Thầy cô trong trái tim Amsers

By toan | 9 Tháng Chín, 2018

Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, cựu học sinh chuyên Sinh nay là giáo viên môn Sinh học chia sẻ về những năm tháng học trò của mình cùng những thầy cô mình yêu mến: “Có lẽ đến khi làm thầy cô mới hiểu hết được tấm lòng của thầy cô…

Ba năm học dưới mái trường Hà Nội-Ams, được các thầy cô giảng dạy, dìu dắt, những gì cô mang theo không chỉ là kiến thức, mà còn có những hình ảnh mà cô ghi mãi ở trong tim. Là hình ảnh thầy Phương dạy Công nghệ lúc nào cũng say sưa hào sảng; thầy Hùng dạy Toán rèn trình bày cho bọn cô rất cẩn thận; cô Huyền Sử cho thi giơ tay giữa các tổ vui lắm, hồi đấy bọn cô học Sử khéo chăm hơn học Sinh; cả thầy Lịch, thầy Hà dạy Địa lúc nào cũng tâm huyết cho dù dưới lớp nhiều đứa chẳng tập trung; cô Dương dạy Lý vừa đáng yêu vừa đáng sợ luôn là hình mẫu giáo viên lý tưởng cô muốn hướng đến mà chưa được.

Hồi đó đa phần đều còn trẻ con, nghĩ chưa tới, cứ nghĩ các thầy cô ép học thật là khổ… Sau này làm giáo viên mới biết thầy cô lúc nào cũng vì học sinh, chỉ muốn học sinh đủ tri thức, đủ kĩ năng để bước vào cuộc sống. Có những điều trước nghĩ không biết để làm gì, lâu dần mới ngộ ra.

Với những ấn tượng đẹp với các thầy các cô, cô lại đăng kí thi vào Đại học Sư phạm, rồi may mắn lại được quay trở lại ngôi nhà Ams, lại làm học trò của các thầy, các cô. Nhưng lần này là học làm thầy, học cách truyền lửa cho các thế hệ Amsers tiếp nối. Cô lại được các thầy cô dìu dắt, chỉ bảo khi mới chập chững vào nghề. Cô mong muốn sau này cũng sẽ để lại những kiến thức và những hình ảnh đẹp trong lòng học sinh giống như các thầy cô của cô vậy.

Trong mấy năm học cấp 3, kỉ niệm cô nhớ nhất về thầy cô lại không phải kỉ niệm đẹp. Hồi ấy còn vô tâm quá, trang kỉ yếu lớp cô lại chẳng có hình cô Hương chủ nhiệm… Hôm phát yearbook, cô Nguyệt Anh dạy Văn mới vào mắng lớp một bài vì quá thiếu sót, thiếu sót không sửa chữa được. Sau đấy, lúc đi ra khỏi lớp, thấy bóng lưng cô Hương đang ngồi một mình trong phòng nghỉ giáo viên. Nhìn dáng cô gầy yếu, cô đơn, chỉ im lặng không làm gì cô thấy buồn và có lỗi vô cùng. Hình ảnh đó mãi sau này cô không quên được… Bọn con có lỗi quá khi trang yearbook thiếu cô, nhưng hình ảnh cô lúc nào cũng vẫn ở trong tim bọn con. Con cũng xin cảm ơn cô Nguyệt Anh, ngoài những lời giảng văn, ngoài những kinh nghiệm cuộc sống, con cảm ơn cô đã dạy bọn con một bài học sâu sắc và nghiêm khắc về lòng biết ơn!”

Cô Nguyễn Thanh Huyền bên giáo viên chủ nhiệm những năm cấp III, cô Trần Thị Thu Hương

Đó là những cảm xúc chân thật từ một người con đã đi và rồi trở lại chính tại mái nhà Hà Nội-Amsterdam của mình. Còn với chị Hồ Thị Mai Trang, cựu học sinh chuyên Lý khóa 1417 nay là du học sinh tại Mỹ, mỗi khi nhớ về những năm tháng bên thầy cô tại ngôi trường Hà Nội-Amsterdam đều mang biết bao nhớ nhung: “Sau 7 năm, được tiếp xúc với rất nhiều thầy cô ở trường, chị thấy rằng thầy cô ở Ams có gì đấy rất đặc biệt. Có thể chị không có quá nhiều lựa chọn để so sánh, vì phần lớn thời học sinh của chị ở ngôi trường này. Nhưng chị biết rằng, chị đã rất may mắn để gặp được các thầy các cô. Từ những thầy cô bộ môn, cho đến các cô chủ nhiệm của chị, rồi có những người chị chỉ học thêm họ thôi, nhưng cũng chị cũng cảm nhận được cái tâm, cái nhiệt huyết của họ qua từng bài giảng, từng lời khuyên không hề ngần ngại.

Nếu nói về kỉ niệm đẹp nhất với các thầy các cô, thì thật khó bởi chị có nhiều kỉ niệm quá. Hồi lớp 9 không có cô chủ nhiệm chắc chắn sẽ không có được chị ngày hôm nay. Lên lớp 10 chị có học thêm tiếng Anh một người thầy sinh cùng ngày với chị và thầy luôn có những câu động lực bằng tiếng Anh tuyệt vời cho chị tiến lên phía trước. Chị vô tình mai mối cho thầy Tiếng Anh lớp 8 của chị và cô Tiếng anh lớp 10 của chị. Mỗi thứ hai và thứ năm chị từng đều mang trà đến cho một cô giáo chị rất quý nhưng lỡ lớp của cô. Lớp 12 chị hay nói chuyện lại với cô chủ nhiệm về những điều chị chưa từng mở lòng cho ai, về lớp, về thời gian, về cuộc sống. Chị cũng  học thêm Văn ở nhà một cô mà chị có thể đắm chìm trong cái không khí ấm cúng gia đình của lớp học 7 người đấy, với rất nhiều sách xung quanh và con mèo bông rất to.

Cái chị muốn nói ở đây là, nếu em hỏi mọi người về một điều gì ở các giáo viên ở Ams, em sẽ được nhận những câu trả lời kiểu thầy cô tận tụy, thầy cô giỏi, thầy cô yêu thương học sinh, ... Những điều hiển nhiên mà ai cũng thấy, và được nhắc lại cả nghìn lần. Nhưng cái đặc biệt nhất của thầy cô ở Ams, đấy có lẽ là thầy cô thật sự trở thành những người bạn (nhưng không ngang hàng) cực kì gần gũi với các em, vì thầy cô cũng xì teen, thầy cô cũng vui vẻ, thầy cô thật sự thấu hiểu, trở thành một phần của sự phát triển của em suốt những năm tháng ở Ams theo những cách tự nhiên nhất. Bây giờ đi xa rồi, đôi lúc chị chỉ muốn về, uống cốc trà, ngồi nhổ tóc bạc, tâm sự và ôm lấy các thầy các cô thật nhiều. Đấy là bến bờ, các em ạ!"

Chị Mai Trang cùng cô giáo chủ nhiệm lớp 12 Lý 2 khóa 1417

Nếu ngày mai sẽ phải rời xa Ams trong biết bao nhung nhớ, luyến tiếc thì với chị Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp chuyên Địa khóa 15-18, những ngày tháng ngắn ngủi bên thầy cô tại Hà Nội-Amsterdam càng khiến chị trân quý thêm tình cảm yêu thương của những người thầy, người cô đã cùng đồng hành trong suốt một chặng đường dài: “Ở Ams bao năm, cũng đã chạm tới cái độ tuổi gọi là “anh chị lớn nhất” thì việc con người chị được hình thành được như bây giờ có thể nói là do chủ yếu những tác động ở Ams. Chị sẽ không nhận là chị thích hết tất cả các thầy cô, chị cũng sẽ không nhận là ai cũng truyền được cảm hứng cho chị nhưng mà chị luôn có sự tôn trọng với tất cả, ít nhất là bây giờ .

Người khiến chị nhớ nhất có lẽ là cô Hoài Thanh, cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của chị. Ngày xưa chị hư kinh khủng, chắc cũng 1 phần do cái tuổi ẩm ương ý. Tính tình chị thì mạnh mẽ, mẹ chị bảo chị ngông nên chị đã làm những việc không được hay, làm tổn thương người khác và ở đây là cô Hoài Thanh. Phải nói như thế nào nhỉ, khi em làm một việc gì đó sai, em làm tổn thương mọi người là một chuyện nhưng mà khi em nhận thức được rõ ràng việc làm của mình lại là chuyện khác. Nó gây ra cảm giác tội lỗi mạnh mẽ và âm ỉ hơn gấp trăm nghìn lần. Nhiều lúc chị chỉ muốn quên nó đi, giấu lẹm nó đi, cái suy nghĩ “không xóa bỏ được lỗi lầm thì hãy coi như nó chưa xảy ra” đã khiến chị nhiều lần không dám nhìn mặt cô mặc dù chị quý cô lắm. Thực ra đến bây giờ chị cũng chưa đủ dũng khí để đến nhà gặp cô 20/11 đâu cho dù chị muốn lắm. Nhưng mà tình cảm thì thật tâm nhé. Nói thế thôi chứ kiểu gì chị cũng phải sửa, chắc là trước khi đi du học, chị sẽ đến nhà cô vì chị nghĩ là rồi mình cũng sẽ phải đối mặt với nó, trốn tránh sao được cả đời. Sự việc đấy có thể nói là đã thay đổi hoàn toàn con người chị, chị chọn cách sống tỉnh táo và điềm tĩnh hơn, bắt đầu với việc trở nên tốt bụng hơn và có thể là tự tin hơn. Chủ tịch HAT, diễn viên GALA, đại sứ AMS, tất cả những danh hiệu mà chị có được, chị phải cảm ơn cô Hoài Thanh đầu tiên vì có thể cô không trực tiếp dạy chị ở năm cấp 3 nhưng cô Hoài Thanh đã tác động rất mạnh mẽ nên bản chất con người chị bây giờ. Chị nhớ rằng vào đêm chung kết NHAT, lúc về nhà mẹ chị có nói lại với chị là mặc dù trời mưa to nhưng mà cô Hoài Thanh và em bé nhà cô vẫn nán lại để xem vì muốn cổ vũ cho chị. Điều này đã khiến chị suy nghĩ khá nhiều. Khi mà cuộc sống xung quanh chị vẫn đang diễn ra, GALA, NHAT, học tập khiến chị quên mất cô, thì mấy năm trôi qua như thế cô vẫn luôn ủng hộ chị. Với chị, nó như động lực vậy. Cô là một người tuyệt vời em ạ, suy nghĩ của chị về cô thì chị xin giữ nhé. Nhưng  chắc chắn chị không phải người duy nhất yêu và biết ơn cô nhiều đến thế.

Khi mà người ta đã chọn con đường trở thành nhà giáo, nắm giữ trong tay thế hệ tương lai của đất nước, trở nên tâm huyết với nghề thì trước hết họ phải là những người vô cùng rộng lượng và cao cả đã, không thì sao chịu đựng được cái dở dở ương ương của học sinh. Tính ra phải ngót nghét 30 năm với nghề, tuần nào cũng đọc quyển sổ đầu bài, đi xin gỡ điểm cho học sinh, nghe các thầy cô bộ môn góp ý về học sinh của mình. Thế mới bảo nghề nhà giáo, bác sĩ là những nghề cao quý, bác sĩ cứu mạng còn nhà giáo thì cứu tâm hồn và tương lai. Càng lớn dần chị càng nhận thức được điều đấy, rằng thầy cô cũng là con người, họ cũng có suy nghĩ và cảm xúc, mình không thể yêu cầu thầy cô lúc nào cũng phải nhẹ nhàng chịu đựng mình được bởi thế thì có phần quá bất công chăng? Nên chị quyết định yêu các thầy cô hơn từng ngày vì em còn 3 năm ở Ams, còn chị chỉ còn 195 ngày, không còn thời gian để mắc sai lầm và để rồi ra trường mới thấy hối hận đâu.”

“Tặng em ảnh đáng yêu của chị, các bạn với “mẹ” Nhiệm này, chị cũng yêu cô Nhiệm lắm, mặc dù cô không hoàn hảo nhưng mà cô trọn vẹn với chị, bây giờ là như thế.”

Giữa muôn vàn những điều háo hức và thú vị đang đón chờ mỗi học sinh trong những tháng năm học trò sắp tới, đôi lúc làm ta bỏ quên những khoảng lặng ấm áp quanh mình. Thầy cô ở Hà Nội-Amsterdam dù không phải là những hình mẫu điển hình nhưng có một điều bất biến chẳng thể nào đổi thay rằng, rồi một mai ta không còn là những cô cậu học trò tình nghịch nữa thì những kỉ niệm cùng thầy cô tại Hà Nội-Amsterdam mãi luôn là khoảng lặng yêu thương và bình yên trong tâm trí chúng ta mỗi khi nhớ về.

PV: Lê Trí Nghĩa - Văn 1720

Ảnh: FB nhân vật

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan