Trò chuyện với kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn

By toan | 15 Tháng Ba, 2013

- Nhận nhiệm vụ thiết kế kiến trúc cho ngôi trường to lớn về cả không gian lẫn ý nghĩa lịch sử này, anh có “run” không khi tuổi đời của anh cũng như các kiến trúc sư trong nhóm còn khá trẻ?

Đứng truớc ban giám khảo và lãnh đạo thành phố, không phải ai cũng giữ đuợc sự bình tĩnh cần thiết. Vị trí của ngưòi thiết kế buộc mình phải thể hiện sự tự tin, không được phép run sợ. Hơn thế, cả nhóm còn tìm tòi những ngôn ngữ kiến trúc mới chưa được kiểm chứng về tính khả thi tại Việt Nam. Mình đi tiên phong nên phải có bản lĩnh của người thiết kế.

Quá trình thực hiện là quá trình tìm kiếm giá trị bản thân. Mỗi lần làm là mỗi lần tự vượt qua những thách thức. Nếu mình run rẩy thì sẽ phải chấp nhận sản phẩm ở mức độ vừa phải. Nhiều hạng mục chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên nhiều khi nhóm mình phải sử dụng cảm tính và trực giác của người thiết kế. Đó cũng là một thách thức không nhỏ.

- Nhiều người nói công trình trông rất hiện đại kiểu Tây, anh có tham khảo mô hình phương Tây nào không khi thiết kế trường Ams?

Bất kỳ một lĩnh vực công việc nào đều đòi hỏi sự kế thừa và kiến trúc không phải ngoại lệ. Một bài văn phải có cấu trúc, một công trình kiến trúc cũng có những đặc thù dễ gây liên tưởng và nhầm lẫn, nhưng ai đặt chân đến ngôi trường mới này cũng phải công nhận rằng thiết kế trường Ams không giống bất kỳ một mô hình nào khác, có giá trị bản sắc riêng không thể nhầm lẫn. Kế thừa là đương nhiên nhưng nhóm thiết kế ATEK đã sáng tạo ra một tác phẩm chứ không “đạo văn”, đặc biệt ở một công trình có hàng trăm ngàn con mắt nhìn vào như thế này, cả nhóm thiết kế xác định rằng cần sáng tạo, hướng đến một tác phẩm để đời.

- Ngôi trường này là công trình trọng điểm của ngành giáo dục thủ đô chào đón 1000 năm Thăng Long Hà Nội, vậy đâu là chất Hà Nội trong mô hình kiến trúc này?

Ngay từ đầu, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương ngôi trường này phải mang hơi thở Hà Nội, do người Hà Nội thiết kế, người Hà Nội thi công, người Hà Nội quản lý. Nhóm thiết kế hoàn toàn đồng ý với tinh thần ấy, tuy nhiên, bản sắc Hà Nội là một khái niệm trừu tượng, không dễ dàng khái quát trong ngôn ngữ kiến trúc. Nổi bật lên trong tính cách của người Hà Nội là sự hài hòa, tinh tế, sâu lắng, không phô trương ồn ào… Quan điểm của mình cùng nhóm thiết kế cũng vậy, trong một ngôi trường với nhiều hạng mục và công năng đa dạng như thế này, cần phải kiểm soát được nó trong một nhịp điệu của sự hài hòa và tinh tế. Đó chính là Hà Nội. Mình không đưa vào các yếu tố cụ thể nhưng phảng phất trong nét kiến trúc hiện đại ấy, nguời Hà Nội sẽ vẫn nhìn ra chất Hà Nội trong nhịp thở của mái truờng.

- Mô hình kiến trúc của nhóm anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi thiết kế trường Hà Nội Amsterdam mới, thành công này theo anh có được là nhờ đâu?

Nhóm đã rất may mắn khi được tham gia cuộc thi ngàn năm có một này, Thăng Long Hà Nội nghìn năm đã cho nhóm cơ hội ngàn năm ấy. Cái nghiệp Kiến trúc sư này muốn thành công phải hội tụ nhiều yếu tố trong đó có thể kể tới như : hiểu biết nghề nghiệp, niềm đam mê, khả năng tổ chức công việc, tính kiên trì… nhưng điều quan trọng nhất là phải có cơ hội, là điều kiện, là thời cơ. Nhóm thiết kế đã nghĩ ra những ý tưởng lóe sáng cho công trình trường Ams, nhờ có cơ hội để tỏa sáng. Khát khao với nghề, không đánh mất chính mình đã giúp cả nhóm có đuợc kết quả ngày hôm nay.

