Năm nay, đề thi môn Địa lý khối C có câu hỏi thời sự khi yêu cầu thí sinh "Chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển" và "Các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào".
Thí sinh Học viện Báo chí và Tuyên truyền sau giờ thi môn Địa lý
Vui vẻ vì làm tốt bài thi môn Địa, Thu Trang (thi Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho biết, dù không thích môn Địa lắm nhưng hôm nay em đã viết rất hăng say. "Khi đọc đề thấy có câu hỏi về biển Đông em rất thích. Tối qua khi ôn bài, em đã nghĩ kiểu gì cũng sẽ có một câu về Trường Sa vì vấn đề biển đảo đang nóng và được nhiều người quan tâm", Trang hào hứng nói.
Nữ sinh quê Thanh Hóa cho biết, em đã học rất kỹ nguồn lợi của biển Đông phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và du lịch. Trong đề thi chỉ yêu cầu chứng minh biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và sinh vật biển, nhưng sau khi làm xong yêu cầu đề bài, Trang còn khẳng định, với nguồn lợi to lớn đó, biển Đông không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, mà còn đóng vai trò to lớn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng biển, đảo của nước ta.
Tương tự, thí sinh Nga (Ba Vì, Hà Nội) cũng làm tốt nhất câu hỏi về biển đảo. "Em thường xuyên tìm hiểu thông tin về biển đảo vì những vấn đề này đang được xã hội quan tâm. Do nắm vững Atlat nên câu hỏi các huyện đảo Trường Sa, Vân Đồn, Hoàng Sa thuộc tỉnh, thành nào em làm được", Nga cho hay.
Nhiều thí sinh tại cụm thi Vinh (Nghệ An) cũng hào hứng cho biết "trúng tủ" ở câu hỏi về biển đảo. Một nam sinh cho biết, trước khi thi em nghĩ chắc chắn có câu hỏi về biển, đảo nên ra sức ôn tập và nhờ đó có thể được 7 điểm ở môn thi này.
Kết thúc môn Địa, thí sinh tại trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) rời phòng thi với tâm lý thoải mái, xua đi sự lo âu của các phụ huynh đứng chờ con giữa trời nắng gắt. “Đề Địa năm nay khá thú vị, các bạn cùng phòng thi với em đều làm xong bài. Em làm được khoảng 7 điểm”, thí sinh Vũ Văn Tình nói..
Riêng câu hỏi về các huyện đảo của Việt Nam, các thí sinh cho biết đều làm đúng. “Nếu bạn nào không học kỹ về các huyện đảo cũng khó nhầm lẫn vì thời gian vừa qua xem thời sự và đọc báo đều đề cập nhiều đến các huyện đảo. Huyện đảo Hoàng Sa của TP Đà Nẵng và Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa thì chắc bạn nào cũng biết”, thí sinh Trần Thị Thúy Nga (Quảng Nam) khẳng định.
Hồ hởi trao đổi bài với bạn, em Nguyễn Văn Nam cho biết, trong câu hỏi về Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài yêu cầu của đề bài, em còn phân tích thêm một số chính sách về phát triển kinh tế biển, sản lượng hải sản trong thời gian qua tại hai quần đảo này.
Ông Nguyễn Văn Thành (quê Nghệ An) đưa con vào thi tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng thì tâm đắc, dù đề Địa mới dừng lại ở việc xác định các huyện đảo của Việt Nam thuộc tỉnh nào nhưng đã góp phần giáo dục cho giới trẻ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trao đổi bài thi môn Địa lý sáng 10/7
8h30, dù vẫn còn 15 phút mới hết giờ làm bài môn tiếng Anh nhưng thí sinh tại ĐH Hà Nội đã bắt đầu ra về. Nguyễn Thu Vân (THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) cho rằng, đề tiếng Anh giống như mọi năm, không dài cũng không khó nhưng do có nhiều từ mới nên em cũng chưa khoanh hết đáp án vì chưa nghĩ ra.
"Em thi vào khoa tiếng Nga, năm ngoái lấy 20,5 điểm. Với môn tiếng Anh khoảng 6 điểm và hai môn trước làm khá tốt, e khá tự tin vào khả năng đỗ đại học của mình", Vân tươi cười nói.
Cùng nhận định, Nguyễn Thị Yến (THPT Xuân Mai, Hà Nội) cũng cho rằng đề thi có rất nhiều từ mới nhưng em đã hoàn tất các câu hỏi và chắc chắn đúng 60%. "Em tính mình sẽ được 24 điểm cả ba môn. Năm ngoái khoa tiếng Trung lấy 22 điểm nên em rất yên tâm", nữ sinh này cười rồi lên xe ra về.
Đa phần thí sinh tại điểm thi CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An vào ĐH Hà Nội đều đánh giá, đề tiếng Anh vừa tầm, nhiều câu khá dễ như câu 8, 17, 28. Dù đề nhiều từ mới nhưng chỉ cần nắm chắc ngữ pháp thì sẽ kiếm được điểm cao. Theo thí sinh tên Dương, đề thi không đến nỗi khó lắm và em dự đoán được 7-8 điểm.
80 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 90 phút khiến nhiều thí sinh ở TP HCM lắc đầu vì dài. Theo Quốc Trung (quận Bình Thạnh) thi vào ĐH Sư phạm, khó nhất là điền từ vào ô trống trong đoạn văn (câu 53 đến 62). Ngoài ra phần đọc hiểu cũng tương đối khó. Trung dự đoán làm được khoảng 60%.
Chung tâm trạng, Võ Thị Thu (quê Hà Tĩnh) thi vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết, đề tiếng Anh có nhiều câu phân loại học sinh, và nếu không học chuyên Anh sẽ rất khó hoàn thành bài. "Đề thi sát chương trình học nhưng riêng phần từ vựng và phần bài đọc rất dễ đánh lừa thí sinh", Thu nói và cho biết không có thí sinh nào thi cùng phòng ra về sớm.
Thí sinh Đà Nẵng kết thúc môn thi cuối cùng đợt 2 tuyển sinh đại học
Ở khối B, thí sinh thi vào ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội khá phấn chấn vì đề thi Hóa dễ thở, tương đương khối A và dễ hơn đề năm 2011.
Thí sinh Nguyễn Nhân Hưởng cho biết, kiến thức nằm trong chương trình, câu phân loại không quá khó nên nhận được đề thi là em làm một mạch đến gần hết giờ. Em dự tính được khoảng 8 điểm và các bạn cùng phòng cũng làm khá tốt.
Cùng bố sắp balo để về quê, Trần Thị Huyền thi khoa Y dược nhận định, đề Hóa dễ hơn những năm trước, học sinh trung bình nắm vững kiến thức có thể làm được 5 điểm. Huyền cho biết thi khối B chỉ để "dự trữ" nhưng vẫn vui vì làm tốt cả ba môn. "Em rất thoải mái vì cả hai khối thi đều làm được bài, giờ chỉ hơi hồi hộp chờ ngày công bố điểm thi thôi", nữ sinh quê Hà Nam nói.
Nhiều thí sinh tại điểm thi ĐH Y khoa Vinh (Nghệ An) nhận định, đề Hóa vừa sức, học sinh khá có thể kiếm 6 - 7 điểm nhưng cũng không đến nỗi dễ kiếm điểm tuyệt đối. "Phần bài tập chiếm nhiều điểm hơn lý thuyết, em cố gắng làm hết khả năng nhưng cũng phải đánh tù mù nhiều câu", thí sinh Tô Thị My Lan cho biết.
Nguyễn Đức Anh cũng cho rằng, đề Hóa không đánh đố học sinh, các câu đều nằm trong chương trình, kiến thức trải đều, phần vô cơ và hữu cơ tương đương nhau. Do đó, Đức Anh tự tin mình sẽ "đạt trên điểm sàn khối B.
Trong khi đó, tại TP HCM, nhiều thí sinh lại cho rằng đề thi Hóa tương đối khó. Gia Bảo (Tây Ninh) chỉ làm được khoảng hơn 50%. Gần 15 câu ở chương trình lớp 10 vì không làm được nên đến cuối giờ thí sinh này đã phải khoanh bừa.
Còn Hoàng Anh (quận 6) thi ngành Sinh học ĐH Khoa học Tự nhiên lại tự tin hơn khi làm được hơn 70%. Theo Hoàng Anh, đề thi có một số câu hóc búa ở phần hóa vô cơ nếu không đọc kỹ sẽ làm sai.
Lê Đức Thuận (Theo Vnexpress)