Học. Học. Đã bao giờ bạn hỏi vì sao mình lại phải học chưa, ít ra thì tại sao lại phải học vào chủ nhất? Hay bạn sẽ trả lời thế nào trước câu hỏi đó sau 12 năm đi học. Có thể vì học mới giúp ta giàu chăng, học mới giúp mọi người nhìn ta với con mắt nể trọng, hay học thì mới nhận được công việc khá trong tương lai, học để tránh bị bố mẹ hay thầy cô trách mắng nặng lời, hay như một người bạn của tôi đã từng chán nản trả lời “Tao cũng chẳng biết vì sao lại phải học nữa”!
Bỗng chợt nghĩ, ồ, ra là vậy đấy, hóa ra, "học" chỉ có thế thôi sao, là thước đo địa vị xã hội, là tấm lá chắn cho những lời phàn nàn của người lớn, là bức tường vô duyên khó chịu trong cuộc vui của một cậu học sinh.
Tôi nhớ lại ngày đầu tiên được mẹ đưa đến trường. Sao ngày đấy với tôi hạnh phúc, sung sướng biết bao. Một đứa nhóc lần đầu tiên biết đến "trường học" và mắt cứ tròn xoe. "Trường" to và đẹp quá(học cũng vậy), các anh chị lớn mới thật chững chạc, dễ nể làm sao. Nhưng tất cả điều đó đâu đủ làm nên niềm phấn khởi đang nhảy múa tưng bừng trong tôi lúc bấy giờ. Điều hơn cả tuyệt vời đối với ngày đầu tiên đi học là những lời hứa hẹn dài dòng từ mẹ: “ Ở đây con sẽ được học nhiều điều mới, con sẽ biết con cá sinh ra từ đâu, vì sao cây lá màu xanh; con sẽ không phải hỏi mẹ những điều có lúc mẹ cũng chẳng biết trả lời thế nào. Đây sẽ là nơi con chạm tới bầu trời ước mơ….” Vâng, với lời nói đó thôi nhưng tôi đã yêu biết bao ngôi trường đầu tiên. Đứa trẻ nào mà chẳng hồi hộp, lo lắng, chẳng hạnh phúc ngập tràn khi biết những ước mơ con trẻ, những thứ tưởng chỉ có trong truyện cổ tích lại có thể thành hiện thực trong tòa nhà rộng lớn mang tên “trường học”. Khi ấy, đó còn là cả một thế giới thần kì và học là một ngôi nhà dưới vòm trời xanh thẳm, tràn ngập âm nhạc du dương.
Nhưng chính cảm xúc đẹp đẽ của tuổi thơ ấy giờ lại khiến tôi băn khoăn “ Niềm vui sướng được đến trường ấy đi đâu mất rồi sau ngót 12 năm?”. Khoan nghĩ đến giáo trình trong trường học, tôi chỉ muốn tìm đến những cảm xúc tinh khiết của ngày đầu tiên đến trường. Vì sao nhiều bạn tôi lại nghĩ đến trường và học chán? Bảy ngày một tuần, họ mong đến ngày chủ nhật, 30 ngày trong tháng, họ mong chờ những ngày nghỉ lễ, 365 ngày trong năm, họ vỗ tay thích thú trước những buổi nghỉ tiết đột xuất của giáo viên. Còn đâu niềm mong mỏi được đi học, những hồi hộp giây phút thầy cô bước lên bục giảng với tiếng phấn trắng kì cạch và cả những hoài bão to lớn từ thời ấu thơ? Ai trên đời chẳng mong làm được một kì tích, làm điều có nghĩa trước khi nhắm mắt đưa tay. Sau mười hai năm học, từ ước mơ muốn làm nhà du hành vũ trụ để chạm vào những vì sao hay nhà thám hiểm luôn mỉm cười trước những bất ngờ từ cuộc sống bỗng đổi thành ước mơ "có tiền" hơn là làm doanh nhân, bác sĩ; rồi sau chót, đỗ đại học cái đã… Ước mơ đã biến mất như một phép màu của bà tiên thời thơ ấu, cuộc sống ngày một đơn giản và an nhàn; có lẽ chỉ làm một nhân viên văn phòng bàn giấy cũng đủ. Mười hai năm học, và ước mơ cứ bé dần, bé dần. Có thể điều ước phải hòa nhập với thực tại xã hội, có thể niềm đam mê dần thay đổi, an toàn hơn chẳng hạn. Sao ngày bé những đứa trẻ có cái quyền táo bạo ngang ngược đến thế? Bởi vì chúng còn bé bỏng, lạ lẫm với "chuyện đời" quá. Bước vào ngưỡng cửa cuối cấp ba, nếu đặt hỏi “Bạn muốn làm gì trong tương lai?”, không ít học sinh sẽ không tìm ra câu trả lời, hay vẫn lưỡng lự; trong khi câu hỏi "Bạn sẽ thi trường nào?" lại có đáp án nằm lòng như những ba-rem chấm điểm buộc bạn phải thế. Dẫu biết lựa chọn cho tương lai không phải dễ gì quyết định nhưng bỗng thèm quá những khát vọng trong trẻo của thời bé thơ.
Trước thế giới rộng lớn, bên cạnh những đồng tiền dễ kiếm; bên cạnh cuộc sống thường nhật ai cũng đang sống vẫn còn vô vàn những điều kì diệu này đang đợi được khám phá và phát minh. Hôm nay, em tôi chạy đến ôm mẹ tôi và hét lớn: “Mẹ ơi, lớn lên, con sẽ làm siêu nhân!”. Cả nhà tôi cười, cười sự ngây thơ của trẻ con - một ước mơ "con nít". Còn tôi ước ”Giá như ai cũng đủ dũng cảm làm siêu nhân trong chính ước mơ của họ”.
Thu Hằng (Chuyên Văn Khóa 09-12)