“Khi ôn tập ở nhà thì căn cứ theo cấu trúc của đề tham khảo môn Vật lý năm nay 2021 mà Bộ đưa ra. Trong cấu trúc của đề ở 25 câu đầu tiên với mức độ nhận biết, 10 câu tiếp theo ở mức độ vận dụng và 5 câu cuối có mức độ vận dụng cao.
Quan trong của việc ôn tập ở nhà thì nguồn tài liệu nên theo định hướng của giáo viên hoặc của các trường đưa ra, và kiến thức bao gồm cả lớp 10 cho đến lớp 12, nhưng kiến thức chính tập trung ở sách giáo khoa lớp 12.
Bộ môn Vật lý có đặc thù riêng nên không có câu nào học theo kiểu chép nguyên văn, có những câu mang tính chất hiểu biết về hiện tượng bản chất của Vật lý và những câu này hoàn toàn không phải tính toán gì nhưng học sinh cần ôn kỹ để hiểu được hiện tượng thì mới trả lời được”, thầy Triệu Lê Quang - Giáo viên dạy Vật lý Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, người bồi dưỡng đội tuyển thi Vật lý quốc tế đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo thầy Quang: "Bài thi sẽ theo hình thức trắc nghiệm trải đều kiến thức lớp 10 - 11 - 12 nên học sinh không thể nói chỉ ôn “tủ” vào phần nào". Ảnh: Tùng Dương. |
Theo thầy Quang: “Dạng thứ hai liên quan đến tính toán và phải rất cẩn thận bởi trong 25 câu đầu việc tính toán chỉ là 1 công thức, nhưng quan trọng khi học sinh thay số cần chú ý trong việc đổi đơn vị. Ví dụ một bài toán về phương trình sóng thì li độ biên độ đi với nhau cùng một đơn vị.
Nhưng bước sóng, khoảng cách và bước đường truyền sóng lại đi với nhau một đơn vị, mặc dù đều là đơn vị chiều dài. Vậy khi ôn và làm những dạng bài tập đó học sinh phải rất chú ý nếu không sẽ nhầm đơn vị của đại lượng này sang đơn vị của đại lượng khác mặc dù cùng đơn vị chiều dài trong cùng một công thức.
Bài thi sẽ theo hình thức trắc nghiệm trải đều kiến thức lớp 10 - 11 - 12 nên học sinh không thể nói chỉ ôn “tủ” vào phần nào, nhưng tất nhiên có những dạng kiến thức mà gần như trong đề thi nào cũng có 1 đến 2 câu. Ví dụ: Những kiến thức có liên quan đến giao động điều hòa và chắc chắn một điều trong cấu trúc đề bao giờ cũng phải có bởi nó liên quan đến phần giao động cơ, giao động điện và cả điện xoay chiều.
Nội dung kiến thức đó bao giờ cũng chiếm đến khoảng hơn 1/3 trong đề thi, với kinh nghiệm tôi thấy rằng trong phần đó nếu học sinh ôn kỹ và hiểu thì rất dễ chiếm được điểm cao ở phần này. Phần giao động điều hòa liên quan đến nhiều chương trong chương trình của lớp 12 và theo cấu trúc đề của Bộ thì những chương đó là những chương chiếm nhiều nhất”.
Thầy Quang lưu ý: “Trong những câu hỏi tiếp theo bao giờ người ta cũng ra các phần mang tính chất ứng dụng, tính ứng dụng mang yếu tố hiện đại và thường có những câu hỏi xoay quanh những vấn đề như Lượng tử ánh sáng, Vật lý hạt nhân nên học sinh cần chú ý những kiến thức liên quan đến những bài toán vận dụng.
Với những bài dạng đó nhưng đôi khi có những miền kiến thức mang tính chất cập nhật, ví dụ những ứng dụng mang tính chất về mặt lý thuyết là như thế này, nhưng khi ra đề người ta lại đưa ra một vài ứng dụng như chụp X quang, tia xạ điều trị trong Y học, bếp từ, phanh từ…
Những vấn đề này các em cần tìm hiểu thêm bởi khi có sự lồng ghép, tích hợp, vận dụng không phải hoàn toàn chỉ ở trong sách giáo khoa nữa mà có thể đưa ra một số dụng cụ rồi yêu cầu cho biết dụng cụ nào ứng dụng hiện tượng vật lý này. Bao giờ trong khi ôn tập các em cần phải chú ý kiến thức trong vận dụng thực tế bởi nhiều khi trong sách giáo khoa vẫn chưa cập nhật được hết các hiện tượng.
Để giải thích, trong quá trình dạy Vật lý thì giáo viên cũng luôn hướng học sinh giải thích những ứng dụng trong thực tế bởi giờ đây phương pháp mới cũng không gò bó trong sách giáo khoa, học sinh có thể học theo dự án, ví dụ cùng một nội dung này học sinh tìm hiểu ở nhiều kênh thông tin và trình bày bằng hình thức thảo luận nhóm.
Vậy nên ngay cả đề thi cũng có xu hướng tiếp cận kiểm tra đánh giá theo phương pháp mới, cách học cũng như vậy. Tất nhiên phần kiến thức cơ bản ở trong sách giáo khoa nhưng sẽ có những bài vận dụng bởi phương pháp mới cũng hạn chế việc nặng về Toán trong những bài Vật lý, nhưng lại hướng tới chuyện học Vật lý là phải biết vận dụng trong những thiết bị nào để giải thích những điều bình thường trong cuộc sống”.
Thầy Quang chia sẻ thêm: “Trong ôn tập thì vẫn là đọc kỹ đề, luôn có thêm một cây bút để đánh dấu nhưng câu từ quan trọng, những gì dễ nhầm. Rồi kinh nghiệm làm câu nào trước, câu nào sau, chưa làm được cũng phải đánh dấu lại và đặc biệt là nếu đến hết giờ vẫn chưa làm xong thì vẫn phải đánh dấu hết các câu, tránh để trống”.
Các giáo viên và học sinh đội tuyển thi quốc tế của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: NVCC. |
Đọc thật kỹ đề trước khi làm bài thi
Thầy Quang nói: “Ngoài ra trong 25 câu dễ cũng có những phần rất dễ nhầm bởi có thể chỉ thay đổi một từ trong cụm từ thì nó đã sang một nghĩa khác rồi. Đó là lưu ý thứ nhất.
Lưu ý thứ hai cần chú ý về đơn vị, thường học sinh hay đọc nhanh lướt qua ở những câu dễ và đó là lỗi hay mắc phải. Ví dụ một câu về tính chất của phần chuyển động, là chuyển động nhanh dần. Đề sẽ cho chuyển động nhanh dần hoặc nhanh dần đều nhưng nếu chủ quan nhìn thoáng qua là học sinh đã có thể bị nhầm tính chất của chuyển động đó.
Ví dụ nữa trong sóng kết hợp, hoặc nguồn kết hợp. Hai từ đó chỉ khác một chút thôi thì nó đã thành một nội dung hoàn toàn khác rồi. Vậy lưu ý học sinh cần ôn kỹ, khi làm bài cần đọc kỹ câu hỏi để làm đúng đề.
Với 10 câu hỏi vận dụng thì học sinh phải nhớ được kết luận vì thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ không đủ thời gian cho các con biến đổi, bởi trong khoảng thời gian đó làm tổng 40 câu hỏi và có những câu rất khó. Nếu học sinh cứ xoáy vào những câu quá hàn lâm chứng minh từng công thức dẫn đến không kịp thời gian làm bài.
Vậy nên khi ôn tập, luyện đề cần phải luyện chốt được “công thức” mang tính chất kết luận từng nội dung thì học sinh mới có thể kịp làm những bài vận dụng.
Còn ở bài vận dụng cao thì có số lượng ít câu hỏi nhưng lại rất khó, nên khi học sinh đã làm hết 35 câu kia, kiểm tra cẩn thận tránh sai sót rồi lúc đó mới bắt tay vào làm 5 câu vận dụng cao.
Ngay cả có những thầy cô không có kinh nghiệm mà khi bắt tay vào làm thì cả thời gian đó cũng khó hoàn thành được 5 câu hỏi, có nhiều học sinh chuyên đôi khi quá sa đà vào việc thể hiện kiến thức của mình, nhưng câu vận dụng cao không thể dùng những kết luận để làm được ngay, mà bao giờ cũng phải biến đổi qua khá nhiều các thao tác, như vậy đương nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian. Vậy nên các em hãy dành khoảng thời gian cuối cùng để làm 5 câu hỏi đó.
Hơn nữa gọi là thi Tổ hợp 3 môn Khoa học tự nhiên là Vật lý, Hóa học, Sinh học trong tổng thời gian 150 phút nhưng ở đây chúng ta mới đang bước đầu của chuyện Tổ hợp, có thể hiểu thi Tổ hợp nhưng với 3 bài độc lập Vậy lý, Hóa và Sinh.
Lượng câu hỏi mà tích hợp được cả 3 môn cũng không thể chiếm số đông, bởi bản thân những kiến thức trong cuộc sống không phải vấn đề nào cũng lồng ghép cả 3 cái đó nên vẫn phải có những câu riêng của từng môn, từng lĩnh vực.
Khi vào thi, đầu tiên học sinh phải làm 40 câu của bài thi Vật Lý trước, khi làm xong nộp lại đề nhưng vẫn giữ nguyên phiếu thu bài và được phát tiếp 40 câu hỏi của môn Hóa, cứ như vậy tiếp đến phần câu hỏi của môn Sinh”.
Theo tạp chí Giáo dục điện tử