- Có nhiều người phản biện các anh không?

Có người nói: “Hà Nội chúng ta có những trường như Chu Văn An, Trưng Vương với lịch sử cả trăm năm mà giờ chúng ta vẫn thấy đẹp. Tại sao trường này chúng ta không làm theo kiểu như vậy.” Mình trả lời: “Cái người Pháp xây dựng 100 năm giờ vẫn còn giá trị thì chúng ta sẽ xây dựng nhiều công trình để 100 năm sau vẫn còn giá trị. Không nhất thiết phải lấy quá khứ làm nền tảng khi nó đã không còn phù hợp. Giá trị của trường Chu Văn An, Trưng Vương không còn là ngôn ngữ kiến trúc thuần túy mà đã trở thành giá trị lịch sử, giá trị tinh thần, trong đó ngôn ngữ kiến trúc chỉ là đại diện cho những giá trị cao đẹp đó” . Lẽ dĩ nhiên không thể sao chép đuợc giá trị tinh thần! Truờng Ams cùng các thế hệ thày trò, có giá trị riêng của họ, đó là bản sắc mà kiến trúc phải tôn vinh.

Người khác lại hỏi: “Tại sao không làm cổng trường choáng ngợp và to tát lên?” Mình trả lời: “Tại sao phải làm cho các em học sinh bị choáng ngợp? Cổng trường là sự ngăn chia ước lệ giữa trong và ngoài chứ không nên tạo ra cảm giác ngăn cách. Cần đem đến cho các em học sinh một cảm giác khác biệt nhưng gần gũi. Những cánh cổng nặng nề, kín mít cần đuợc gỡ bỏ, mái trường cùng xã hội bên ngoài phải cùng một nhịp thở, chiếc cổng chỉ nên làm đúng chức năng của nó

Bản thân mình còn phải luôn phản biện với chính mình, và cần sự lắng nghe để cầu tiến. Mình tôn trọng mọi lời phản biện và coi đó như sự chưa hiểu nhau về mặt tư tưởng, sự chưa đồng nhất về quan điểm giá trị mà thôi.

- Điều khiến anh hài lòng nhất khi nhìn thấy đứa con ra đời trong thực tế bây giờ là gì?

Tại đồ án thiết kế truờng AMS mới, hạng mục chính của trường là các khối lớp học, nhưng không phải là không gian chủ đạo có tính chất hạt nhân mà hài hòa cùng với các chức năng khác của nhà trường trong một tổng thể kiến trúc. Mình muốn truyền tải thông điệp: giáo dục con người không chỉ là giáo dục tri thức, còn là giáo dục giao tiếp, cảm nhận và sáng tạo. Trong đó, học sinh là chủ thể sáng tạo chính chứ không phải các lớp học. Học sinh ở đâu, ở đó chính là lớp học. Mình không nhận thấy điều ấy rõ ràng ở các đồ án khác cùng dự thi. Ban giám khảo và giới chuyên môn đã chọn mô hình của mình chính vì yếu tố đó, cho dù chi phí xây dựng một ngôi trường như thế tốn kém hơn nhiều. Nhưng lãnh đạo Hà Nội đã nhận thấy điều ấy, nhận thấy sự cần thiết phải từ bỏ tư duy sắp đặt trong giáo dục, mang đến sự cởi mở, phóng khoáng…

- Vậy có còn điều gì anh nuối tiếc?

Dù sao đã đuợc ưu tiên có một khu đất đẹp nằm trong một khu đô thị trung tâm, nhưng nếu có một khu đất rộng hơn nữa thì tổ hợp này có thể không cần chặt chẽ về hình học như thế. Nếu cảnh quan xung quanh tốt hơn, có điều kiện cây xanh tốt hơn, thì có thể hòa với thiên nhiên, ngẫu hứng và sáng tạo hơn nữa… Đó là một hạn chế của một trường đô thị…

Công trình kiến trúc cũng như viên kim cương, các góc cạnh phải mài giống nhau một cách đồng nhất. Nhưng do những yếu tố khách quan là môi trường xây dựng ở Việt Nam, cũng có yếu tố chủ quan của cá nhân người thiết kế, công trình không phải đã đạt được sự hoàn hảo kim cương ấy. Nhưng mình phải chấp nhận, cuộc đời không chỉ có mình nó và cũng không chỉ có mình mình…

- Xin cảm ơn anh!

Thiết kế trường Ams.

Nhóm kiến trúc sư trẻ tuổi và tài năng.

Trúc Quỳnh.

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan