TRÒ CHUYỆN CÙNG NGUYỄN TÚ QUYÊN (ANH 1 20-23) VÀ THÀNH TÍCH THỦ KHOA KÌ THI HỌC SINH GIỎI TIẾNG ANH CẤP QUỐC GIA 2021 - 2022

By toan | 5 Tháng Mười Một, 2022

Phóng viên (PV): AWW xin chúc mừng chị Nguyễn Tú Quyên - người đạt giải Nhất HSG cấp quốc gia môn tiếng Anh, đồng thời cũng đạt điểm thủ khoa của toàn quốc. Cảm xúc của chị khi biết điểm là gì ạ?

Tú Quyên: Thật sự là lúc đó chị cảm thấy như bị đánh úp bởi điểm vậy. Trong suốt cả tuần, mọi người đều nói là “Tuần này sẽ có điểm” nên hôm nào chị cũng cực kì bồn chồn và lo lắng. Tuy nhiên điểm lại đến vào lúc bất ngờ nhất và hôm đó chị đang ở ngoài Hà Nội: đột nhiên cô chủ nhiệm nhắn ảnh điểm chính thức vào group Zalo. Lúc đó chị chỉ cảm thấy thở phào nhẹ nhõm thôi vì bao nhiêu sự lo lắng và hồi hộp chờ đợi cuối cùng đã kết thúc, nên chị xem điểm với một tâm trạng vô cùng bình thản và sẵn sàng chấp nhận với mọi kết quả dù tốt hay xấu. Nhưng thật sự đến lúc chị nhìn sang số báo danh xếp bên cạnh chữ “Nhất”, chị không thể tin nổi và cảm thấy thực sự bất ngờ!

PV: Chị có thể chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian ôn thi của mình không?

Tú Quyên: Kỉ niệm của chị với tuyển hầu hết đều là kỉ niệm với bạn bè thay vì là kỉ niệm về học hành. Những người bạn vào đội tuyển đều là những người mà chị khá thân, và đặc biệt là khi chị đã hoàn thành một nửa quãng thời gian học cấp 3 của mình trong điều kiện chủ yếu là online thì từng cơ hội được làm việc và tiếp xúc với những người bạn ấy đều quý giá hơn bao giờ hết. Thời gian học tuyển trùng thời gian tổ chức Olympic Mùa đông 2022 và chị theo dõi khá sát sao bộ môn Trượt băng nghệ thuật cũng như vận động viên Yuzuru Hanyu, nên có thể nói kỉ niệm đẹp nhất của chị lúc đó là cùng các bạn túm năm tụm ba sau giờ tuyển để xem vận động viên này thi đấu. Do việc học tuyển khá là nặng nên chị đã phải hi sinh nhiều thời gian cho những thú vui và đam mê của bản thân dành cho việc học nên những khoảnh khắc hiếm hoi được thả lỏng một chút và theo dõi môn thể thao mà mình thích khá là đáng nhớ đối với chị.

Tú Quyên hiện đang là phó Chủ tịch câu lạc bộ Tranh biện Puzzles Ams

PV: Do chịu tác động của dịch bệnh, việc ôn luyện đội tuyển tham gia kì thi Học sinh giỏi năm nay bị kéo dài 5 tháng và hầu hết các tháng là học sinh thành phố Hà Nội phải học online. Chị đã làm gì để khắc phục khó khăn này ạ? 

Tú Quyên: Đối với chị học online không phải là một khó khăn mà có khi còn là một điểm thuận lợi đặc biệt là khi chị rất sợ bị nhiễm Covid. Thật lòng thì bất kể hình thức học nào đi nữa, hiệu quả của việc học nó vẫn sẽ nằm ở bản thân mình, liệu em sẽ học hay là làm việc riêng trong giờ chẳng hạn. Bản thân chị cảm thấy thì luôn muốn hoàn thành mọi thứ một cách trọn vẹn nhất có thể nên chị luôn cố ít nhất là hiểu được thầy cô đang giảng những gì. Bất lợi duy nhất của việc học online là không thể tái tạo lại môi trường phòng thi để chị làm quen được - nhưng mà chị luôn cố tạo ra một không gian giống nhất có thể như làm bài nghe bằng loa ngoài, in đề ra giấy, luyện viết chữ,… Nói chung thì khó khăn lớn nhất của việc ôn luyện lần này với chị là quỹ thời gian quá ngắn, bọn chị chỉ có 2 tháng là nhiều nhất trong khi các tỉnh khác đã ôn luyện từ 5 đến 6 tháng rồi. Vì thế nên áp lực trong quãng thời gian học tuyển cũng khá lớn, nhưng chị có cố khắc phục bằng cách luyện tập một cách có chiến lược.

PV: Chị bắt đầu gắn bó với môn tiếng Anh từ khi nào? Chị có thể nêu cảm nghĩ của mình và bí quyết học giỏi môn này được không?

Tú Quyên: Chị bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh từ hồi 5 tuổi nhưng hồi đó thì chị cực kì ghét ngoại ngữ. Phải đến năm lớp 3 chị mới quay lại với bộ môn này và có một sự yêu thích nhất định dành cho nó; tuy nhiên đến lớp 8 chị mới quyết định theo đuổi bộ môn này lâu dài. Đối với chị tiếng Anh như là một công cụ cực kì quan trọng, nó mở ra rất nhiều cơ hội cho chị để tham gia các hoạt động, tìm hiểu các kiến thức, tiếp xúc với các hình thức âm nhạc và phim ảnh nước ngoài. Theo chị thì không có một bí quyết nhất định để học giỏi một bộ môn nào đó, nhưng mà với tiếng Anh chị nghĩ về căn bản em phải xác định mục đích của mình học tiếng Anh để làm gì và phương pháp học phù hợp nhất với em là như thế nào. Điều quan trọng cần nhớ là mục đích và phương pháp của em không phải giống như những gì xã hội nghĩ thì mới là đúng - em hoàn toàn chỉ có thể học tiếng Anh để chơi “Minecraft” chẳng hạn, và em hoàn toàn có thể học bằng cách xem video “memes”. Miễn là em xác định được hai điều này, quãng đường tiếp theo của em sẽ rất suôn sẻ. 

“Điều quan trọng khi học tiếng Anh là mục đích và phương pháp của em - không phải giống như những gì xã hội nghĩ thì mới là đúng” - Tú Quyên

PV: Một ngày chị dành bao nhiêu thời gian để ôn tuyển và chị phân chia thời gian như thế nào để cân bằng được cả việc học các môn trên lớp - ôn thi học sinh giỏi - tham gia hoạt động ngoại khóa?

Tú Quyên: Do thời gian ôn luyện đội tuyển năm nay khá là ít nên bọn chị được miễn học trên trường để chuyên tâm vào môn Anh. Tất nhiên là chị vẫn có những hoạt động như CLB Tranh biện và “Ams’ Got Talent” (Chương trình Tìm kiếm tài năng của Ams), nhưng chị đã cố gắng hoàn thành hầu hết các việc đặt ra trong tháng 2 và tháng 3 từ lúc mới vào tuyển để có thể thoải mái thời gian ôn luyện hơn. Một ngày của chị khá là đơn giản, chị thường học tuyển chính thức 3 tiếng mỗi buổi sáng và chiều rồi dành 1 tiếng để giải trí hoặc xử lý nốt những công việc ngoại khóa, còn đến tối thì chị chủ yếu tự ôn luyện và hoàn thành deadline. Có thể thấy chị dành khá nhiều thời gian thư giãn và làm việc riêng, vì đối với chị cách làm việc hiệu quả nhất không phải là dành nhiều thời gian mà là làm việc một cách có chiến thuật và hiệu quả hơn trong một quỹ thời gian nhất định. Nếu mình sử dụng thời gian một cách thông minh hơn (ví dụ như thay vì chỉ làm 1 bài luận em có thể vừa viết bài vừa sử dụng đề đó để luyện nói chẳng hạn), và đặc biệt là phải điều độ (đừng thức khuya), bản thân sẽ dư dả thời gian và sắp xếp được thời gian biểu phù hợp hơn.

Tú Quyên luôn năng nổ, nhiệt tình với những hoạt động ngoại khóa mình tham gia

PV: Ngoài việc luyện nhiều đề, chị còn phương pháp học tập nào hiệu quả để cải thiện kỹ năng nghe - đọc - viết với bộ môn Tiếng Anh không? 

Tú Quyên: Do mỗi người có một cách học khác nhau nên chị không thể nói chắc chắn rằng phương pháp của chị là tối ưu nhất và sẽ hiệu quả với mọi người, vì như chị đã nói mỗi người phải tự tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhất với mình - nó hoàn toàn có thể không truyền thống. Trong trường hợp của chị thì do thời gian học tuyển chính thức các thầy cô sẽ cho luyện mọi kĩ năng nên trong thời gian riêng chị sẽ tập trung vào những phần chị yếu hơn là nói và viết. Cách học chính của chị là học từ những gì mình thích nhất - chị đã cải thiện cách đọc hiểu, cách dùng từ, cách viết sao cho tự nhiên nhất qua “fanfic” (thể loại viết hư cấu bởi người hâm mộ) trên “Archive of Our Own” và học cách nói, cách lên xuống âm điệu từ khá là nhiều video memes. Việc xem video debate cũng là một cách tốt để chị luyện nghe, học cách phát triển ý và luyện nói.

PV: Được biết, chị Tú Quyên là phó chủ tịch câu lạc bộ tranh biện của trường - Puzzles Ams - và là thành viên đội tuyển Ams Kira thi đấu tại chương trình The Debaters của VTV7. Chị có thể chia sẻ về đam mê tranh biện của mình được không?

Tú Quyên: Chị bắt đầu bộ môn tranh biện một cách khá tình cờ vào năm lớp 7 qua cuộc thi World Scholar’s Cup và tiếp tục theo đuổi nó đến bây giờ. Đối với chị, tranh biện là một phần con người của chị - qua tranh biện chị đã xác định được điểm mạnh, điểm yếu cũng như ngành học tương lai. Qua tranh biện chị thật sự đã được mở mang tầm mắt về thế giới xung quanh và những sắc thái của nó, cũng như là học được nhiều bài học về làm việc nhóm và thắng thua. Đặc biệt là trong thời gian ôn luyện đội tuyển, những kĩ năng chị thu được trong tranh biện rất hữu dụng trong cách phát triển ý, cách nói, cách lắng nghe và cách lọc thông tin của chị. Chị cũng dự định sẽ tham gia tranh biện dài dài.

Chị Tú Quyên gặt hái nhiều thành công tại kì thi World Scholar’s Cup năm lớp 7

PV: Cuối cùng, chị còn điều gì muốn nhắn nhủ tới các hậu bối có ý định thi HSG môn tiếng Anh nói riêng và các môn khác nói chung không?

Tú Quyên: Nếu có điều gì về kì thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia thì chị nghĩ có 2 điều. Đầu tiên, hãy xác định xem em muốn thi để làm gì - lý do đó hoàn toàn có thể không phải vì em muốn đỗ Đại học mà là vì em muốn giữ thể diện - như chị chẳng hạn. Khi em biết lý do em muốn thi thì em sẽ đặt được kì vọng và phương pháp phù hợp cho chính bản thân mình. Thứ hai, hãy làm việc có điều độ và tận hưởng bản thân trong thời gian ôn luyện - như thế thì em mới làm việc có hiệu quả và thật sự cảm thấy vui vẻ và có động lực suốt quãng thời gian học tuyển.

PV: Thay mặt ban biên tập Ams Wide Web, em xin chân thành cảm ơn chị Nguyễn Tú Quyên vì cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Chị Tú Quyên đã, đang và sẽ mãi là một người truyền cảm hứng sâu đậm cho các Amsers. Em xin chúc chị đạt được nhiều thành công rực rỡ hơn nữa trong tương lai gần!

Phóng viên: Nhữ Hà Xuân Anh - Địa 2124

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan