Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, một nhà chỉ huy quân sự tài ba. Là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, ông đã trực tiếp chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và kháng chiến chống Mỹ (1960-1975). Danh tiếng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ bó hẹp ở Việt Nam mà bạn bè năm châu bốn biển khi nhắc tới tên ông đều bày tỏ một sự khâm phục sâu sắc. Các dân tộc ở Châu Phi và Mỹ La Tinh tin rằng chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” do ông chỉ huy là khởi nguồn những chiến thắng của họ.
Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà sử học quân sự Mỹ Duncan Townson trong cuốn “Những Vị Tướng Lừng Danh” có nói “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua.” Đại tướng Peter MacDonald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh nói rằng: “Với 30 năm làm tổng tư lệnh và 50 năm tham gia chính sự, ông tỏ ra người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực chiến tranh. Khó có thể có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui.”
Mặc dù được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ bởi thiên tài quân sự, nhưng hình ảnh của vị tướng “văn võ song toàn” còn ghi dấu ấn đậm nét trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam với tư cách là một nhà giáo dục – thầy giáo dạy lịch sử nổi tiếng. Đại tướng thường tâm sự với các vị lãnh đạo đầu ngành, các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên rằng: “Giáo dục không chỉ có nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài … mà còn sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội bởi lẽ giáo dục đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống.”
Vừa qua, ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Thầy và trò trường THPT Hà Nội – Amsterdam đã có một chuyến viếng thăm tới nhà Đại Tướng ở số 30 phố Hoàng Diệu.
"Cuối cùng chúng cháu cũng đến được nơi đặt di ảnh của Người! Tình cảm sâu nhất là ở trong tim, không nhất thiết phải đến tận nơi mới là ghi nhớ! Nhưng suốt 4 tiếng dưới cái nắng cùng đoàn người nhích từng bước chân hướng về số nhà 30 Hoàng Diệu, chúng cháu thấy mình cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều!"
Trước di ảnh của Đại tướng, mỗi Thầy Cô giáo và các thế hệ Học sinh luôn tự hứa với lòng mình rằng sẽ luôn là những tấm gương giữ gìn đạo học nước nhà như tâm nguyện của ông truyền lại.
PV: Vũ Duy Anh (Sử 11-14)
Ảnh: Nhật Minh (Sử 11-14)