bước làm gì để đi lên từ điều kiện lúc bấy giờ của nhà trường, và cho đến bây giờ tôi đã làm được. Các em thấy trường của chúng ta vừa sạch sẽ mà lại vừa nền nếp. Để phát triển thì không chỉ cần hành động mà cần cả niềm tin. Ban đầu có những điều tôi hoạch địch nhưng chưa hoàn thành được; các thầy cô thì có người hiểu cũng nhiều người không hiểu. Vì vậy, để đạt được mục tiêu là có một ngôi trường xanh-sạch-đẹp; học sinh giỏi giang, năng động cần rất nhiều sự đấu tranh.

- Có lời nào thầy muốn gửi gắm đến học sinh  trường Hà Nội - Amsterdam bây giờ và sau này?

-  Tôi chỉ có một lời đề nghị đối với học sinh trường Hà Nội - Amsterdam: các em là những con người thông minh, tài năng; mong các em phát huy thế mạnh đó và phải khắc phục một nhược điểm là không được ích kỉ. Các em được hưởng sự quan tâm đặc biệt của xã hội, gia đình, thì các em phải có trách nhiệm đối với xã hội, gia đình và nhà trường; tức là phải nỗ lực đóng góp cho cộng đồng. Không phải vì vào được trường Ams mà nghĩ mình là nhất, mà các em hãy suy nghĩ một cách thấu đáo là mình được nhiều thì mình càng phải có trách nhiệm.

 - Xin cảm ơn thầy về cuộc nói chuyện này.

PV: Trúc Quỳnh (Văn khóa 09-12)

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan