Các bạn học sinh ổn định chỗ ngồi trong hội trường
Vở kịch diễn ra trong bối cảnh những năm 1939 tại đất nước ta, khi thực dân Pháp rầm rộ cổ động “phong trào thể dục thể thao” nhằm đánh lạc hướng sự đấu tranh dân chủ, đòi lại nền độc lập, chủ quyền của tầng lớp thanh niên thời bấy giờ. Quan trên ban lệnh xuống bắt người dân xã Ngũ Vọng tập trung để lên sân vận động cổ vũ bóng đá. Nhân dân trong xã không ai muốn đi, bởi họ biết họ còn bao điều phải lo toan, từ miếng cơm manh áo đến việc chồng việc con, việc nhà việc nước. Người trốn chạy, người van xin để không phải đi xem bóng đá. Thế nhưng, đáp lại sự cầu khẩn tha thiết của người dân là sự dửng dưng, thờ ơ đến lạnh lùng của bộ máy cầm quyền. Cuộc dẫn người đi xem bóng có không khí chẳng hề vui vẻ, hệt như một cuộc giải tù binh.
Một phân cảnh mang đậm hơi thở thời đại trong vở kịch
Với giọng điệu có phần mỉa mai, châm biếm, vở kịch đã cất lên tiếng phê phán thói giả dối, chính sách lừa lọc con dân của bọn chính quyền phong kiến dã man, tàn bạo. Trong khi cuộc sống của nhân dân ta vô cùng khốn khổ, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, thì chính quyền tay sai thực dân không hề giúp đỡ mà lại bày đặt những trò thể thao xa xỉ, thứ mà chúng gọi là “văn minh hiện đại”. Vở kịch góp phần làm lật tẩy âm mưu của giặc Pháp khi chúng cố gắng đồng hóa nhân dân ta bằng những thứ trò chơi tiêu khiển như "phong trào thể thao", "sức khỏe nòi giống" nhưng thực chất là làm phân tán tinh thần đấu tranh và nhiệm vụ cứu nước của thanh niên lúc đó.
Bộ máy cầm quyền ức hiếp nhân dân
Vở kịch với thời lượng hơn 1 tiếng đã đưa các bạn học sinh qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ những tiếng cười giòn giã cho đến những lần bất ngờ, hiểu ra được ý nghĩa ẩn sau nó. Họ đã mang đến những phân cảnh công phu với trang phục và đạo cụ vô cùng chân thật, góp phần cho Amsers có cái nhìn tổng quan hơn về bối cảnh lịch sử của đất nước, cũng như đời sống nhân dân ta dưới thời Pháp thuộc. Ngay sau khi vở kịch kết thúc, các học sinh đã nán lại để tham quan bảo tàng, tiếp thu những thông tin thú vị, những tư liệu và hình ảnh về một thành phố nghìn năm văn hiến cùng vô vàn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Dù vở kịch đã khép lại nhưng tiếng nói phê phán, lên án vẫn vang lên về một bộ máy chính quyền mục ruỗng
Các diễn viên chào tạm biệt khán giả
Như vậy sau chuyến đi , các Amsers có cơ hội được tiếp cận gần hơn với bộ môn nghệ thuật kịch sân khấu đầy mới lạ, sinh động hóa các tác phẩm văn học bất hủ, giúp các bạn học sinh thêm yêu thích nghệ thuật truyền thống và nền văn học nước nhà.
Ban biên tập Ams Wide Web và toàn thể học sinh khối 10 xin được gửi lời cảm ơn tới các thầy cô, Ban Giám Hiệu nhà trường đã tạo điều kiện tổ chức một buổi trải nghiệm đầy ý nghĩa, cảm ơn đoàn diễn viên của nhà hát Kịch Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội đã mang đến một vở diễn lôi cuốn cho các Amsers.
PVV: Nguyễn Vũ Cẩm Linh - Văn 2326
PVA: Nguyễn Quỳnh Vân Khánh - Hóa 1 2326