Để hiểu rõ tầm quan trọng của việc đổi mới tuyển sinh trong quá trình thực hiện Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga xung quanh Dự thảo qui chế này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
Bộ GD&ĐT tính thay đổi kỳ thi “3 chung” từ cách đây 3 năm
Thưa Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị thực hiện việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường như thế nào?
Ngành GD&ĐT những năm gần đây đã có những đổi mới mạnh mẽ về công tác quản lý trong quá trình thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 05 của Ban Cán sự Đảng. Nhiều văn bản qui phạm pháp luật đã được ban hành tạo điều kiện cho công tác đổi mới được diễn ra thuận lợi như Nghị định 115 của Chính phủ, thông tư 38, 08, 57... của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là Luật Giáo dục Đại học và mới đây nhất là Nghị định 141 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học.
Những văn bản này đã đi vào cuộc sống, huy động nhiều nguồn lực tham gia công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động GD - ĐT, tách bạch công tác quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT và công tác chuyên môn của các nhà trường.
Công tác đổi mới trong quản lý đó đã tạo tiền đề cho một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Cách đây 3 năm, khi kỳ thi "3 chung" được đánh giá là tương đối hoàn hảo, Bộ GD&ĐT đã nghĩ đến việc thay đổi kỳ thi này cho phù hợp với việc đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong những năm sắp tới. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi đó đã đề nghị một số trường trọng điểm nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh riêng, nếu thấy hợp lý thì cho tiến hành thí điểm ngay để rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn hệ thống.
Như vậy việc giao tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường đã được Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ tính đến từ rất sớm và đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng về việc này. Mặc dù trong giai đoạn đó chưa có trường nào tiến hành tuyển sinh riêng trên thực tế nhưng với quyết tâm đổi mới, Bộ đã đề xuất đưa vào Luật Giáo dục Đại học việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường, trong đó có tự chủ tuyển sinh.
Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trương tuyển sinh riêng, đã có trường ĐH nào hưởng ứng, thưa Thứ trưởng?
Hưởng ứng đề nghị của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh riêng có 2 trường. Đầu tiên có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất đề án năm 2011 và sau đó là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất đề án năm 2012. Đây phải nói là những trường đi tiên phong. Cả 2 đề án này đã được báo cáo ở Bộ GD&ĐT và đã được các bộ phận liên quan của Bộ cân nhắc rất kỹ càng.
Đề án của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được thiết kế thi theo kiểu truyền thống. Bộ đề nghị Trường nghiên cứu chỉnh sửa theo hướng đổi mới môn thi, đề thi, hình thức tổ chức thi... để làm thí điểm nhân rộng. Bởi nếu thi theo kiểu truyền thống thì sử dụng kỳ thi "3 chung" sẽ tốt hơn.
Đề án của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có tính đổi mới rõ rệt về cách thi và đề thi nhưng chỉ dành cho học sinh trường chuyên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ đề nghị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu mở rộng đối tượng tuyển sinh để đảm bảo công bằng.
Tuy cho đến nay 2 trường ĐH tiên phong này chưa đề xuất lại phương án tuyển sinh riêng nhưng Bộ GD&ĐT đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của nhà trường trong công tác đổi mới.
Đến năm 2013, 10 trường thuộc khối năng khiếu nghệ thuật phối hợp đề xuất phương án tuyển sinh riêng cho nhóm trường này. Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp nghiên cứu đề án và đã đi đến quyết định cho triển khai. Theo báo cáo của các trường trong nhóm này thì công tác tuyển sinh đã diễn ra rất tốt đẹp, nhà trường đã chọn được những thí sinh phù hợp vào học những ngành đặc thù.
Đổi mới phương thức tuyển sinh giúp nâng cao chất lượng đào tạo từ phổ thông đến ĐH
Thưa Thứ trưởng, có thể hiểu chủ trương đổi mới tuyển sinh, giao tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường là nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, chứ không phải nhằm giúp cho các trường khó khăn trong tuyển sinh lấp đầy chỉ tiêu như một số người lo lắng?
Các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức tuyển sinh riêng. Với những qui định mở trong Dự thảo tự chủ tuyển sinh, các trường không khó khăn gì trong thực hiện việc tự chủ tuyển sinh theo đúng ý nghĩa của nóÝ nghĩa của việc thi riêng là để các trường áp dụng phương thức thi phù hợp nhằm chọn thí sinh có đủ năng lực vào học các ngành nghề đào tạo của trường mình. Ngành nghề đa dạng và yêu cầu của mỗi trường mỗi khác thế nên mỗi trường cần có phương án tuyển sinh riêng. Nếu không phải vì mục đích đó thì phương thức tuyển sinh "3 chung" là phù hợp nhất cho việc xét tuyển rộng rãi trong toàn hệ thống.
Mặt khác, việc đổi mới phương thức tuyển sinh sẽ có tác động mạnh mẽ đến phương pháp dạy và học không những ở bậc phổ thông mà cả ở bậc cao đẳng, đại học. Nếu chúng ta vẫn duy trì kiểu dạy và học theo cách truyền đạt kiến thức, học sinh chỉ cần nhớ nhiều kiến thức là đạt kết quả cao thì phương thức thi như hiện nay phát huy tác dụng tốt, không cần thay đổi gì.
Nhưng nếu chúng ta cần thay đổi cách dạy và cách học theo hướng phát huy năng lực của học sinh thì phải đổi mới tuyển sinh theo hướng khác. Do đó tự chủ tuyển sinh là cơ hội để các nhà trường nghiên cứu tính toán chủ động thực hiện cách kiểm tra năng lực thí sinh thế nào cho hợp lý nhưng đơn giản nhất để có thể tuyển được những thí sinh phù hợp vào học các ngành nghề đào tạo tại trường.
Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đã nêu rõ việc chuyển mục tiêu giảng dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát huy năng lực của học sinh. Vì vậy việc tuyển sinh đại học, cao đẳng cần phải được thay đổi theo hướng này để hỗ trợ cho việc đổi mới dạy và học.
Một số ý kiến cho rằng việc quy định các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ gây khó khăn cho các trường tuyển sinh riêng. Thứ trưởng có thể cho biết lý do Bộ GD&ĐT đưa ra quy định này?
Ý nghĩa của chủ trương tuyển sinh riêng là tạo điều kiện để các trường chủ động tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp vào học các ngành nghề đào tạo tại trường. Điều này một kỳ thi tuyển sinh chung khó có thể làm được. Nếu phương thức tuyển sinh "3 chung" có thể làm được việc này thì không cần thiết phải tổ chức thêm các đợt thi riêng để tránh gây phức tạp và tốn kém.
Vì vậy trong Dự thảo qui định tự chủ tuyển sinh Bộ có đề nghị các trường nêu rõ mục đích tuyển sinh riêng. Dự thảo cũng qui định rất mở. Nếu cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện tuyển sinh riêng trong toàn trường thì có thể tuyển sinh riêng cho một số ngành mà trường thấy cần thiết phải thay đổi phương thức tuyển sinh trước, những ngành còn lại vẫn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi chung.
Mặt khác, các trường cũng có thể liên kết với nhau để tổ chức tuyển sinh riêng. Với những qui định mở như vậy, các trường không khó khăn gì trong thực hiện việc tự chủ tuyển sinh theo đúng ý nghĩa của nó.
Lý do khối trường công lập còn “hờ hững”
Như vậy có thể thấy mục đích tuyển sinh riêng rất rõ ràng, đó là giúp các trường chủ động tuyển được thí sinh phù hợp vào học các ngành của trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đến nay hầu như các trường công lập vẫn còn "hờ hững" với chủ trương này. Thứ trưởng có thể giải thích lý do vì sao?
Đối với các trường công lập, đặc biệt là các trường trọng điểm, việc tổ chức tuyển sinh riêng không có khó khăn gì vì các trường này có đủ điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật. Các trường này hoàn toàn có thể đề xuất các phương án tuyển sinh mới, phù hợp với việc kiểm tra năng lực của thí sinh, khác biệt so với cách tuyển sinh truyền thống.
Tuy nhiên, các trường thấy rằng nếu thay đổi lớn về phương thức tuyển sinh trong khi cách dạy, cách học ở bậc phổ thông chưa kịp thay đổi sẽ gây khó khăn cho thí sinh. Vì vậy các trường công lập chưa mạnh dạn đề xuất phương án tuyển sinh riêng của trường mình.
Nay với lộ trình đổi mới tuyển sinh và các qui định tự chủ tuyển sinh rất mở, trong thời gian tới sẽ có nhiều trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Các phương án này có thể trước mắt tập trung cục bộ một số ngành nghề để rút kinh nghiệm nhằm triển khai trong toàn trường khi kết thúc phương án tuyển sinh "3 chung".
(Theo giaoducthoidai.vn)