PGS.TS. Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm nay có rất nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Trên cơ sở phân tích dữ liệu điểm thi toàn quốc, Bộ sẽ công bố mức điểm tối thiểu để thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển.
Đáng lưu ý, dù đủ tổng điểm theo quy định tối thiểu nhưng có môn thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống), thí sinh sẽ không được quyền nộp hồ sơ xét tuyển.
Ông Trần Văn Nghĩa lưu ý, điểm khác biệt trong quy trình xét tuyển năm nay là thí sinh bắt đầu chọn trường và ngành xét tuyển sau khi biết kết quả thi từ ngày 1/8.
Sau khi công bố kết quả thi, cụm thi sẽ in giấy chứng nhận kết quả thi chuyển về điểm đăng ký dự thi để thực hiện xét tuyển. Mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó chỉ 1 giấy xét NV1.
Ông Nghĩa cho biết: Riêng NV1, thí sinh chỉ nộp vào 1 trường và đăng ký tối đa 4 ngành theo thứ tự ưu tiên. Trong 20 ngày, từ 1 – 20/8, thí sinh có quyền rút hồ sơ để điều chỉnh nguyện vọng đã nộp.
Cũng theo quy định, Bộ yêu cầu 3 ngày 1 lần các trường phải công bố danh sách thí sinh xét tuyển theo thứ tự điểm số để thí sinh tham khảo.
Bốn nguyện vọng trong đợt 1 xét bình đẳng, nếu rớt NV1 mà chuyển xuống ngành NV2, thí sinh vẫn sẽ được xét bình đẳng với thí sinh nộp vào ngành này theo NV1. Như vậy, càng có điểm cao, thí sinh càng có nhiều cơ hội trúng tuyển.
“Thí sinh cần lưu ý, nếu đã trúng tuyển một ngành sẽ không được tham gia xét ngành tiếp theo. Còn khi xét tuyển bổ sung, thí sinh được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cùng lúc và mỗi trường được tối đa 4 ngành, có nghĩa sẽ có tối đa 12 nguyện vọng. Tuy nhiên, ở đợt bổ sung này, nếu đã nộp hồ sơ, thí sinh không được rút ra để nộp lại trong thời gian xét tuyển” – ông Trần Văn Nghĩa nói.